Biện pháp phòng trị bệnh tụ huyết trùng

Vào mùa mưa ngành chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng rất nhiều do thiếu thức ăn và dịch bệnh, trong đó dịch bệnh là yếu tố gây thiệt hại lớn trên đàn gia súc. Để giảm thiệt hại cho đàn gia súc người chăn nuôi cần biết cách phòng chống các bệnh thường gặp trên gia súc trong mùa mưa. Chúng tôi xin giới thiệu với bà con biện pháp phòng và trị bệnh tụ huyết trùng.

* Nguyên nhân và cách truyền lan do bệnh

- Bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, nguồn lây bệnh từ thức ăn, nước uống hay từ chất thải của động vật ốm sang động vật khỏe.

- Bệnh cũng có thể phát sinh do vi khuẩn có sẵn trong đường tiêu hóa hoặc hô hấp của gia súc khi thời tiết thay đổi đột ngột, gia súc ốm yếu giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho vi khuẩn Tụ huyết trùng phát triển và gây bệnh.

- Ở nước ta bệnh xảy ra rải rác quanh năm và ở tất cả các vùng, nhưng phát mạnh nhất vào mùa mưa lũ do vi khuẩn lây lan theo nước và bám vào thức ăn.

* Triệu chứng: Bệnh thường ở thể cấp tính đối với trâu bò, thời gian ủ bệnh chỉ 1-3 ngày, con vật có biểu hiện như sau: Không nhai lại, mệt nhọc, sốt cao đột ngột 40- 420 C; nước mắt, mũi chảy liên tục; niêm mạc mắt, mồm, mũi, tổ chức dưới da có tụ huyết đỏ sẫm; tối xám.

- Hầu sưng to, gia súc phải lè lưỡi ra để thở, động tác thở rất mạnh, thường gọi là "bệnh trâu bò hai lưỡi", gia súc đi lại khó khăn do sưng thùy hạch lâm ba vai, đùi.

- Một số gia súc bị thể đường ruột thì xuất hiện các triệu chứng ỉa chảy dữ dội, phân lẫn máu và tế bào ruột bong tróc.

- Lúc gần chết, trâu bò bệnh nằm liệt, đái ra máu, thở rất khó, xuất huyết ở các niêm mạc mắt, mũi. Diễn biến bệnh trong 3 ngày-5 ngày, chết đến 90-100%, nếu nhiễm trùng máu chết nhanh hơn trong 1-1,5 ngày. Nếu bệnh ác tính hay còn gọi là thể quá cấp tính thì đột nhiên bò sốt cao đến 420C, hung dữ, điên cuồng, đập đầu vào thành chuồng, chết nhanh trong 24 giờ. Gia súc bệnh không chết sẽ chuyển ra mãn tính, ruột viêm lúc ỉa chảy, lúc táo bón, viêm khớp, viêm phế quản và phổi mãn tính. Trong vài tuần, gia súc có thể khỏi bệnh nhưng thường gầy rạc.

* Phòng và trị bệnh: Hàng năm, cần tiêm vacxin tụ huyết trùng 6 tháng một lần và tiêm trước mùa mưa lũ bằng một trong các loại vacxin sau:

+ Vacxin pha formol và keo phèn tiêm 3-5ml/lần, sau 5 ngày có miễn dịch, miễm dịch kéo dài trong 6 tháng.

+ Vacxin nhũ hóa, liều tiêm 5ml, miễn dịch sau 7-10 ngày miễm dịch kéo dài 6-8 tháng.

+ Vacxin nhược độc, tiêm 1-2ml, miễn dịch sau 7 ngày, kéo dài 4-6 tháng.

- Chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho gia súc trước mùa mưa lũ, chăm sóc nuôi dưỡng gia súc tốt đảm bảo sức đề kháng với bệnh./.
(Theo Trung tâm Khuyennonghanoi) - LY

Tin mới