Bi kịch của hơn 100 hộ dân khi gửi ‘tiết kiệm’ tại hiệu vàng ở Yên Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Tin tưởng những gia đình giàu có ở trong vùng, hàng trăm hộ dân ở huyện Yên Thành đã vét hết tài sản để mang tiền đến gửi. Tuy nhiên, thứ họ nhận được không phải là lãi suất như đã cam kết mà là sự uất ức.

Gian nan hành trình đòi tiền nợ

Hơn nửa tháng nay, bất chấp mưa rét, hàng chục hộ dân vẫn thường xuyên có mặt trước cổng cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám (54 tuổi), ở xã Công Thành, huyện Yên Thành, để mong nhận được tiền nợ. Họ mang theo nhiều băng rôn, căng trước cửa hàng yêu cầu chủ doanh nghiệp này trả lại tiền. Chính quyền địa phương vì thế phải thường xuyên cắt cử lực lượng chức năng để đảm bảo an ninh, trật tự, tránh xô xát giữa hai bên. Đây là vụ việc kéo dài suốt nhiều năm qua ở vùng quê này.

Bật khóc nức nở khi vừa được chúng tôi hỏi đến, bà Vương Thị Hạnh (62 tuổi), trú xã Mỹ Thành cho biết, gia đình bà là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Con cái đứa thì đi lấy chồng xa, đứa ở trong tù. Chồng sức khỏe yếu, khó đi lại. Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều phải dựa vào công việc ra đồng mò cua, bắt ốc của bà.

bna-b1-1152.jpg
Bà Hạnh cầm trên tay cuốn "sổ tiết kiệm" đã bị xé nát. Ảnh: T.H

Gần 10 năm trước, thấy hàng xóm đổ xô mang tiền đến gửi gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám, bà cũng bàn bạc với chồng rồi vét hết số tiền dành dụm sau nhiều năm đi bắt cua để đi gửi. “Số tiền gần 40 triệu đồng đó dù không nhiều nhưng là toàn bộ gia tài của vợ chồng tôi. Vì thấy cũng cao hơn chút so với ngân hàng, lại tiện lợi vì có thể rút khi nào cũng được. Thủ tục thì nhanh gọn mà vợ chồng anh Tám cũng có họ hàng nên tin tưởng, mang hết gửi vào đó”, bà Hạnh kể.

Sau khi gửi tiền, bà Hạnh được chủ doanh nghiệp này cấp cho 1 cuốn “sổ tiết kiệm” do doanh nghiệp tự in, bên trong ghi rõ số tiền gửi, thời gian gửi và lãi suất. Tuy nhiên, đến năm 2016, gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, khiến bà Hạnh cùng hàng trăm hộ dân khác điêu đứng vì trót gửi tiền nhưng không thể lấy lại. 8 năm qua, bà Hạnh cùng các hộ dân khác đã hàng trăm lần đến gặp đòi lại tiền nhưng không có kết quả. Người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ cho biết, những năm gần đây, chồng bà sức khỏe ngày càng yếu, nhiều lần nhập viện điều trị phải cần đến tiền. Bà Hạnh đành phải mang cuốn “sổ tiết kiệm” đến gặp vợ chồng ông Tám để cầu xin lấy tiền gốc, nhưng thứ bà nhận lại là những lời mắng nhiếc, thách thức đến từ con nợ.

