Bằng cấp không phải là tấm vé việc làm

“Có bằng cấp chưa chắc đã giỏi và làm được việc, đặc biệt là tấm bằng của Việt Nam, nhưng không có bằng cấp có khi còn tệ hơn… ”.
Đây là nhận định của ông Ong Xuân Minh - Giám đốc trang tuyển dụng trực tuyến Timviecnhanh.com. Ông cho biết: “Nếu bạn không có bằng cấp thì xin việc khó đấy. Không phải nhà tuyển dụng nào cũng có 'con mắt xanh' nhìn thấu tiềm năng của ứng viên”.
Ông Ong Xuân Minh - Giám đốc trang tuyển dụng trực tuyến Timviecnhanh.com.
Ông Ong Xuân Minh - Giám đốc trang tuyển dụng trực tuyến Timviecnhanh.com.
“Tuy nhiên, bằng đại học không phải tấm vé việc làm. Nó chỉ là bước cơ sở nhất chứng minh bạn được trang bị một phông văn hóa nền, những kiến thức tối thiểu và tiếp cận với phương pháp tư duy độc lập” - Ông Ong Xuân Minh nhấn mạnh.
Bỏ đại học để theo đuổi ước mơ
Từng nhận học bổng du học tại Học viện KAIST (Hàn Quốc) năm 2010, Nguyễn Hoàng Trung (1992) quyết định bỏ ngang và trở về Việt Nam khởi nghiệp sau 2 năm đại học. Hoàng Trung cho biết, anh “không phải tuýp người cố gắng học hành để tốt nghiệp loại giỏi và tận tụy với một công việc lương cao”. Mạng ẩm thực Lozi.vn của anh, đến nay, đã thu hút hàng triệu người tham gia.
Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp trong giới trẻ đang bùng lên mạnh mẽ, đặc biệt là mảng công nghệ. Nhiều sinh viên bỏ học để theo đuổi giấc mơ của mình, nhưng không phải ai cũng thành công như Nguyễn Hoàng Trung.
Ông Hoàng Tô – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tinh Vân Group cảnh tỉnh: “Các bạn trẻ không nên ảo tưởng mà học theo các tấm gương bỏ đại học để lập nên nghiệp lớn. Họ khác các bạn nhiều. Bill Gate thi SAT với số điểm 1590/1600 và được tuyển vào Harvard. Mark Zuckenberg cũng là sinh viên Harvard và môi trường đại học đã giúp anh ta phát triển Facebook. Các bạn hãy cố gắng vào được Harvard rồi hẵng nghĩ đến chuyển bỏ dở đại học”.
Bản thân Nguyễn Hoàng Trung cũng thẳng thắn chia sẻ: “Khi 18 tuổi hay hiện tại, tôi đều nghĩ bằng đại học chỉ là một tờ giấy thôi. Đại học không phải là con đường duy nhất. Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết mình thực sự muốn gì, thì phải học càng nhiều càng tốt, ở trường và ngoài đời. Nếu bạn hời hợt với những gì mình làm, học cho có bằng thì cuộc đời sẽ trả đủ”.
Có tấm bằng trong tay, song nhiều bạn trẻ vẫn chưa xin được việc làm.
Có tấm bằng trong tay, song nhiều bạn trẻ vẫn chưa xin được việc làm. Ảnh minh họa
Bằng đỏ không bằng giỏi nghề
Khác với Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Khánh My (sinh năm1988, Gò Vấp, TP HCM) phải mất 4 năm đại học mới tìm ra con đường phù hợp theo cách không ngờ tới.
Tốt nghiệp ngành báo chí với tấm bằng loại ưu, cô vẫn bị tòa soạn từ chối sau tháng thử việc đầu tiên. Khánh My cho biết: "Thất bại này còn khiến tôi suy sụp và mất tự tin khi bị tòa soạn nhận xét là không biết cách làm việc, kiến thức xã hội quá ít...". Xin việc nhiều nơi không được, cô quyết định theo học ngành quản trị nhà hàng của một trường Trung cấp du lịch và khách sạn.
Kết thúc khóa học, Khánh My đăng thông tin tìm việc trên các trang tuyển dụng trực tuyến với tấm bằng Trung cấp và hoàn toàn không nhắc tới tấm bằng đỏ Đại học. Chỉ 2 tuần sau, một nhà hàng lớn ở quận 1 (TP HCM) đã mời phỏng vấn và nhận cô vào thử việc. Sau nhiều cố gắng, hiện cô đang được cấp trên đề bạt, cử đi thực tập ở nước ngoài để về quản trị nhà hàng. Không còn là “cô gái bằng đỏ” nữa, Khánh My đã tìm được công việc mà mình thích làm và làm xuất sắc.
Theo Thạc sĩ Thân Trung Dũng - chuyên gia Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển: "Cử nhân quay lại học nghề là một bước lùi “cực chẳng đã” gây lãng phí lớn. Nhưng đây cũng là con đường để họ định vị lại bản thân - điều mà môi trường Đại học hay sau Đại học chưa làm được. Chỉ đến khi ra trường, thực tế trả lời, họ mới biết năng lực không đi cùng bằng cấp và họ không có cái xã hội cần".
Tuy nhiên, Thạc sĩ Thân Trung Dũng cũng lạc quan cho biết: "Theo tôi, Đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường đi đến thành công. Nếu bạn sẵn sàng dấn thân để hoàn thiện bản thân và quyết tâm đeo đuổi đam mê, thì bạn hoàn toàn có thể chạm đến vinh quang mà không nhất thiết phải qua Đại học. Thay vào đó, học Cao đẳng, Trung cấp, học nghề có thể là những lựa chọn thay thế".
Hiện nay có rất nhiều công việc yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp trở xuống có mức lương khá cao, từ 4 triệu đến 8 triệu đồng nhưng đòi hỏi kinh nghiệm. Ông Ong Xuân Minh gợi ý, nếu chưa có kinh nghiệm, ứng viên hãy tìm mọi cơ hội thực tập, làm không lương, làm thêm… và "khoe" những thành tích của mình, dù chỉ là nhân viên bán hàng, phát tờ rơi hay bảo vệ. Hơn nữa, nên kể với nhà tuyển dụng bạn đã học được gì, tâm huyết như thế nào, cố gắng ra sao từ những công việc đơn giản ấy.
Theo VnExpress

Tin mới