Bài 1: Lãng phí tài nguyên đất kéo dài

(Baonghean) Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng do năng lực của nhà đầu tư hạn chế nên hiện vẫn còn hàng trăm ha đất tại các khu công nghiệp (KCN) chưa được sử dụng, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, đời sống của những người nông dân bị thu hồi đất thì gặp muôn vàn khó khăn. Đó là những thách thức lớn từ thực tiễn trong vấn đề quy hoạch xây dựng các KCN trên địa bàn tỉnh ta.

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay mới chỉ có KCN Bắc Vinh đã lấp đầy diện tích đất cho thuê, với 22 dự án đăng ký đầu tư, với tổng diện tích chủ đầu tư hạ tầng cho các doanh nghiệp thuê lại là 42 ha; KCN Đông Hồi được UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 2830/QĐ-UBND.ĐT ngày 2/7/2010 do Công ty TNHH Vietnam investment partners làm chủ đầu tư hạ tầng, với vốn đầu tư đăng ký 5.388 tỷ đồng. Hiện nay, dự án Nhà máy sản xuất vật liệu không nung đã bồi thường giải phóng mặt bằng và thuê 16,6 ha đất; KCN Nam Cấm (thuộc KKT Đông Nam). Khu A và Khu C hiện nay thuộc quy hoạch xây dựng KKT Đông Nam. Trong đó, Khu A có diện tích 93,68 ha; Khu C có diện tích 154,75 ha. Khu C đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Khu A hiện còn 8.800 m2 chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đã cho Công ty phát triển KCN Nghệ An thuê 242,2 ha. Hiện chủ đầu tư hạ tầng đã cho 43 doanh nghiệp thuê lại đất, với diện tích 145,2 ha; Khu B, KCN Nam Cấm được quy hoạch với diện tích 122,72 ha. Diện tích đã bồi thường giải phóng mặt bằng 86,08 ha; còn lại hơn 36 ha chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo kết quả kiểm tra của Ban quản lý KKT Đông Nam về công tác quy hoạch xây dựng tại KCN Nam Cấm cho thấy, mật độ xây dựng của các dự án đầu tư thuê lại đất của doanh nghiệp hạ tầng đạt tỷ lệ thấp (dưới 20%). Một số doanh nghiệp còn có đất trống chưa sử dụng có thể thu hồi để cấp cho dự án khác. Qua kiểm tra tại 20 dự án cho thấy: tổng diện tích đất đã cấp cho 20 dự án là 87,66 ha. Trong đó, 12,92 ha diện tích xây dựng nhà xưởng và công trình phụ trợ; 36,30 ha diện tích chưa xây dựng, đất trống có thể thu hồi chuyển giao cho dự án khác khoảng 10 ha. Trong số 20 dự án được kiểm tra chỉ có dự án nhà máy gỗ Tân Việt Trung của Công ty CP ván nhân tạo Tân Việt Trung xây dựng đủ diện tích, còn lại các dự án khác vẫn còn diện tích chưa xây dựng, trong đó lớn nhất là Nhà máy bia Hà Nội – Nghệ An (12,25 ha). Ngoài ra, có 5 doanh nghiệp còn 2 – 3 ha đất trống có 5 dự án đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh; 15 dự án còn lại đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.

Tính đến nay, Ban quản lý KKT Đông Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 106 dự án đầu tư (trong đó 11 dự án FDI) vào KKT và các KCN. Nhưng trong đó hiện mới chỉ có 48 dự án đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả thu hút đầu tư đạt. Tình trạng ngưng trễ trong các dự án có kế hoạch triển khai và đang triển khai ở KKT diễn ra khá nhiều. Từ năm 2007 đến nay, Ban quản lý KKT Đông Nam đã tiến hành thu hồi 27 dự án đầu tư không triển khai thực hiện hoặc tiến độ triển khai chậm theo cam kết, và hiện đang tiếp tục xem xét thu hồi tiếp 16 dự án đầu tư.

     Khu công nghiệp Hoàng Mai đang bỏ hoang, thành nơi chăn thả trâu bò.

Khu công nghiệp Hoàng Mai được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN tại Quyết định số 3853/QĐ-UBND ngày 5/9/2008. Tổng diện tích KCN là 289,67 ha tại các xã Quỳnh Lộc, Thị trấn Hoàng Mai, Quỳnh Dị. Hiện nay, chủ đầu tư đã dừng thi công các hạng mục hạ tầng do vướng mắc trong quá trình chuyển giao giữa Công ty CP đầu tư xây dựng Dầu khí Nghệ An và Công ty CP đầu tư dầu khí V.I.P Việt Nam. Hiện, diện tích đã bồi thường 197,58 ha. Diện tích đất không phải bồi thường 56.57 ha. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã tiến hành cho thuê đất 2 đợt gồm 408,05 ha; với tổng số tiền phải bồi thường ước tính 292 tỷ đồng. Tổng số tiền đã có quyết định phê duyệt 240,14 tỷ đồng. Đến nay, tổng số tiền đã thực hiện chi trả 231,17 tỷ đồng. Còn diện tích chưa bồi thường 35,52 tỷ đồng, trong đó diện tích đất bị ảnh hưởng hạn chế sản xuất tại Thị trấn Hoàng Mai khoảng 12 ha chưa thực hiện hỗ trợ.