“Vợ chồng tôi cũng già yếu rồi, đi viện rất cần tiền, nhưng vay ở đâu cũng khó. Trong khi, gia đình ông Tám thì vẫn đang kinh doanh rất tốt, sống cuộc sống sung túc. Tôi mang “sổ tiết kiệm” tới mong lấy lại tiền thì bị ông ấy xé luôn cuốn sổ”, bà Hạnh nức nở nói.

bna-b2-488.jpg
Người dân căng băng rôn đòi tiền trước cửa hàng kinh doanh của ông Tám suốt nửa tháng nay. Ảnh: T.H

Cùng hoàn cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh (64 tuổi), ở xã Mỹ Thành cho biết, bà và gia đình ông Tám là họ hàng gần. Thấy lãi suất 9,6% mỗi năm, vì tin tưởng nên vợ chồng bà cũng mang hết tiền trong nhà đến đây để gửi, phòng khi đau ốm cần thì tới rút. Thời gian đầu, bà được trả lãi suất đầy đủ. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Tám tuyên bố vỡ nợ. Số tiền bà đang gửi ở đó vẫn còn 160 triệu đồng. “Đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt của vợ chồng tôi, suốt nhiều năm ‘ăn không dám ăn, mặc không dám mặc’. Vẫn còn họ hàng với nhau, không hiểu sao họ có thể nỡ lòng nào nhẫn tâm đến như vậy”, bà Thanh ngậm ngùi nói.

Bà Thanh kể, những năm sau đó, chồng bà bệnh nặng, phải nằm viện liên tục, bà nhiều lần đến cầu xin nhưng cũng không được vợ chồng ông Tám thương xót. “Tháng 5/2019, chồng tôi hấp hối trong bệnh viện, không còn cửa vay tiền nào nữa, tôi đến cầu xin nhưng không những không được thương xót trả lại tiền, mà còn bị vợ chồng ông Tám chửi rủa, thách thức. Ít ngày sau thì chồng tôi mất trong uất ức. Họ tuyên bố vỡ nợ mà lại suốt ngày sống trong sung túc, còn chúng tôi là những người mang tiền đi gửi, thì lại phải chịu cái cảnh này”, bà Thanh nói thêm.

bna-b4-7630.jpg
Hầu hết nạn nhân đều là dân nghèo, vét hết tài sản để đi gửi. Ảnh: T.H

Cần sự vào cuộc kịp thời

Theo tìm hiểu của phóng viên, có hơn 100 hộ dân vẫn còn tiền đã gửi cho vợ chồng ông Tám nhưng đến nay chưa được nhận lại, với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Hầu hết nạn nhân đều là nông dân, người nhiều thì mang hết tài sản hơn 1 tỷ đồng đến gửi, người ít thì vài chục triệu đồng. Gần đây, một trong những nạn nhân phát hiện vợ chồng ông Tám dù tuyên bố vỡ nợ, nhưng vẫn còn đứng tên rất nhiều tài sản, trong đó có 4 lô đất, nên tiếp tục kéo đến để đòi, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa số tài sản này, ngăn chặn hành vi tẩu tán.

“Tôi với ông Tám là con anh, con em, nhưng vẫn bị lừa. Gần đây chúng tôi phát hiện ra ông ta còn nhiều tài sản, đến đòi thì họ tiếp tục thách thức”, nạn nhân này nói.

bna-b5-1944.jpg
Việc doanh nghiệp này tự ban hành sổ tiết kiệm là hành vi kinh doanh trái phép. Ảnh: T.H

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Vĩnh Tám thừa nhận, ông vẫn đang nợ tiền những hộ dân này. “Tuy nhiên, tôi cũng là nạn nhân của những người khác”, ông Tám nói.

Ông Tám kể, trước đây ông kinh doanh tiệm vàng bạc, dư giả nhiều tiền nên mở dịch vụ cho vay và nhận tiền gửi. Trong quá trình này, vợ chồng ông cũng tham gia phường hụi. Tuy nhiên, năm 2015, bà Phạm Thị Thương (47 tuổi), trú xã Liên Thành đã ôm toàn bộ gần 20 tỷ đồng tiền phường và còn vay thêm vợ chồng ông Tám gần 2 tỷ đồng rồi trốn khỏi nơi cư trú. “Có tới 60 người đang vay nợ tiền của vợ chồng chúng tôi nhưng không trả, lên tới hàng chục tỷ đồng. Còn tiền bà con gửi ở chỗ chúng tôi, kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay, chúng tôi cũng đã cố gắng khắc phục, trả được cho người dân hơn 22 tỷ đồng. Bây giờ còn nợ của họ khoảng 9 tỷ đồng nữa”, ông Tám nói.

