Anh nông dân ở xã biên giới với bí quyết chống hạn, trồng rau quả sạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Dù có ruộng vườn ở khu vực xảy ra nắng nóng, hạn hán thường xuyên, nhưng anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã Tam Quang (Tương Dương) vẫn có rau, củ, quả tươi tốt để bán quanh năm. "Bí quyết" chính là giải pháp chống hạn, tiết kiệm nước và kiên trì thực hiện sản xuất hữu cơ an toàn.

Chủ động chống hạn cho cây

Những ngày giữa tháng 6, vùng đất Bãi Sở, xã Tam Quang khô hạn, nắng gay gắt và nhiều nơi thiếu nước. Thế nhưng ngôi nhà của anh Nguyễn Thanh Tùng vẫn được bao quanh bởi các khoảnh vườn xanh tốt, mỗi khoảnh là một loài cây trái cho thu nhập luân phiên.

Có những loại cây cho quả như dưa chuột, dưa lê, mướp hương đã bước sang lứa thu hoạch thứ 7, thứ 8, đem lại cho chủ vườn nguồn thu hàng chục triệu đồng chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Anh Nguyễn Thanh Tùng đầu tư 4 km đường ống dẫn nước từ khe, suối về vườn. Ảnh: Hoài Thu

Anh Nguyễn Thanh Tùng đầu tư 4 km đường ống dẫn nước từ khe, suối về vườn. Ảnh: Hoài Thu

Dưới những giàn mướp lúc lỉu quả, anh Tùng tận dụng quỹ đất để trồng xen các loại rau xanh như mồng tơi, khoai lang, rau dền…Cách ruộng mướp không xa là vườn chuối tiêu gần 100 gốc. Tiếp đó là vườn dưa lê, dưa chuột đang mùa thu hoạch, mỗi lần hái khoảng 50 kg. Mỗi sào dưa lê cho sản lượng khoảng 4-5 tạ, bán với giá 30 -35 ngàn đồng/kg. Vườn chuối cho quả đều đặn và xuất bán vào mỗi dịp ngày tuần hàng tháng vài trăm nải.

Cùng với chăn nuôi thêm vài con trâu, bò, trồng trọt mùa nào thức nấy, chịu khó chăm bón cũng có thể giúp người nông dân ở Bãi Sở vươn lên khấm khá” - anh Tùng bộc bạch.

Song để cây trái tốt tươi nơi địa phương thường có nắng nóng, khô hạn, anh Nguyễn Thanh Tùng đã phải trăn trở tìm các biện pháp khắc phục, nhất là sự khan hiếm về nguồn nước.

“Bãi Sở không có nguồn nước tự chảy. Vì vậy, ngoài 3 giếng khoan được Nhà nước đầu tư (nay đã bị hỏng 2 giếng), thì người dân phải tự tìm tòi, cải thiện, khắc phục sự thiếu thốn về nước sản xuất”, chị Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết.

Nhờ chủ động tìm nguồn nước nên cây trồng luôn tươi tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Hoài Thu

Nhờ chủ động tìm nguồn nước nên cây trồng luôn tươi tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Hoài Thu

Đối với khu vườn của mình, anh Tùng cho biết đã đầu tư mua 4 km đường ống nhựa dẫn nước từ khe núi vào bể chứa đặt ở góc vườn, phục vụ tưới cho cây trồng.

Để tiết kiệm nguồn nước vốn đã khan hiếm, anh Tùng tìm hiểu cách lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới có định lượng. Đối với cây non và vườn cây dây leo cao, tán kín và rộng như mướp thì anh dùng cách tưới nhỏ giọt ở gốc.

Còn vườn cây leo tầm thấp hơn như dưa lê, dưa chuột thì anh dùng cách tưới có định hướng và lựa chọn thời điểm tưới thích hợp. Nhờ chịu khó tìm tòi và chăm chỉ lao động, đất đã không phụ công người. Vườn rau, cây ăn quả của anh Tùng cho thu hoạch quanh năm.

Clip: Hoài Thu

Kiên trì hướng sản xuất an toàn sinh học

Ngoài đầu tư mua đường ống dẫn nước, tìm cách tiết kiệm nước tưới, vườn rau, củ, quả của anh Tùng còn được người dân biết đến với các "bí quyết" sản xuất xanh, sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Khu vườn nhỏ xanh mướt của gia đình anh Tùng mùa nào thức nấy. Từ đầu tháng 6/2023, anh Tùng đã cắt bán nhiều lứa mướp hương, dưa chuột, dưa lê.

