BRICS sẽ là đối thủ địa chính trị của G7

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trung Quốc sẽ kêu gọi các thành viên của BRICS bảo vệ lợi ích kinh tế của các nước đang phát triển và là một lực lượng chính trị công khai đối trọng với phương Tây.

1705-nhomBRICS.jpeg
Các nhà lãnh đạo BRICS. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn TASS trích dẫn một báo cáo của Financial Times cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi vào cuối tuần này, Trung Quốc sẽ kêu gọi các thành viên khác của BRICS (Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi) hợp tác chặt chẽ, biến Khối trở thành một đối thủ địa chính trị chính thức của Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển (G7).

“Nếu chúng ta mở rộng BRICS nhằm chịu trách nhiệm về một phần GDP toàn cầu, giống như G7, thì tiếng nói của chúng ta trên trường quốc tế sẽ trở nên mạnh mẽ hơn” – một đại diện giấu tên của Trung Quốc chia sẻ với Financial Times.

Tuy nhiên, nguồn tin của Financial Times cũng cho hay, việc mở rộng thành viên BRICS đang gây căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bất đồng ở chỗ, liệu BRICS nên là một khối trung lập để bảo vệ lợi ích kinh tế của các nước đang phát triển, hay sẽ trở thành một lực lượng chính trị công khai chống lại phương Tây.

Trong khi đó, Financial Times cũng dẫn lời một nhà ngoại giao Brazil giấu tên cho biết, nước này ủng hộ các quy tắc, tiêu chí rõ ràng hơn để chấp nhận kết nạp các thành viên mới.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaposa đã gửi lời mời tới các nhà lãnh đạo và người đứng đầu chính phủ của hơn 60 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg (Nam Phi) từ ngày 22-24/8.

Tổng thống nước chủ nhà Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sẽ trực tiếp tham dự hội nghị trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự sự kiện theo hình thức trực tuyến. Có rất ít chi tiết được hé lộ về những gì các nhà lãnh đạo BRICS dự định thảo luận, nhưng việc mở rộng khối bằng cách bổ sung các thành viên mới dự kiến sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự. Bên cạnh đó là việc phát hành đồng tiền chung của khối và khả năng thiết lập một hệ thống thanh toán chung.

Tin mới