Biển Đông: ngoài nghị sự, song vẫn nóng

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đưa vấn đề Biển Đông lên thành chủ đề chính trong phiên họp bộ trưởng ngoại giao ASEAN 2012 tại Phnom Penh, Campuchia cho dù nước chủ nhà thông báo không đưa tranh chấp này vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm nay.
 

Lễ khai mạc hội nghị năm nay đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập khối ASEAN. Trong ảnh: nguyên thủ của mười nước trong khối ASEAN tại lễ khai mạc.

Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario bày tỏ ước muốn xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) không chỉ có tiến triển về hình thức mà còn về thực chất. Ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần có dự thảo về COC rồi mới bàn với Trung Quốc, chứ không phải là bàn với Trung Quốc trước”. Ông Rosario nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế trong giải quyết tranh chấp, bao gồm cấu trúc hợp lý cho việc thực hiện hiệu quả, cũng như những dự liệu liên quan tới các hoạt động hợp tác, phải thoả đáng, ở các vùng có tranh chấp. Đồng thời, ngoại trưởng Philippines khẳng định, các tiếp cận dựa trên các quy tắc, luật định được xây dựng bởi Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc vẫn là cách giải quyết tranh chấp phù hợp nhất.

Trong khi đó, ngoại trưởng Indonesia cho rằng, cũng nên nghe để biết quan điểm của Trung Quốc trước khi xây dựng dự thảo COC.

Lập luận của Philippines, theo AP, ngược với ý đồ của Bắc Kinh khi nước có hơn 1 tỉ dân này tỏ ý tham gia soạn thảo những quy tắc này cùng với ASEAN, nhưng từ chối đàm phán với khối mà thay vào đó là đàm phán song phương.

Với tư cách chủ nhà, ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong thông báo, trước đó các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đã “bàn rất nhiều” về vấn đề Biển Đông và các bên đã nhất trí thúc đẩy tiến trình của bộ quy tắc COC. Ông Namhong nói: “Tất cả các ngoại trưởng đều đồng tình về nguyên tắc giải quyết tranh chấp hoà bình và tuân theo luật quốc tế”.

AP dẫn lời hai nhà ngoại giao Đông Nam Á (giấu tên) tiết lộ rằng các quan chức Trung Quốc, đã chuyển đến hội nghị một đề xuất, nội dung thiết lập nhóm mười chuyên gia và chính khách hàng đầu nhằm đề ra giải pháp tranh chấp Biển Đông, nhưng đề nghị này bị hai nước khác bác bỏ.

Theo các hãng tin nước ngoài, trong chuyến thăm Campuchia, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu Campuchia đừng thúc đẩy các cuộc thảo luận về các tranh chấp trên Biển Đông “quá nhanh” để tránh cho vấn đề trở nên phức tạp thêm. Ông Sry Thamrong, cố vấn của Thủ tướng Hun Sen đã tiết lộ như vậy với các phóng viên. Thủ tướng Hun Sen nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nước ông chia sẻ quan điểm của Trung Quốc rằng các tranh chấp trên Biển Đông không nên được “quốc tế hoá”; nhưng ông Hun Sen đã nói với ông Hồ Cẩm Đào, ông cũng có khó khăn trong việc ngăn cản các quốc gia khác đưa vấn đề ra hội nghị thượng đỉnh Asean, bởi vì các nước Asean khác có quyền và rất có thể họ vẫn đưa vấn đề này ra hội nghị thượng đỉnh hai ngày của khối ở Phnom Penh.

Báo Philstar của Philippines cho rằng, Tổng thống Aquino được trông chờ sẽ đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự cũng như kế hoạch phóng tên lửa của Bắc Hàn.

Theo Media

Tin mới