Bài 13: Bảo tồn gắn với phát huy giá trị di tích

(Baonghean.vn) Là một trong những địa chỉ văn hoá đặc biệt của cả nước, kho tàng di sản văn hoá Nghệ An khá đồ sộ, đa dạng, độc đáo và có niên đại kéo dài suốt thời đại đá cũ cho đến nay với nhiều chủng loại phong phú. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 1.395 di tích, trong đó 125 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh. Để bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống các di tích, cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội…

Ý thức người dân

Ngày 1/4/2011, UBND tỉnh có quyết định phân cấp quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ cấp tỉnh quản lý 17 di tích, các huyện, thành phố, thị xã 239 di tích, các xã, phường, thị trấn quản lý 1.139 di tích/1.395 di tích toàn tỉnh. Như vậy, di tích đã trả về với người dân, di tích có được bảo tồn, phát huy hay không phải bắt đầu từ ý thức người dân.

Ông Nguyễn Xuân Đại – Phó chủ tịch UBND xã Đồng Văn (Thanh Chương), cho biết: Thời gian qua, Đồng Văn đã tu sửa, tôn tạo lại nhiều di tích mà nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân trong xã, con em quê hương Đồng Văn đang công tác, làm việc trên mọi miền Tổ quốc gửi về. Tiêu biểu như đền Cao Sơn, đã trùng tu, tôn tạo hai lần với kinh phí trên 270 triệu đồng, dự kiến thời gian tới sẽ làm lại sân, nhà hạ điện khoảng 200 triệu đồng. Đền Bà Hoàng được khôi phục lại với kinh phí trên 200 triệu đồng… Để ghi nhận sự đóng góp của nhân dân, mỗi ngôi đình, đền được khôi phục đều giao cho chi hội người cao tuổi đứng ra vận động, niêm yết danh sách treo trang trọng tại đền, đồng thời có sổ vàng công đức.

Lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương).

Không chỉ có xã Đồng Văn huy động được nguồn xã hội hóa tự nguyện từ nhân dân, mà rất nhiều địa phương khác trong tỉnh nhờ nguồn công đức của nhân dân mà đã trùng tu, tôn tạo lại các ngôi đình, đền cổ. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hàng tỷ đồng để tu bổ di tích. Tiêu biểu như nhà thờ Phùng Phúc Kiều, xã Nghi Thu (dân góp 74 triệu đồng), nhân dân 2 làng Yên Lương và Mai Bảng phường Nghi Thủy, TX. Cửa Lò tu bổ tôn tạo 2 ngôi đền của làng hơn 1,5 tỷ đồng; nhân dân Nam Đàn tu bổ 12 di tích trên địa bàn hơn 230 triệu đồng... Bà Trần Thị Cháu đóng góp trên 100 triệu đồng để tôn tạo đền Cửa Lũy (Anh Sơn), ông Phạm Thanh Long đã đóng góp trên 800 triệu đồng tôn tạo di tích đền Phúc Thọ (Nghi Lộc); gia đình ông Trương Văn Phượng ở khối 8, phường Nghi Thủy, cả 7 người con trai cùng lo kinh phí xây dựng thượng điện đền Yên Lương hơn 300 triệu đồng; ông Nguyễn Đình Ngũ (Tương Dương) đã hơn 20 năm làm tốt công tác bảo vệ đền Cửa Rào...

Sự quan tâm của các địa phương

Nhiều địa phương như: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu... đều có kế hoạch đầu tư kinh phí nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích danh thắng trên địa bàn lên đến nhiều tỷ đồng. Tiêu biểu nhất là Thanh Chương – huyện đầu tiên của tỉnh trực tiếp tham mưu đưa cơ chế, chính sách hỗ trợ chống xuống cấp di tích vào nghị quyết HĐND huyện bắt đầu từ năm 2005. Và cũng là một trong những huyện làm tốt nhất công tác xã hội hóa trùng tu tôn tạo di tích.