bna-b3-5606.jpg
Người dân tập trung đông đúc trước cửa hàng kinh doanh ông Tám để đòi tiền. Ảnh: T.H

Ông Tám còn cho biết, mới đây ngày 4/1, vợ chồng ông đã lần thứ 7 làm đơn tố cáo bà Phạm Thị Thương hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tới cơ quan công an. Trong đơn, vợ ông Tám cho rằng, dây phường hụi này do chính bà làm chủ, nhưng 10 phường viên chơi đều vay tiền của bà. Sau đó, bà Thương đã ôm toàn bộ bỏ trốn, khiến gia đình bà lâm vào cảnh khủng hoảng, chưa có tiền trả cho người dân đã gửi tiết kiệm nên người dân kéo đến nhà, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình. “Gia đình tôi đã gửi đơn lên cơ quan chức năng 7 lần, nhưng cơ quan công an vẫn không giải quyết làm cho hơn 60 con nợ vay tiền của chúng tôi với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng cũng ‘tát nước theo mưa’, không chịu trả cho chúng tôi. Trong khi đó, về phía chúng tôi đã bán hết tài sản, cũng trả được người dân 22 tỷ đồng. Bây giờ còn gần 9 tỷ đồng nữa chúng tôi đã kiệt quệ, không biết nhờ cậy vào ai”, gia đình ông Tám nêu trong đơn và cho biết, hiện nay, vợ chồng bà Thương mang tiền vào Thành phố Hồ Chí Minh mua nhà.

“Chúng tôi nhiều lần gửi đơn đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can bà Thương nhưng phía cơ quan công an cho rằng, bà Thương không có mặt nơi cư trú, nên không có cơ sở làm việc. Vì vậy, lần này chúng tôi tiếp tục làm đơn đề nghị khởi tố, bắt bà Thương chịu trách nhiệm trước pháp luật và trả lại tiền đã vay cho chúng tôi để chúng tôi trả cho người dân đã cho chúng tôi vay tiền”, đơn tố giác của vợ ông Tám nêu.

Trong khi đó, phía người dân không đồng tình với quan điểm của ông Tám. “Ông Tám cho rằng, vợ chồng ông cũng là nạn nhân của người khác, nên muốn người dân chúng tôi chia sẻ rủi ro với ông ấy, chờ đòi được tiền mà bà Thương đã vay của ông thì sẽ lấy tiền đó trả cho chúng tôi. Nhưng đây là tiền chúng tôi gửi cho vợ chồng ông Tám để lấy lãi, chứ đâu phải đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp ông ấy đâu mà phải chia sẻ rủi ro đó. 2 vụ việc không liên quan đến nhau”, một trong những người dân đang bị vợ chồng ông Tám vay tiền nói và cho hay, vợ chồng ông Tám vẫn chưa bán hết tài sản để trả cho họ, cụ thể là vẫn còn nhiều lô đất đang đứng tên. Vì vậy, những người này đề nghị ông Tám bán để lấy tiền trả hết cho những người đã tin tưởng gửi tiết kiệm vào đây.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Công Thành cho biết, vụ việc này kéo dài suốt nhiều năm qua. Thời gian gần đây, bắt đầu từ ngày 17/12/2023, người dân phát hiện vợ chồng ông Tám vẫn còn nhiều tài sản đứng tên họ nên tiếp tục kéo đến cửa hàng để đòi tiền. “Vụ việc gây ảnh hưởng an ninh, trật tự nên chính quyền địa phương phải cắt cử lực lượng chức năng thường xuyên có mặt. Còn việc tranh chấp giữa các bên thì xã không có thẩm quyền”, ông Tuấn nói.

Tin mới