Bất cập quanh phí bảo trì chung cư ở thành phố Vinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hiện nay, việc bàn giao phí bảo trì chung cư trên địa bàn thành phố Vinh vẫn còn nhiều vướng mắc khi các toà nhà chưa thành lập ban quản trị cũng như chủ đầu tư né tránh bàn giao khoản phí này. Cư dân cũng yêu cầu việc sử dụng phí bảo trì phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Nhiều vướng mắc

Theo Luật Nhà ở năm 2014, sau khi chung cư bầu ra được Ban Quản trị, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ phí bảo trì cho Ban Quản trị để thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa các hạng mục sở hữu chung tại toà nhà chung cư.

Nhiều chung cư trên địa bàn Nghệ An chưa thành lập Ban Quản trị. Ảnh: Q.A

Nhiều chung cư trên địa bàn Nghệ An chưa thành lập Ban Quản trị. Ảnh: Q.A

Tuy nhiên, thực tế, việc bàn giao phí bảo trì chung cư trên địa bàn Nghệ An vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một trong số đó là việc nhiều toà chung cư chưa thành lập Ban Quản trị để vận hành toà nhà, do đó, số tiền này cũng chưa được bàn giao. Số liệu từ phòng Quản lý đô thị TP.Vinh cho biết, đến nay, toàn thành phố vẫn còn 21 toà chung cư chưa thành lập Ban Quản trị vì nhiều lý do, như các cư dân có tâm lý không muốn tham gia, không thu xếp được thời gian, chế độ cho Ban Quản trị chưa rõ ràng…

Đơn cử như trên địa bàn phường Bến Thuỷ có 3 chung cư, bao gồm Bến Thuỷ, HTX Trung Đô và Gia Thịnh Phát, nhưng đến nay, cả 3 toà đều chưa thành lập được Ban Quản trị. Ông Nguyễn Xuân Huân - Chủ tịch UBND phường Bến Thuỷ cho biết: Các chung cư này đã nhiều lần tổ chức họp để bầu Ban Quản trị, tuy nhiên, đều không thống nhất được việc chọn người cũng như các tiêu chí, nên chưa có chung cư nào có Ban Quản trị. Phường cũng đã yêu cầu, đốc thúc nhiều lần nhưng chưa có kết quả”.

Phường Quang Trung có nhiều chung cư nhất trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh: Q.A

Phường Quang Trung có nhiều chung cư nhất trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh: Q.A

Phường Quang Trung có số lượng chung cư nhiều nhất trên địa bàn TP.Vinh, với 22 toà, nhưng số chung cư thành lập được Ban Quản trị cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, phí bảo trì vẫn đang được chủ đầu tư nắm giữ, chưa bàn giao được.

Mặt khác, lại có những trường hợp chung cư đã thành lập được Ban Quản trị, nhưng chủ đầu tư lại cố tình né tránh, không bàn giao đầy đủ phí bảo trì theo quy định.
Đơn cử như tại chung cư Dầu khí Trường Thi, phường Trường Thi, toà nhà này đã thành lập Ban Quản trị từ năm 2018, với 5 thành viên, trong đó, 4 người là cư dân chung cư, 1 người thuộc chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hết phí bảo trì cho Ban Quản trị, trong khi nhiều hạng mục của tòa nhà đã bắt đầu xuống cấp.

Chủ đầu tư chung cư Dầu khí Trường Thi né tránh việc bàn giao phí bảo trì cho Ban Quản trị. Ảnh: Q.A
Chủ đầu tư chung cư Dầu khí Trường Thi né tránh việc bàn giao phí bảo trì cho Ban Quản trị. Ảnh: Q.A

Theo Ban Quản trị toà nhà cho biết, đến nay, chủ đầu tư mới bàn giao khoảng 500 triệu đồng, vẫn còn nợ 1,1 tỷ đồng phí bảo trì. Đây là số tiền mà các cư dân đã đóng góp để bảo trì, bảo dưỡng chung cư nhưng chủ đầu tư nhiều lần chây ì, không bàn giao cho Ban Quản trị tiến hành sửa chữa, khiến các hạng mục ngày càng xuống cấp.

Ngày 7/4/2023, Ban Quản trị chung cư Dầu khí Trường Thi đã có đơn kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh và UBND TP.Vinh… về việc chủ đầu tư của chung cư cố tình chây ì, né tránh việc trả tiền phí bảo trì theo quy định. Trong đơn nêu rõ, mặc dù chủ đầu tư đã cam kết đến ngày 30/11/2022 sẽ bàn giao phí bảo trì chung cư (gần 1,1 tỷ đồng), nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn không phối hợp hay trả lời với Ban Quản trị về kế hoạch cam kết trả nợ.

Ông Nguyễn Đức Kiệm – Trưởng ban Quản trị chung cư Dầu khí Trường Thi bức xúc: Trong năm 2022, sau 12 năm đi vào hoạt động, toà nhà đã có dấu hiệu xuống cấp, tróc sơn toàn bộ bề mặt ngoài, do không đòi được kinh phí từ chủ đầu tư, người dân đã phải tự đóng góp tiền, mỗi hộ từ 2 – 5 triệu đồng để thuê thợ sơn lại toà nhà, trong khi hạng mục này nằm trong phí bảo trì cần được đưa vào sử dụng, nhưng do chủ đầu tư không trả tiền, đành phải kêu gọi người dân đóng góp dù bà con rất bức xúc.