Hiện Thanh Chương có 15 di tích cấp tỉnh, 10 di tích cấp quốc gia trên tổng số hơn 200 di tích. Theo năm tháng, thiên tai, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện đang trong tình trạng xuống cấp báo động. Đứng trước thực trạng đó, là đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống DTDT trên địa bàn, Phòng Văn hóa - Thông tin đã lên kế hoạch, có nhiều ý kiến đề đạt nguyện vọng của nhân dân trong việc trùng tu, tôn tạo lại di tích đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh. Và ý kiến đó đã được các cấp có thẩm quyền quyết định đưa vào nghị quyết HĐND huyện. Những năm trước, riêng kinh phí huyện trích dành cho hỗ trợ chống xuống cấp di tích từ 90 triệu đồng, lên 100 triệu đồng và năm 2011 là 450 triệu đồng. Đến nay đã có 28 lượt di tích được tu bổ từ nguồn kinh phí này, trong đó có nhiều di tích được hỗ trợ trùng tu 2 đến 3 lần như: Đền Hai Hầu và Nhà thờ họ Nguyễn Phùng (2 lần, 45 triệu đồng), Nhà thờ họ Nguyễn Duy và cây Sui Diên Tràng (Thanh Phong) 2 lần 45 triệu đồng, đền thờ Quận công Trần Hưng Học – Thanh Xuân (3 lần, 45 triệu đồng)… Ông Võ Văn Hải – Trưởng phòng VHTT huyện cho biết: Hầu hết di tích trên địa bàn huyện sau khi được trùng tu, sửa chữa đã phát huy hiệu quả. Ngoài di tích đền Bạch Mã được tổ chức lễ hội hàng năm, đền Bà Chúa (Thanh Đồng), đình làng Thượng (Hạnh Lâm), cây Sui Diên Tràng (Thanh Phong)… gắn với phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnhđược huyện tổ chức gắn với ngày thành lập Đảng, còn các di tích như đền, đình, chùa là nơi bà con, du khách thập phương tới dâng lễ vào ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng. Khi con cháu ở xa về thăm quê cũng thường tới đền cầu an, cầu lộc.

Hay như ở huyện Nghi Lộc, với 87 di tích được đưa vào danh mục phân cấp quản lý, trong đó có 8 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh, 2 di tích đang làm thủ tục đề nghị xếp hạng (đền Tam Tòa – Nghi Công Bắc và chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát – Nghi Tiến). Hiện huyện đang hoàn chỉnh đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện”. Tính từ năm 2005 đến nay, huyện, xã huy động nguồn xã hội hóa được gần 2 tỷ đồng để bảo tồn, chống xuống cấp di tích. Ví như đền Nguyễn Xí (Nghi Hợp), đền Cửa (Nghi Khánh), đền Phượng Cương (Nghi Phong), đền Chính Vị (Nghi Xuân)… 

Chị Nguyễn Thị An – cán bộ chuyên trách bảo tàng di tích huyện Nghi Lộc, cho biết: Hầu hết các di tích trên địa bàn cơ bản được bảo vệ tốt, hàng năm đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia như Lễ hội đền Nguyễn Xí (Nghi Hợp) tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Cửa (Nghi Khánh) tổ chức vào 6/3 âm lịch, lễ tế Nam Giao 3 năm một lần tại đền Tam Toà (Nghi Công Bắc)… Một số địa phương còn tổ chức tốt các cuộc thi trong trường học, các buổi ngoại khoá để tìm hiểu di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn về các danh nhân Nghi Lộc gắn với di tích cách mạng, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Hệ thống các bảo tàng

Các đơn vị như: Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh… thời gian qua thực hiện khá tốt chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hiện vật. Theo số liệu thống kê, đã có trên 30 vạn tài liệu, hiện vật đang được bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng tại các bảo tàng, di tích. Trong đó, có nhiều hiện vật có giá trị như: Bộ sưu tập vũ khí tự vệ đỏ, trống Xô Viết, vật dụng nuôi giấu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với Xô Viết Nghệ - Tĩnh… Không chỉ trưng bày tại chỗ, các bảo tàng đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức trưng bày lưu động, hội thảo khoa học, giao lưu văn hóa trong học sinh, sinh viên với các chứng nhân lịch sử, tổ chức thi tìm hiểu về các danh nhân, về lịch sử quê hương... góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đối với công chúng, nhất là với học sinh, sinh viên. Tiến độ xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích ngày càng được đẩy nhanh. Trung bình mỗi năm xếp hạng được 17 - 18 di tích. Hệ thống các di tích - danh thắng, các bảo tàng trong tỉnh là những địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, hàng năm đón tiếp hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Ông Hoàng Minh Truyền - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, cho biết: Hiện nay, Bảo tàng không chỉ dừng lại ở hoạt động nghiên cứu tại chỗ mà còn có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ về nghiên cứu, bảo vệ phát huy các di tích ở địa bàn 20 huyện, thành, thị. Chỉ đạo nhà truyền thống các huyện, xã, cơ quan.

