82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu trở thành Bảo vật Quốc gia

Sáng 23/11, chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra “Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Bảo vật Quốc gia”. 
Phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tự hào rằng: “82 bia Tiến sĩ được đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từ lâu đã được xem là một trong những di sản văn hóa quý giá, là những trang sử bằng đá của cha ông ta để lại. Hơn nữa, những tấm bia này còn là một biểu trưng, là lời khuyến học hùng hồn nhất cho những kẻ sĩ, sĩ tử thời xưa và những học sinh, sinh viên hôm nay.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khai mạc Triển lãm
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khai mạc Triển lãm "Bia Tiến sĩ - Di sản văn hóa Việt Nam"
82 bia đá tương ứng với 82 khoa thi (có niên đại từ 1484 đến 1780) là những bản tư liệu gốc duy nhất còn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là những tấm bia đầu tiên của Việt Nam ghi tên các vị đỗ đại khoa do các nghệ nhân, khoa bảng nổi tiếng tạo. Mỗi tấm bia là một tác phẩm độc đáo, là kết tinh trí tuệ và bàn tay khéo léo của các nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu trong suốt thời gian gần 300 năm”.
Như chúng ta đã biết, các bài văn bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung, nền khoa cử Việt Nam nói riêng. Đó là triết lý giáo dục coi trọng hiền tài. Đó là đạo trị quốc, với phương châm xây dựng và phát triển đất nước luôn phải được quan tâm đào tạo nhân tài. Đó là cách thức và tuyển dụng nhân tài, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài.
Với giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt quan trọng như vậy, vào tháng 3/2010, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO Quốc tế công nhận là Di sản tư liệu Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đến ngày 27/7/2011, 82 bia Tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tiếp theo, ngày 10/5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và ngày 14/1/2015, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám một lần nữa lại được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là Bảo vật Quốc gia.
“Đây là một vinh dự lớn, là niềm tự hào cho nhân dân Thủ đô và cả nước. Song danh hiệu cao quý này cũng đặt lên vai những người làm văn hóa ở Hà Nội một trọng trách lớn trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa quý báu này" - ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.
82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội được công nhận là bảo vật quốc gia
82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội được công nhận là bảo vật quốc gia.
Trong những năm qua, ngành Văn hóa Thủ đô đã rất chú trọng tới công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 tấm bia Tiến sĩ. Nhiều hạng mục Di tích đã được trùng tu, 8 nhà che bia Tiến sĩ được phục dựng, có nhiều hoạt động về nghiên cứu, tuyên truyền về Di sản. Song hành với nhiệm vụ này, công tác kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền quảng bá về truyền thống khoa bảng Việt Nam và hệ thống bia Tiến sĩ trong cả nước cũng sẽ được nhân rộng.
Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh minh họa.
Do đó, để bảo vệ và phát huy hơn nữa giá trị của bảo vật quốc gia một cách có hiệu quả, trong thời gian tới, bà Đặng Thị Bích Liên đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần tập trung triển khai lập phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối với từng bảo vật quốc gia, có biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại các nơi lưu giữ bảo vật quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai việc bảo quản đặc biệt định kỳ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng chương trình, quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia gắn với việc tuyên truyền bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống ham học, yêu nước, thương dân của các bậc tiền nhân.
Theo Lao động Oline
TIN LIÊN QUAN

Tin mới