7 tháng: Công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng chậm

Sáng 5/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì phiên họp giao ban về tình hình hoạt động ngành Công Thương tháng 7 và 7 tháng năm 2013. Theo đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng nhưng tốc độ giảm dần.
 
Tại buổi họp, Bộ trưởng đã đề nghị tập trung bán tới những bất cập, hạn chế đặc biệt những vướng mắc khó khăn của 7 tháng đầu năm, từ đó đưa ra giải pháp tập trung thực hiện cho những tháng cuối năm 2013.

Ảnh minh họa

Tồn kho giảm đáng kể

Mặc dù, chỉ số công nghiệp từng tháng vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng là 4,9%; 6 tháng 5%; 7 tháng 5,2%. Nhưng theo ông Nguyễn Tiến Vỵ- Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012, tăng 5,7% chứng tỏ, sản xuất công nghiệp còn chuyển biến chậm. Điều này, chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn như ngành thép vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn do thị trường bất động sản- đầu ra chính của ngành thép đang đóng băng; nguồn cung mặt hàng thép trong nước ngày càng tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm và không ổn định dẫn đến lượng hàng tồn kho cao; thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục vào Việt Nam. “Sự phản ứng của doanh nghiệp hầu như thụ động, không chủ động. Đề nghị Cục quản lý cạnh tranh tăng cường công tác  tuyên truyền và hướng dẫn xử lý tranh chấp thương mại và thêm nhiều thông tin về  phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước.”-Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị.

Một số ngành như cơ khí, điện, điện tử sản xuất lại có nhiều tín hiệu khởi sắc. Doanh thu các tháng gần đây liên tiếp tăng cao hơn so với cùng kỳ. So với tháng 7/2012, sản lượng ô tô lắp ráp ước đạt 9,2 nghìn cái, tăng 61%; xe máy ước đạt gần 290 nghìn cái, tăng 27%; riêng điện thoại di động ước đạt 8,9 triệu cái, giảm 15,1%.

Sản xuất tăng một phần là do các chính sách giảm thuế của Nhà nước và giải pháp thúc đẩy bán hàng từ doanh nghiệp. Phản ứng tích cực của người tiêu dùng sau khi lệ phí trước bạ ô tô chính thức giảm xuống còn từ 10-15% bắt đầu áp dụng tại một số tỉnh, thành phố là động lực đẩy mạnh tăng trưởng tiêu thụ ô tô những tháng cuối năm.
Điều đáng mừng nữa chính là chỉ số tồn kho của nhiều hàng hóa, đặc biệt công nghiệp, chế biến chế tạo chỉ tăng 8,8%, ở mức bình thường so với cùng thời điểm năm trước (giảm 0,9 điểm% so với cùng thời điểm tháng trước). Tuy nhiên, một số mặt hàng như hóa chất, phân bón, kết cấu kim loại, một số máy móc trong ô tô…tồn kho vẫn còn tương đối cao

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị, các tập đoàn, tổng công ty chủ động hơn nữa vừa xuất khẩu (nếu có) vừa phối hợp với các Sở công Thương, địa phương đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và gắn với vận động ưu tiên người Việt dùng hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn…

Tìm thêm dư địa xuất khẩu nông, lâm sản

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng 7 tháng trên 14%. Nhưng đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm dần: quý 1 tăng 18%, quý 2 16%, 7 tháng tăng 14%. Nguyên nhân khách quan đặc biệt là mặt các hàng nông nghiệp như gạo, cà phê, cao su… Khối lượng tăng nhưng giá giảm nhiều. Tỷ trọng hàng nông nghiệp xuất khẩu bình thường các năm trước đây chiếm 20-25%, nhưng 7 tháng chỉ chiếm hơn 15%, đây là điều đáng lo ngại. Trước tình hình đó, Bộ trưởng đề nghị, làm sao từ nay tới cuối năm, tìm thêm các dư địa, biện pháp thúc đẩy mặt hàng này trong đó là nông nghiệp.

Xuất khẩu giảm dần nhưng nhập khẩu vẫn đảm bảo nhu cầu cho sản xuất và được kiểm soát tương đối tốt. Với xu hướng nhập khẩu tăng dần, cán cân thương mại hàng hóa vẫn nghiêng về nhập siêu, nhưng tính đến hết tháng 7 đã được thu hẹp xuống 733 tỷ USD, tương đương 1% kim ngạch xuất khẩu. Nếu xét theo yếu tố chu kỳ, xuất khẩu các tháng cuối năm luôn cao hơn những tháng đầu năm.

Do đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ở mức 128 tỷ USD, tăng khoảng gần 2 tỷ USD so với mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao; kim ngạch nhập khẩu năm 2013 dự kiến ở mức 133 tỷ USD. Khả năng nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, bằng 3,9% kim ngạch xuất khẩu (mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao là 8,0%).

Sớm triển khai quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo

Ngày 31/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, sẽ có không quá 150 đầu mối, trong đó ưu tiên cho doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tức là vùng trồng lúa, ưu tiên doanh nghiệp có hợp đồng ký kết với nông dân.

Từ nay tới cuối năm thời gian còn rất ít, trong khi đó hoạt động xuất khẩu gạo đang căng thẳng do nguồn cung và cạnh tranh của các đối tác xuất khẩu gạo, đặc biệt là một số hợp đồng thị trường tập trung sẽ triển khai vào cuối năm.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị: Thứ nhất, Cục Xuất nhập khẩu tổ chức phối hợp với các địa phương triển khai quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, làm rõ với các địa phương về các tiêu chí căn cứ theo quy hoạch mà chính phủ đã phê duyệt; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện nhằm đảm bảo sự công bằng minh bạch dựa trên đánh giá cụ thể và năng lực của doanh nhân. Thứ hai, tổ chức hậu kiểm các doanh nghiệp địa phương nhất là các cơ chế đánh giá trong vòng 2 năm, nếu doanh nghiệp nào 2 năm xuất khẩu liên tục dưới 10 nghìn tấn/gạo/1 năm sẽ cắt giấy phép hoạt động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác thực hiện quy hoạch này.

"Đề nghị cần triển khai sớm quy hoạch về thương nhân xuất khẩu gạo để doanh nhân, doanh nghiệp có điều kiện tham gia xuất khẩu vào 5 tháng cuối năm"- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Theo Báo Công thương - HV

Tin mới