5 'đầu bài' Thủ tướng giao cho tân Thống đốc

Trao quyết định bổ nhiệm, Thủ tướng kỳ vọng bà Nguyễn Thị Hồng tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, giảm lãi vay, đẩy mạnh cơ cấu hệ thống...

Chiều 16/11,Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho bà Nguyễn Thị Hồng, đồng thời giao cho bà và ngành Ngân hàng 5 nhiệm vụ quan trọng.

Theo Thủ tướng, ngành Ngân hàng cần nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị tiền đồng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước và cũng là thành quả quan trọng nhiều năm qua, khi lạm phát từ mức trên 18% vào năm 2011 đã giảm xuống dưới 4%.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu nhất quán mục tiêu lạm phát ở mức thấp, nền tảng vĩ mô ổn định để kinh tế phát triển nhanh và bền vững nhưng lưu ý ổn định các thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai theo Thủ tướng là điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng chi phí thấp, thủ tục đơn giản, thuận tiện.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu biện pháp để giảm chi phí lãi vay, bởi nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn trong khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản. Năm nay các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, người dân, theo Thủ tướng.

Tuy tín dụng tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng cho rằng nhiều lĩnh vực có tiềm năng cho vay và phát triển tốt như nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử, công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, y tế, giáo dục...

Bên cạnh đó, các nhà băng cũng cần tiếp tục xóa, giảm, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ cho các tỉnh miền Trung vừa qua chịu thiên tai, bão lũ. 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cần thể hiện vai trò quan trọng để góp phần ổn định vĩ mô.

Thứ ba, ngành Ngân hàng cần tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng phải hiệu quả, đủ mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, không để "mất bò mới lo làm chuồng". Nếu để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng có nghĩa là cơ quan giám sát ngân hàng chưa làm tròn nhiệm vụ.

Bài toán thứ tư mà Thủ tướng giao cho ngành Ngân hàng là việc đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng yếu kém. Thủ tướng nói rằng, đây là nhiệm vụ trọng yếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đôn đốc chỉ đạo, thực hiện thời gian qua, nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có định hướng cụ thể đối với từng ngân hàng, trước hết giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ này đối với Ngân hàng Nhà nước là vừa hạn chế nợ xấu gia tăng, vừa giảm nợ xấu đang có, vừa có cơ chế để các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững, đặt mục tiêu Việt Nam có ngân hàng lọt vào top đầu các ngân hàng tốt nhất khu vực.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng không ngừng hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, đi tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, góp phần giảm chi phí, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Chia sẻ tại buổi nhận quyết định, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhận thấy trách nhiệm lớn lao khi ở cương vị là người đứng đầu hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bà thừa nhận việc điều hành ngân hàng cần có bước đi phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động khó lường, dịch Covid-19 phức tạp và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà khẳng định sẽ chỉ đạo điều hành hệ thống ngân hàng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống... giúp ngân hàng thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế.

Tin mới