Hiện nay, KCN Hoàng Mai mới chỉ có 4 doanh nghiệp (trong đó có 3 doanh nghiệp đã có trước khi quy hoạch KCN và 1 doanh nghiệp còn lại là nhà máy chế biến gang thép Kế Đạt) đi vào hoạt động, gồm Xí nghiệp gạch Trung Đô Hoàng Mai thuộc Công ty CP Trung Đô; Nhà máy gạch Tuynel Thanh Mai của Công ty CP Ngọc Hoàng Sơn; Nhà máy dăm gỗ Hoàng Mai thuộc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Hầu hết diện tích đất đang bị bỏ hoang. Hệ thống hạ tầng như hàng rào, đường, mương thoát nước… đã được đầu tư nhưng không được sử dụng và bảo quản nên đang xuống cấp trầm trọng, tình trạng người dân xung quanh vào KCN trộm đồ diễn ra phức tạp. Giờ đây, KCN chủ yếu là nơi để người dân chăn thả trâu bò. Bên cạnh đó, một số diện tích đất nông nghiệp, trước đây chủ yếu là đất 1 lúa, 1 màu thì đang được người dân đóng cọc, dùng thép gai vây lại theo kiểu “mạnh ai nấy làm” để sản xuất trồng trọt. Nhìn cảnh đồng ruộng  từng bao năm tốt tươi nào là lúa, lạc, ngô nay để hoang phí, không ít người dân cảm thấy tiếc nuối, xót xa.

Xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu) có 153,7 ha diện tích trong quy hoạch bị thu hồi; đã thu hồi 126 ha đất nông nghiệp. Với 1.118 hộ dân bị thu hồi đất, thuộc các xóm 6,7,8, 9a, 9b,10. Nhiều gia đình, diện tích đất lúa bị thu hồi 100%, chỉ còn lại một số ít diện tích đất vườn. Hiện vẫn còn 95 hộ bị thu hồi đất thổ cư và đất nông nghiệp chưa nhận được tiền đền bù. Tổng số tiền đền bù mà nhà đầu tư đang nợ UBND xã và người dân hơn 3 tỷ đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Hiền, xóm 8, xã Quỳnh Lộc bị thu hồi gần 1.000 m2  đất, nhưng kể từ ngày nhận quyết định đến nay chưa nhận được tiền đền bù. Diện tích này nhà đầu tư đã cho san nền nên không thể canh tác. Gia đình ông có 5 nhân khẩu nhưng hiện chỉ còn lại khoảng 2 sào đất, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa và 1 vụ màu. Nguồn thu nhập chính của gia đình hiện chỉ biết dựa vào diện tích đất còn lại. Do chưa được đền bù, cộng với diện tích đất bị thu hồi nên gia đình ông  đang rơi vào tình cảnh khó khăn, vợ ông bị thoái hoá khớp đang chật vật điều trị bệnh.

Chị Lê Thị Đề, xóm 9a, xã Quỳnh Lộc  bị thu hồi hơn 1 sào đất được 63 triệu đồng, chỉ còn lại vài sào đất vườn. Hiện nay, số tiền đó đã tiêu hết, chị Đề phải vào Tây Nguyên đi hái cà phê thuê kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Đứa con trai đang học lớp 12 phải gửi sang sống với ông ngoại. Toàn bộ xóm 9a có trên 50 hộ dân do đã sử dụng hết tiền đền bù, trong khi đất sản xuất còn lại rất ít, hàng ngày, họ đang phải vật lộn bằng nhiều công việc như đi bắt ốc, lên núi kiếm chổi đót, ai thuê gì làm nấy để kiếm kế sinh nhai… Sau gần 4 năm kể từ ngày bị thu hồi hơn 3 sào đất, gia đình bà Lê Thị Mạo, xóm 1, xã Nghi Long (Nghi Lộc) được bồi thường gần 50 triệu đồng,  chỉ trong vòng 1 năm sau, gia đình bà Mạo “trắng tay”.  2 người con của bà hiện đã học hết THPT nhưng không có việc làm ổn định.

Nếu các dự án được triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, các cơ quan chức năng không phải lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất thì Nghệ An sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động, đem lại mức đóng nạp ngân sách Nhà nước khá lớn, làm thay đổi bộ mặt quê hương, đời sống của người dân, việc làm cho người lao động cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Thế nhưng, trên thực tế còn khá nhiều dự án đang “treo” trong những năm qua là sự lãng phí rất lớn xét về nhiều khía cạnh, đồng thời đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trong những khu vực được quy hoạch.

Quỳnh Lan – Phạm Bằng

Tin mới