"4 đúng" khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

(Baonghean) - Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay đang gây lãng phí và làm tăng chi phí sản xuất khá lớn. Không những thế, còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hiệu quả trừ sâu bệnh thấp. Khi hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cần đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách. 

Ở nhiều vùng miền, bà con được tập huấn sử dụng thuốc BVTV “4 đúng”, nhưng làm chưa đúng. Điển hình như vụ lúa hè thu 2014 và ngay cả vụ lúa xuân 2015, cả 2 vụ lúa này bị nhiễm nặng sâu cuốn lá nhỏ trên quy mô lớn cả tỉnh. Rất nhiều gia đình đã phải mua thuốc về phun 3 lần trong 1 vụ sản xuất vẫn không tiêu diệt được sâu cuốn lá, vừa gây lãng phí thuốc, gây tốn kém tiền bạc, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng sức khỏe con người. Sau đây là những nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV: 
Sử dụng đúng thuốc:
Thu gom bao bì thuốc BVTV vào hố rác để xử lý.  	Ảnh: Anh Tuấn
Thu gom bao bì thuốc BVTV vào hố rác để xử lý. Ảnh: Anh Tuấn
Khi sử dụng thuốc BVTV cần phải biết rõ loại sâu bệnh cần phòng trừ là gì. Nếu không biết thì phải hỏi ý kiến của cán bộ chuyên môn về BVTV hoặc cán bộ kỹ thuật nông nghiệp địa phương. Khi đã được xác định đúng sâu gì, bệnh gì thì mua thuốc đặc trị đúng cho loại sâu, bệnh đó. Loại thuốc mua cần chọn lọc loại thuốc có tác dụng chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít gây độc hại đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng. Đặc biệt cần lưu ý, chọn mua các loại thuốc tương đối an toàn với cây trồng, ít gây hại cho người tiêu dùng sản phẩm, nhất là các loại thuốc diệt cỏ rất nguy hiểm cho cả người, các động vật khác và cả môi trường nước.
Sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng:
Đúng nồng độ, liều lượng bao gồm lượng thuốc và lượng nước khi pha trộn để phun trên một đơn vị diện tích cụ thể cho cây trồng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất thuốc có ghi trên nhãn mác bao bì hoặc hỏi cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Tùy tiện tăng nồng độ thuốc khi pha trộn thuốc vào nước sẽ gây tác hại lớn cho người sử dụng, cây trồng, vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí sản xuất. Ngược lại nếu pha nồng độ thấp quá sẽ không những không tiêu diệt được sâu bệnh, mà còn làm cho sâu bệnh lờn thuốc, kháng thuốc, tạo nguy cơ bùng phát dịch mạnh hơn. Vì vậy tốt nhất nên có dụng cụ cân, đong thuốc, nước khi pha trộn. Không nên ước lượng bằng mắt, không dùng tay bốc thuốc bột. Thuốc pha trộn đến đâu phun sử dụng hết đến đó. Tuyệt đối không để thuốc dư thừa qua ngày hôm sau. 
Sử dụng thuốc đúng lúc:
Chỉ nên phun thuốc vào thời điểm sâu bệnh dễ bị tiêu diệt nhất. Đó là giai đoạn tuổi còn rất nhỏ đối với sâu (phun khi sâu mới nở) và giai đoạn đầu của bệnh mới phát sinh. Phun càng chậm khi sâu đã già tuổi, bệnh đã mãn tính thì hiệu quả phun rất thấp, có khi phun không có tác dụng gây tốn kém, làm tăng chi phí sản xuất. 
Hạn chế phun thuốc khi cây trồng đang ra hoa. Không nên phun thuốc khi trời nắng nóng, nhiệt độ không khí cao, khi trời sắp có mưa sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc. Không phun thuốc ít nhất từ 10 - 15 ngày trước khi thu hoạch các sản phẩm cây trồng.
Sử dụng thuốc đúng cách:
- Trước khi phun thuốc: Cần phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người phun thuốc như quần áo, mũ, khẩu trang, bao tay, ủng. Vì thuốc BVTV là những hóa chất rất độc hại khi dây dính vào da, hít thở nhiều nếu thuốc bốc hơi mạnh... sẽ gây ra những tác hại khó lường có thể dẫn đến chết người hoặc mang vào cơ thể những bệnh tật khó chữa trị. Trước khi pha trộn thuốc với nước, người sử dụng thuốc phải chuẩn bị đầy đủ ống đong, cân, xô pha thuốc, que khuấy khi đổ thuốc vào nước và bình phun thuốc được kiểm tra kỹ không rò rỉ. Nơi để pha thuốc nên ở gần địa điểm phun thuốc, xa nguồn nước sinh hoạt (giếng, ao, hồ, sông, suối...), xa chuồng trại gia súc, gia cầm.
- Khi phun thuốc: Phải hướng vòi phùn vào đúng vị trí gây hại của từng loại sâu, bệnh để tia thuốc vào tiếp xúc được nhiều nhất thì sẽ làm tăng hiệu quả tiêu diệt sâu và bệnh nhiều nhất và không phun thuốc đi ngược lại với chiều gió.
- Sau khi phun thuốc: Quần áo và tất cả dụng cụ lao động phải được rửa sạch sẽ và cất vào kho riêng nơi kín đáo nhất. Toàn bộ vỏ chai, bao bì thuốc phải được thu gom lại bỏ vào hố rác của xóm, làng, xã theo quy định. Nơi nào chưa có hố bỏ rác chung của làng, xã thì gom lại tiêu hủy bằng cách đào hố chôn sâu xuống đất cách xa làng, xóm, xa nguồn nước sinh hoạt của dân làng.
Ngoài 4 nguyên tắc nói trên, xin được chia sẽ một số kinh nghiệm trong việc phối trộn các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh với thuốc diệt cỏ và chất điều hòa sinh trưởng để làm tăng hiệu quả sử dụng của thuốc:
1. Chỉ phối trộn được các loại thuốc BVTV thuộc các nhóm có gốc khác nhau mới có hiệu quả như: thuốc nhóm gốc lân phối trộn với nhóm các ba mát, nhóm gốc lân + cúc, các ba mát + cúc, các ba mát + điều hòa sinh trưởng, thuốc vi sinh phối hợp với gốc lân hoặc cúc.
2. Chỉ nên phối trộn các nhóm thuốc có các tác dụng khác nhau như nhóm thuốc tiếp xúc, nhóm thuốc vị độc, nhóm thuốc xông hơi, nhóm thuốc nội hấp và nhóm thuốc lưu dẫn.
3. Chỉ nên phối trộn thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu với trừ cỏ, thuốc trừ sâu với phân bón... khi cần thiết.
4. Không phối trộn thuốc trừ bệnh với phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng.
5. Không phối trộn thuốc trừ sâu vi sinh với thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh. 
6. Không phối trộn thuốc trừ sâu, trừ bệnh với các loại thuốc gốc đồng (Cu) như: Coc 85, Coper B, Boocdo ... vì thuốc gốc đồng có tính kiềm cao, trong khi đó thuốc trừ sâu, bệnh có tính a xit lớn. Nếu pha trộn lại với nhau sẽ trung hòa làm giảm hiệu lực của thuốc.
Doãn Trí Tuệ

Tin mới