Bài cuối: Cần những giải pháp quyết liệt

(Baonghean) - Khi nền chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún được coi là một nguyên nhân “gốc rễ” trong việc để dịch cúm gia cầm tồn tại dai dẳng qua nhiều năm, thì chúng ta cần tiến hành những biện pháp cần thiết, đặt công tác phòng bệnh lên hàng đầu.

>>Bài 2: Kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm

Theo ông Trần Minh Hạnh (Phó Chi cục Thú y tỉnh), trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ sang nuôi nhốt để có thể quản lý, mua con giống rõ nguồn gốc, có báo với chính quyền địa phương và cán bộ thú y để tiến hành quản lý tiêm phòng và dịch bệnh. Chuồng trại phải thường xuyên được khử trùng tiêu độc để hạn chế, tiêu diệt mầm bệnh.

Thực tế hiện nay, đặc điểm rất rõ của Nghệ An là chăn nuôi gối đàn, không cùng xuất cùng nhập, không có thời gian trống chuồng để vệ sinh môi trường. Theo nguyên lý, khi mầm bệnh không có vật lưu trữ sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Bởi vậy, bên cạnh thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, chúng ta cần áp dụng biện pháp nuôi nhốt “cùng vào cùng ra”, đặc biệt là “cùng ra” và không chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm chung một nơi để hạn chế sự biến đổi nguy hiểm, có thể tạo mầm bệnh và loại chủng khác nguy hiểm hơn, thậm chí có thể lây từ người sang người. Chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý các trang trại, gia trại trên địa bàn, từ nguồn gốc đến xuất bán, đồng thời xã hội hóa công tác tiêm phòng, tạo miễn dịch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà, vịt. Nếu không tiêm, khi xuất bán phải lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm hàm lượng kháng thể, nếu đạt tỷ lệ bảo hộ mới cho xuất bán.

Một giải pháp được coi là quan trọng bậc nhất trong phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm hiện nay là tiêm phòng dịch. Đối với những loại bệnh do vi rút gây ra hiện chưa có thuốc đặc trị mà lại có tốc độ lây lan rất nhanh chóng, dễ tạo thành dịch ở quy mô, cấp độ lớn, trong đó có cúm gia cầm.

Tỷ lệ tiêm phòng càng cao thì tỷ lệ bảo hộ đối với đàn gia cầm càng lớn, vì theo nguyên lý, nó sẽ tạo kháng thể chống lại khi có virut xâm nhập. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của công tác tiêm phòng. Những năm gần đây, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng chủ yếu chỉ ở quy mô hộ gia đình chứ ít lan rộng trên quy mô cả xã, cả huyện như trước đây, và theo ghi nhận của ngành Thú y, chưa có trường hợp nào xảy ra dịch trên con gia cầm đã được tiêm phòng. Bởi vậy, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh, chúng ta cũng cần có những giải pháp phù hợp để nâng cao tỷ lệ đàn gà, vịt được tiêm phòng.

Tăng cường vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong phối hợp với ngành chức năng quản lý, giám sát dịch bệnh, kiểm soát việc nhập con giống cũng như xuất bán sản phẩm của các gia trại, trang trại trên địa bàn. Đặc biệt, để chủ động trong phòng, chống dịch, ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương khi có dịch xảy ra, tỉnh ta cần có một nguồn vacxin dự phòng. Như đợt dịch xảy ra ở Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) năm 2012 vừa qua, do vacxin chưa về kịp, nên trong điều kiện chăn nuôi liền kề, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng ra những hộ xung quanh.

Theo quy định, nếu muốn xin nguồn vacxin hỗ trợ chống dịch từ Trung ương, phải có quyết định công bố dịch, báo cáo tình hình dịch và tờ trình của UBND tỉnh, trong báo cáo tình hình phải nêu rõ các thông tin về vùng dịch, xã có dịch, xã bị dịch uy hiếp, tổng đàn trong diện cần phải tiêm. Để hoàn thành tất cả các quy định bắt buộc đó, nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có nguồn vacxin để tiêm chống dịch, nguy cơ dịch lây lan rộng ra là rất lớn. Trong khi đó, nếu tỉnh có nguồn vacxin dự phòng, chúng ta có thể tác động vào ngay ổ dịch và những vùng xung quanh để hạn chế nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng.

Đối với người chăn nuôi, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong phòng, chống dịch bệnh. Chỉ nên mua gia cầm giống từ các cơ sở kinh doanh giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển. Người tiêu dùng cũng cần có ý thức trong tự bảo vệ mình và cộng đồng, không mua gia cầm, sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc và chưa được kiểm dịch, không tiếp tay dung túng cho các hành vi buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình, hệ thống loa phóng thanh của xã, phường, thị trấn về nguy cơ lây nhiễm chủng vi rút cúm mới H7N9 cho người, gây tử vong và làm lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm. Phải thực sự tăng cường quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, các huyện biên giới như Kỳ Sơn, Quế Phong, Thanh Chương... cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được tính chất nguy hiểm của dịch cúm gia cầm chủng H7N9.

Đồng thời tổ chức để bà con ký cam kết không tham gia vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhất là vận chuyển qua các con đường tiểu ngạch. Các ngành liên quan như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, QLTT, Thú y cần tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở, nơi tập kết gia cầm, sản phẩm gia cầm. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để tất cả các trường hợp tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép qua biên giới.

Theo khuyến cáo, việc tiêm phòng phải được thực hiện  trên 80% tổng đàn gia cầm, 100% trong diện phải tiêm thì mới đảm bảo khả năng miễn dịch cũng như hạn chế được nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng.

Phú Hương

Tin mới