Báo động tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện khi mùa mưa bão cận kề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tình hình vi phạm hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện khá phức tạp và kéo dài. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành cấp điện cũng như đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, nhất là thời điểm mùa mưa bão đang cận kề.

Còn nhiều vi phạm

Hành lang an toàn lưới điện là khoảng cách an toàn để bảo vệ công trình lưới điện và công trình dân dụng của người dân. Mặc dù đã có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra, song hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, do nhận thức còn hạn chế của một số bộ phận người dân.

Nghệ An hiện đang quản lý vận hành lưới điện 110kV với gần 884 km đường dây; lưới điện trung áp có chiều dài trên 7.129 km với 167 lộ đường dây. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 32 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó: 14 vụ nhà cửa, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; 18 vị trí vi phạm khoảng cách pha - đất. Trong đó, có các khoảng cột có các loại cây cối trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn các huyện, thị rất khó xử lý. Bên cạnh những tồn tại đã nêu trên, vẫn còn phát sinh các mối nguy tiềm ẩn, như tình trạng người dân bắt chim tại trạm điện, cột điện; câu cá, thả diều, chặt cây, đào xúc đất gần đường dây điện cao thế vẫn diễn ra, dẫn đến những nguy cơ vi phạm gây tai nạn cho người dân. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 4 vụ làm 2 người chết, 3 người bị bỏng nặng.

bna_.Điểm vi phạm tại khoảng cột 11 đến 12 trục chính và khoảng cột 01 đến 02 Nhánh rẽ TBA Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương.jpg
Điểm vi phạm tại khoảng cột 11 đến 12 trục chính và khoảng cột 01 đến 02 nhánh rẽ Trạm Biến áp Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương. Ảnh: T.H

Các hành vi vi phạm chủ yếu như xây dựng nhà ở, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; Đổ đất, đá, tập kết vật liệu, san lấp mặt bằng làm giảm khoảng cách pha – đất so với thiết kế ban đầu của đường dây, không đảm bảo an toàn của đường dây. Sử dụng các phương tiện cơ giới thi công dưới đường dây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, đe dọa nguy cơ tai nạn về người và sự cố lưới điện...

Ngoài ra, còn cả tình trạng người dân tái trồng cây trong khu vực hoặc ở gần hành lang an toàn lưới điện sau khi đã được đền bù giải phóng; Chuyển đổi loại cây trồng từ cây ngắn ngày có chiều cao thấp (mía, cây ăn quả...), hiệu quả kinh tế thấp sang cây có chiều cao lớn (keo, bạch đàn...), có nguy cơ chạm vào dây dẫn gây sự cố và nguy cơ mất an toàn.

bna_thanh chg.jpg
Tình trạng trồng cây và khai thác cây trong hành lang đường dây vi phạm khoảng cách diễn ra ở nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: T.H

Tại huyện Thanh Chương, nhiều khu vực ở các xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Thịnh, Thanh Hương, Thanh Thủy, Thanh Mai, Thanh Lâm… cây ở trong và ngoài hành lang có nguy cơ gây ra sự cố khá nhiều. Ông Trần Thế Phúc – Phó Giám đốc Điện lực Thanh Chương chia sẻ: Hiện trên địa bàn có hơn 25.000 cây các loại vi phạm hành lang đường dây, với chiều dài 75 km/432 km tổng đường dây quản lý, trong đó, 90% là cây keo nguyên liệu. Từ đầu năm đến nay, Điện lực Thanh Chương phối hợp với chính quyền địa phương một số xã như Thanh Sơn, Ngọc Lâm, Thanh Hương và Đoàn thanh niên thực hiện được 30,3 km/75 km tồn tại cần xử lý.
“Điều đáng nói, nhiều diện tích rừng có cây cối vi phạm lưới điện nhưng chủ rừng ở tỉnh, thành khác, việc phối hợp xử lý gặp nhiều khó khăn, người thuê trông coi không quyết định được”, ông Phúc chia sẻ.

