Truyền thông phương Tây lên tiếng về việc BRICS sắp 'tấn công' Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tạp chí Les Echos cho rằng, quá trình phi đô la hóa đang diễn ra mãnh liệt, và không thể ngăn cản được nó, nhằm mục đích tạo ra một đồng tiền chung của các nước trong BRICS.

Capture.PNG
Với tốc độ phát triển vượt bậc, BRICS đang lấn át dần vị thế của phương Tây. Ảnh minh họa: Ria Novosti

Tạp chí Les Echos (Pháp) cho rằng, các quốc gia thành viên BRICS (Nga, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ) sẽ đẩy nhanh quá trình phi đô la hóa, nhằm tạo ra đồng tiền chung của nhóm.

Một trong những vấn đề trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, dự kiến diễn ra vào ngày 22-24 tháng 8, sẽ là thảo luận để đi đến thống nhất loại tiền tệ mới.

“Nhóm 5 quốc gia này chiếm hơn 40% dân số thế giới, gần 1/4 GDP và 15% thương mại toàn cầu. Họ có đủ tham vọng về một đồng tiền chung nhằm bảo vệ một thế giới đa cực – nơi không bị Mỹ thống trị. Và nhìn chung, sự thống trị của các nước phương Tây sẽ chỉ còn là quá khứ” – nhà bình luận Claire Bargeles của Les Echos nêu quan điểm.

BRICS cũng đang khám phá, đa dạng hóa các phương thức để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, bao gồm cả việc tăng cường giao dịch bằng đồng nội tệ. Ngoài ra, khả năng mở rộng nhóm, kết nạp thêm quốc gia thành viên cũng có thể tạo “động lực bất ngờ” cho tiến trình phi đô la hóa này.

Trong khi đó, Trưởng ban Hội nhập và Kinh tế vĩ mô của Ủy ban kinh tế Á-Âu, ông Serge Glazyev đã mô tả việc tạo ra một loại tiền tệ siêu quốc gia trên nền tảng BRICS là một ý tưởng đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trở ngại cần phải vượt qua, trước khi 5 quốc gia này muốn thoát khỏi sự thống trị của đồng đô la Mỹ “toàn năng”.

Zongyuan Zoyi Liu, thành viên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại và đồng tác giả của nghiên cứu “Liệu BRICS có thể phi đô la hóa hệ thống tài chính toàn cầu?”nhận định: “Cần phải thấy sự khác biệt giữa việc sẵn sàng sử dụng đồng tiền nội tệ để tạo ra các hệ thống thay thế, giảm thiểu rủi ro, và việc hoàn toàn sẵn sàng từ bỏ đồng đô la khi gặp hiểm nguy”.

Trong mọi trường hợp, ý tưởng về một loại tiền tệ mới vẫn nằm trong sự mong muốn, chứ chưa thành hiện thực, và các chi tiết về tiền tệ trong tương lai vẫn còn rất mơ hồ. Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cảnh báo: “Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi nghĩ chúng ta không nên chỉ tin rằng, ý tưởng này sẽ hiệu quả. Vấn đề ở chỗ sự quản lý kinh tế rất phức tạp. Chúng ta cần tính đến quan điểm của tất cả các nước”.

Tin mới