Điều đặc biệt, những loại quả rất dễ bị ruồi vàng tấn công dẫn đến cong vẹo, hư hỏng như dưa chuột, dưa lê, mướp hương, nhưng hoa trái trong vườn của anh Tùng hầu như không bị ảnh hưởng bởi loài côn trùng này.

“Dưa lê, dưa chuột mỗi lứa thu hoạch có khi cả tạ nhưng không có quả nào bị ruồi vàng, côn trùng làm hư hại bởi tôi thường xuyên đặt bẫy diệt ruồi, côn trùng” - anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Bẫy diệt ruồi vàng tại vườn của anh Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Hoài Thu

Bẫy diệt ruồi vàng tại vườn của anh Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Hoài Thu

Để ngăn ruồi vàng cắn hại quả, anh Tùng lên mạng tìm hiểu và mua loại dược liệu có mùi thơm, có độ kết dính rồi tạo “bẫy” bằng chai nhựa để khử ruồi vàng. Tận dụng các chai nhựa phế thải, anh Tùng khoan lỗ trên nắp để treo chai có phết lớp nhựa thơm nhử ruồi ở ngoài chai. Ngửi mùi thơm hấp dẫn, ruồi vàng bay lại sẽ dính chặt vào bẫy.

Ngoài ra, anh Tùng còn áp dụng thêm loại bẫy khác để đảm bảo tiêu diệt hết loài côn trùng phá hoại quả này. “Cũng dùng chai nhựa, nhưng mỗi chai tôi tạo khe cửa có khóa để ruồi chui vào nhưng không chui ra được. Trong lòng chai có để mồi thu hút ruồi. Mỗi chai bẫy như vậy để vài ngày có thể tiêu diệt được hàng trăm con ruồi vàng” - anh Tùng cho biết.

Clip: Hoài Thu

Kết hợp với bẫy ruồi, những loại quả như dưa chuột, mướp, anh Tùng còn đầu tư mua túi bọc hoa quả để bảo vệ khỏi các loài phá hoại khác, đồng thời, sử dụng phân bón hữu cơ ủ từ phân chuồng nên đảm bảo sản phẩm đạt độ an toàn sinh học cao.

"Quá trình trồng cây, chăm sóc rau quả, tôi đều công khai trên Facebook để người dân biết, tin tưởng. Đến vụ thu hoạch, sản lượng làm ra không đủ các “đơn” hàng của các bạn bè trên mạng xã hội. Họ đều là người quen, người địa phương và đã nắm được cách trồng trọt của tôi nên họ tin tưởng đặt mua” - anh Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ.

Sử dụng túi bọc quả bảo vệ, không phun thuốc trừ sâu. Ảnh: Hoài Thu

Sử dụng túi bọc quả bảo vệ, không phun thuốc trừ sâu. Ảnh: Hoài Thu

Chị Kha Thị Hiền cho biết thêm, cán bộ UBND xã Tam Quang cũng thường xuyên theo dõi, vừa khuyến khích, vừa giám sát người dân thực hiện sản xuất an toàn. Những người tiên phong thực hiện như mô hình của anh Tùng khi đến vụ thu hoạch, cán bộ xã hỗ trợ giới thiệu sản phẩm nên luôn đắt hàng, làm không kịp để bán.

Mỗi vụ dưa lê, dưa chuột chăm sóc từ khi gieo trồng đến thu hoạch chưa đầy 3 tháng nhưng cho nguồn thu hàng chục triệu đồng.

Sau hơn 1 năm áp dụng cách làm nông nghiệp “xanh", anh Tùng đã có số vốn kha khá để phục vụ những dự định mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi.

Mỗi lứa dưa lê cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Ảnh: Hoài Thu

Mỗi lứa dưa lê cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Ảnh: Hoài Thu

“Sắp tới, ngoài số vốn tích góp được, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, tôi dự định đầu tư xây nhà lưới để sản xuất nhiều hơn các loại rau, củ, quả an toàn. Bởi đây là sản phẩm được thị trường đón nhận, cũng là xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại mà người nông dân cần tiếp cận, thực hiện mới có thể duy trì được lâu bền” - anh Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Tin mới