Bao la lòng mẹ

(Baonghean) - Ở vùng quê nghèo khó xãMỹ Sơn- Đô Lương thì việc gia đình chị Trần Thị Vân có hai con thi đậu vào đại học là một điều rất đáng tự hào.

Không tự hào sao được bởi gia đình chị chồng chất khó khăn: mẹ già gần 100 tuổi thường xuyên đau yếu, chồng lâm bệnh nặng, 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Gánh nặng gia đình oằn lên đôi vai chị. Không đành lòng để con nghỉ học giữa chừng, chị nai lưng làm lụng. Từ tờ mờ sáng, khi chưa rõ mặt người, chị đã quảy gánh ra đồng, trưa tranh thủ vớt bèo nuôi lợn, chiều tất tả cắt cỏ chăn trâu, lúc nông nhàn ai thuê gì làm nấy và chị chỉ ngơi tay khi gà gáy canh đầu. Thương mẹ, hai con trai là Nguyễn Khắc Thái và Nguyễn Khắc Bắc đã nhiều lần có ý định nghỉ học phụ giúp mẹ.

Đoán biết ý nghĩ của con, chị ra sức khuyên ngăn: "Đời cha mẹ vì nghèo mà thiếu học. Dù thiếu thốn đến đâu mẹ cũng phải lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Ước mơ của mẹ gửi gắm cả vào các con..." Khi hai cậu con trai nhận giấy báo nhập học (con trai Nguyễn Khắc Thái đỗ Thủ khoa Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Khắc Bắc đậu vào Trường ĐH Xây dựng Hà Nội năm 2010) cũng là lúc người mẹ chất chứa những lo toan. Lấy đâu ra số tiền lớn để con nhập học? Rồi chi phí hàng tháng gửi cho hai con ăn học ở thủ đô? Nhưng vì tương lai của con, chị cam chịu tất cả. "Hồi trước, hai đứa học gần nhà còn đỡ đần được mẹ nhiều việc, giờ chúng đi học xa, tốn kém hơn và mất đi một chỗ dựa. Một mình xoay xở kiếm tiền nuôi con, còn chăm mẹ già, chồng đau yếu. Cơ cực, vất vả nhiều lúc tưởng như không thể vượt qua... Nhưng nghĩ đến các con, đến tương lai của chúng, tôi như có thêm sức mạnh..." Không phụ công mẹ, hai anh em Thái - Bắc đều chăm ngoan, học giỏi, ngoài giờ học còn tranh thủ làm thêm, kiếm tiền trang trải chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.


Bao la lòng mẹ ảnh 1

                       Bà Nguyễn Thị Lợi và con trai Lê Văn Đông

Sinh năm 1947, năm 26 tuổi, bà Nguyễn Thị Lợi (xóm Yên Phong, xã Hưng Hòa, TP.Vinh) lập gia đình. Ba đứa con lần lượt ra đời, nhưng không may, đứa con thứ 2 là Lê Văn Đông ngã bệnh, hai chân bị liệt, không thể đi lại được. Sau đó ít năm, chồng bà lâm trọng bệnh rồi qua đời. Bất hạnh ập đến, người phụ nữ mảnh mai ấy phải gồng mình vượt qua tất cả.

Vượt qua muôn nỗi khó khăn chồng chất của cuộc sống cơm áo gạo tiền,bà kiên trì cõng đứa con trai tật nguyền đến trường trong suốt 9 năm ròng. Việc học, với con nhà nghèo đã khó, đằng này con bà lại bị tật nguyền. Nhưng rồi, tình thương con của người mẹ đã chiến thắng mọi khó khăn về vật chất, mặc cảm về tinh thần, bà Lợi gạt lệ đến Trường Tiểu học xã Hưng Hòa xin ghi tên con vào danh sách lớp 1.

Bắt đầu từ đấy, bà Lợi kiêm luôn nhiệm vụ cõng con tới trường mỗi ngày. Trên con đường làng bụi mù vào ngày nắng hay trơn như đổ mỡ vào ngày mưa, hình ảnh người mẹ ốm yếu cõng con trên lưng đều đặn đến trường đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Vất vả, cơ cực nhưng chưa bao giờ bà hé răng than phiền, quãng đường từ nhà đến trường như được rút ngắn bởi những câu chuyện vui, những lời bà động viên con gắng vượt qua số phận. Tình thương yêu, tấm lòng bao dung của người mẹ đã trở thành động lực để đứa con tàn tật vươn lên bằng ý chí và nghị lực.

Suốt 9 năm học cấp 1, cấp 2, Đông luôn là một học sinh chăm ngoan học giỏi. Tốt nghiệp THCS, Đông đậu vào Trường THPT Lê Viết Thuật, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì con ngày càng trưởng thành, nhưng ngặt nỗi nhà vẫn nghèo thì lấy đâu ra tiền mua xe chở con đi học? Thương cho phận nghèo của gia đình bà Lợi, bà con chòm xóm rồi anh em xa gần đã gom góp tiền gạo để giúp bà mua được một chiếc xe đạp cũ để chở Đông đến trường. Thương mẹ vất vả, những ngày mưa gió, những hôm tan trường muộn, nhìn mẹ lặn lội đạp xe cả quãng đường trơn trợt đến đón mình, Đông cắn răng tập đi và khi kỳ thi tốt nghiệp đến gần cũng là lúc em bước được những bước chập chững trong tê buốt. "Lúc thấy em bỏ nạng tự bước đi, nước mắt mẹ đã rơi trên gò má đen xạm. Niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc...".

Đông nhớ lại. Năm 2001, Đông thi đậu Trường Cao đẳng SPKT Vinh (nay là Trường Đại học SPKT Vinh). Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy kiến thức mà mình tích cóp được là quá ít ỏi so với nhu cầu xã hội, Đông đã nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Vinh. Năm 2009, Đông tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành kỹ sư tin học, được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty cổ phần Cao su Nghệ An. "Suốt quãng thời gian đó, em luôn có mẹ ở bên. Mẹ là chỗ dựa vững chắc để em bước qua tuổi thơ bất hạnh. Nếu không có mẹ, em không biết cuộc đời mình sẽ ra sao...Tình yêu thương bao la, sự hy sinh của mẹ đã tiếp động lực cho em vượt lên chính mình", Đông tâm sự.


Tình yêu thương bao la của mẹ giành cho con, đức hi sinh, sự nhẫn nại của người phụ nữ đã làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống đời thường. Họ tần tảo sớm hôm, chấp nhận thiệt thòi, chịu đựng khó khăn, vất vả để con cái trưởng thành bởi niềm vui và lẽ sống của họ đều gửi gắm vào con cái...

Thanh Phúc

Tin mới