Tường hành lang của chung cư Dầu khí Trường Thi bong tróc, thang máy hư hỏng thường xuyên. Ảnh: Q.A
Tường hành lang của chung cư Dầu khí Trường Thi bong tróc, thang máy hư hỏng thường xuyên. Ảnh: Q.A

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chung cư Trung Đức, chung cư này đã thành lập Ban Quản trị từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư cố tình không bàn giao phí bảo trì, dù chung cư đã có một số hạng mục xuống cấp, cần phải sửa chữa. Anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Ban Quản trị chung cư này cho biết: Sau nhiều tháng làm đơn, phía chủ đầu tư cũng đã bàn giao số phí bảo trì gần 3,8 tỷ đồng của cư dân đóng góp, tuy nhiên, phần phí mà chủ đầu tư cũng phải đóng góp họ lại tiếp tục né tránh, không bàn giao theo quy định. Hiện chúng tôi đã làm việc với một số văn phòng luật để gửi đơn lên các cấp có thẩm quyền, yêu cầu chủ đầu tư làm đúng trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn TP. Vinh vẫn còn những chủ đầu tư chung cư chưa bàn giao đầy đủ phí bảo trì cho Ban Quản trị theo quy định. Ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết: Trên địa bàn hiện có 10 toà chung cư, trong đó có 9 toà đã thành lập ban quản trị, trong số này có 4 toà chủ đầu tư cơ bản đã bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị, 5 toà còn lại vẫn chưa bàn giao đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác bảo trì, sửa chữa các hạng mục sở hữu chung của toà nhà.

Cần minh bạch trong sử dụng phí bảo trì

Hiện nay, một bộ phận cư dân sống tại các chung cư mặc dù đã đóng phí bảo trì nhưng không hề để tâm đến việc ai là người quản lý cũng như sử dụng khoản phí này như thế nào. Thậm chí nhiều người còn nhầm lẫn phí bảo trì với phí dịch vụ chung cư hàng tháng tính theo diện tích từng căn hộ.

Bất cập quanh phí bảo trì chung cư ở thành phố Vinh ảnh 5

Thang máy chung cư Glory Palace liên tục hư hỏng khiến cư dân bức xúc. Ảnh: Q.A

Tại chung cư Glory Palace, đường Cao Huy Đỉnh, TP.Vinh thời gian qua liên tục nhiều hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là thang máy, sàn hành lang bong tróc… Điều đáng nói, tại chung cư này dù đã thành lập được Ban Quản trị đã 7 năm nhưng hoạt động không hiệu quả, một số thành viên Ban Quản trị đã chuyển đi nơi khác sống, dẫn đến phí bảo trì chưa thể bàn giao, hiện chủ đầu tư đang nắm giữ. Mỗi khi có hạng mục hư hỏng, phía chủ đầu tư đều huy động thợ đến sửa chữa, tuy nhiên, theo cư dân chung cư thì bà con không hề biết chi phí sửa chữa là bao nhiêu, trích từ nguồn nào, chủ đầu tư có sử dụng trong phí bảo trì 2% do bà con đóng góp mà chủ đầu tư đang nắm giữ hay không…

Tại chung cư Tân Phúc, phường Vinh Tân, bảng kê chi trả phí bảo trì chung cư từ giai đoạn 2011 – 2021 trên 790 triệu đồng, nhưng một số phiếu chi chỉ ghi số tiền chi chung chung là “Trả tiền kinh phí bảo trì chung cư Tân Phúc”, không nêu rõ chi trả cho việc sửa chữa, bảo trì hạng mục gì, xuống cấp như thế nào, điều này khiến không ít người dân băn khoăn.

Chung cư Tân Phúc nằm trên đường Lê Mao (TP.Vinh). Ảnh: Q.A

Chung cư Tân Phúc nằm trên đường Lê Mao (TP.Vinh). Ảnh: Q.A

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Ban Quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích, đúng hạng mục cần bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua hằng năm. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sử dụng phí bảo trì chung cư thiếu minh bạch vẫn diễn ra tại nhiều chung cư, gây mâu thuẫn giữa cư dân và Ban Quản trị.

Hiện nay, cư dân tại các chung cư đều mong muốn các chủ đầu tư sớm bàn giao phí bảo trì cho Ban Quản trị để sử dụng đúng mục đích trong việc bảo trì, sửa chữa các hạng mục xuống cấp. Đồng thời, Ban Quản trị được cư dân bầu ra phải thực sự có chuyên môn quản lý, trách nhiệm, thu - chi minh bạch, không tư lợi và công khai cho cư dân được biết. Người dân cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, xử lý nghiêm những chủ đầu tư, Ban Quản trị không bàn giao phí bảo trì hoặc sử dụng phí thiếu minh bạch, sai mục đích.

Phí bảo trì chung cư dùng để bảo trì, sửa chữa các hạng mục sở hữu chung của toà nhà như thang máy, hệ thống PCCC... Ảnh: Q.A

Phí bảo trì chung cư dùng để bảo trì, sửa chữa các hạng mục sở hữu chung của toà nhà như thang máy, hệ thống PCCC... Ảnh: Q.A

Đại diện Phòng Quản lý nhà và bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Phí bảo trì là một trong những vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn nguy cơ gây tranh chấp giữa các hộ dân và chủ đầu tư tại các chung cư hiện nay. Chính vì thế, từ tháng 11/2022, UBND tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành do Sở Xây dựng làm trưởng đoàn, để rà soát, kiểm tra tình hình chấp hành các quy định vận hành, quản lý chung cư sau đầu tư, trong đó, bao gồm các vấn đề về liên quan đến phí bảo trì. Hiện đoàn đang trong quá trình kiểm tra, thu thập số liệu và sẽ báo cáo UBND tỉnh trong thời gian tới./.

Tin mới