Từ các huyện rừng núi xa xôi đến các huyện trung du và đồng bằng, nơi đâu cũng có cán bộ bảo tàng để gặp gỡ nhân chứng, nghiên cứu địa danh lịch sử, sưu tầm hiện vật. Thành công của các đợt sưu tầm và kết quả những đợt phối hợp với chuyên gia Đức, Nhật Bản khai quật khảo cổ học ở Làng Vạc, Đồng Mỏm, Hồng Long, Rú Ta, Kỳ Hoa, Nghi Xuân… đã mang lại cho Bảo tàng hàng nghìn hiện vật, tư liệu quý. Bảo tàng đã xây dựng được một nhà kho bảo quản hơn 10.000 hiện vật, tài liệu. Tổ chức trưng bày nhiều chuyên đề giới thiệu về lịch sử văn hoá xứ Nghệ như: Kiến trúc nghệ thuật cổ Nghệ - Tĩnh, Nghệ - Tĩnh buổi bình minh lịch sử, 50 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam … Đồng thời xây dựng được Nhà trưng bày lưu niệm danh nhân Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Trần Phú… và hàng chục nhà (phòng) truyền thống cơ sở trên quê hương Xô Viết. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có nhiệm vụ bảo vệ, phát huy các di tích danh thắng trên địa bàn.

Thành lập Hội Di sản Văn hoá Nghệ An

Là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, ngành VH – TT và DL đã có nhiều cố gắng, nỗ lực từ công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn đến tuyên truyền vận động toàn dân tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của quê hương. Dưới sự chỉ đạo của ngành, các đơn vị trực thuộc (5 đơn vị Bảo tàng - di tích, Nhà hát dân ca - nay là Trung tâm Bảo tồn & Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Hội Văn nghệ dân gian) cùng với hệ thống nhà truyền thống huyện, phòng truyền thống cơ sở đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều loại di sản văn hóa phi vật thể nhất là của đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị thất truyền. Sự xuống cấp các di tích vẫn đang ở mức báo động. Nhiều di tích (nhất là các đình làng) không được quan tâm (kể cả chính quyền và người dân) nên cái thì bị xóa sổ, nơi thì trở thành điểm họp chợ, nơi thì trở thành chỗ nhốt trâu, bò... Việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế. Kinh phí chi thường xuyên cho việc chống xuống cấp di tích của các địa phương còn hạn hẹp. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm di tích - danh thắng chưa được khắc phục một cách triệt để. Hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc làm biến dạng di tích vẫn còn. Thậm chí có tình trạng làm sai lệch hồ sơ dẫn đến di tích đã được công nhận bị thu hồi lại bằng công nhận. Nạn đào tìm, trộm cắp cổ vật đó đây vẫn có. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng cán bộ, các cơ chế chính sách trong lĩnh vực di sản chưa đáp ứng kịp thời. Việc tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể mới bắt đầu được triển khai nên gặp khó khăn trong việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của tỉnh. Do khối lượng di sản văn hóa quá lớn nên việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn, khó tránh khỏi nhiều loại hình di sản văn hóa bị mai một…

Ông Đoàn Nam - trưởng phòng Di sản - Sở VH-TT và DL, cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng tốt hơn, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hóa. Tập trung hoàn chỉnh đề án “Bảo tồn, khai thác phát huy Di sản Văn hoá xứ Nghệ”. Xây dựng quy hoạch vùng di tích kết hợp với vùng du lịch văn hoá theo các tuyến: Tuyến 1 – khu vực TP. Vinh; Tuyến 2: Vinh – Nam Đàn – Thanh Chương; Tuyến 3: Vinh - Cửa Lò; Tuyến 4: Vinh - Quỳnh Lưu và các vùng văn hoá đường 48; Tuyến 5: Vinh – Yên Thành – Đô Lương và tuyến đường 7. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung nhiều di sản quý hiếm cần xây dựng đề án bảo tồn một cách cụ thể, cứ 5 năm một lần tiến hành kiểm kê để nắm rõ thực trạng di sản. Xã hội hóa công tác bảo tồn di sản là một trong những mục tiêu quan trọng cho việc phát huy giá trị di sản. Và điều quan trọng là nhanh chóng thành lập Hội Di sản Văn hóa Nghệ An làm cơ sở pháp lý, đáp ứng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa xứ Nghệ ngày càng tốt hơn.

Thanh Thủy

Tin mới