Khảo sát cho thấy, vi phạm hành lang an toàn lưới điện đáng báo động, ở hầu hết các địa phương, nhất là các huyện vùng núi cao. Theo thống kê hàng năm, tỷ lệ số vụ cây cối vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp dẫn đến gây sự cố trên lưới điện chiếm trên 35% tổng số vụ sự cố. Trong đó, các đường dây chiếm tỷ lệ cao về sự cố do cây cối vi phạm hành lang trên lưới điện tại các huyện vùng cao như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương.

bna_1 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện nguy hiểm.jpg
Một điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện dưới đường dây 110kV. Ảnh: T.H

Với tính chất đặc thù của thời tiết Nghệ An, bước vào mùa mưa bão, sự cố do cây cối vi phạm hành lang an toàn lưới điện thường tăng cao khi có những trận mưa lớn, lốc đầu mùa và tiếp tục kéo dài trong suốt mùa mưa. Đây là vấn đề cần quan tâm xử lý trước mùa mưa bão năm nay.

Cần giải pháp mạnh

Để xảy ra những bất cập đó là do một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm, dẫn đến người dân vẫn trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong hành lang an toàn lưới điện, mặc dù đã được đền bù, hỗ trợ theo quy định. Người dân tự ý khai thác cây ở gần đường dây điện cao áp nhưng không thông báo cho đơn vị quản lý vận hành để được hướng dẫn và phối hợp thực hiện các biện pháp an toàn (mặc dù Điện lực đã thông báo niêm yết số điện thoại liên lạc trên những cây có nguy cơ đổ vào đường dây khi khai thác) nên đã gây sự cố lưới điện.

Trong khi đó, việc giao đất và cấp phép xây dựng công trình nhà ở tại một số địa phương chưa quan tâm đến công trình lưới điện hiện có, không trừ phần hành lang an toàn lưới điện hoặc không đưa ra điều kiện để hạn chế khả năng sử dụng đất, khoảng không gian giữa dây dẫn và công trình, nhà ở. Nhiều nơi san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng đường giao thông đã làm thay đổi (giảm) khoảng cách an toàn giữa dây dẫn với mặt đất so với hiện trạng thiết kế ban đầu, dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định. Chủ dự án, chủ hộ không thực hiện các biện pháp an toàn hoặc không di chuyển đường dây điện, trạm biến áp ra khỏi mặt bằng nhà ở, khu dân cư trước khi thi công dự án, gây nguy cơ mất an toàn.

bna_thanh chương điện.jpg
Điện lực Thanh Chương tiến hành cắt tỉa cây vi phạm hành lang lưới điện, nguy cơ mất an toàn. Ảnh: T.H

Trao đổi xung quanh vấn đề này, nhiều người cho rằng, ngoài việc thiếu hiểu biết kiến thức về an toàn điện của người dân, thì còn có nguyên nhân từ công tác tuyên truyền, cảnh báo và xử phạt các hành vi vi phạm chưa đủ mạnh, chưa mang lại hiệu quả.

Ông Lê Quang Thanh – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, để triển khai có hiệu quả công tác quản lý hành lang an toàn công trình điện, góp phần giảm sự cố, đảm bảo an toàn cho con người và cung cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, nhằm phát hiện cây trồng mới, nhà cửa, công trình dự kiến xây dựng dọc theo hành lang tuyến đường dây tải điện có khả năng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, các chủ sở hữu cây cối hợp tác với địa phương và đồng thuận cho đơn vị quản lý, vận hành phát quang cây cối trong và ngoài hành lang tuyến, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo quy định…

bna_Nhóm công tác Đội QLVHLĐ Cao thế Nghệ An xử lý tiếp địa gốc cột đường dây thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên..jpeg
Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nghệ An xử lý tiếp địa gốc cột đường dây thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: T.H

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cũng đề nghị chính quyền các cấp trước khi cấp đất và cấp phép xây dựng công trình cần quan tâm đến hành lang an toàn lưới điện theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 và Nghị định 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, tạo điều kiện phê duyệt mặt bằng cấp đất cho các tuyến đường dây trung và hạ áp hiện chưa có hoặc chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý công trình điện do lịch sử để lại.

Nhằm đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, từ ngày 15/4 đến 31/10/2023, Sở Công Thương cũng đã thành lập đoàn kiểm tra an toàn hành lang lưới điện, do ông Trần Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. Ông Trần Thanh Hải cho biết, đoàn tập trung kiểm tra các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, và việc thực hiện công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp tại một số điện lực thuộc Công ty Điện lực Nghệ An. Qua đó, đề xuất biện pháp xử lý giảm thiểu, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo phát triển điện lực Nghệ An, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã có ý kiến đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Phối hợp với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp đảm bảo an toàn cho đường dây và an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo công trình trong hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định. Chính quyền các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong việc để các tổ chức, cá nhân chuyển mục đích từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến an toàn lưới điện cao áp; xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, lập biên bản các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp…

Tin mới