Các nhà khoa học Nghệ An bàn về việc tích hợp môn Lịch Sử

(Baonghean.vn) - Các nhà khoa học, giáo viên dạy Lịch sử ở Nghệ An khẳng định: Lịch sử phải là một môn học độc lập.

Chiều 20/11, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nên hay không việc tích hợp môn Lịch sử”.

Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và giảng viên, giáo viên giảng dạy môn Lịch sử trên địa bàn tỉnh đã cùng tham dự.

Chủ trương tích hợp môn Lịch sử được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong đó dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Đạo đức – Công dân và Quốc phòng – An ninh thành môn mới “Công dân với Tổ quốc”. Tuy vậy, sau khi dự thảo được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đồng chí Bùi Đình Sâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo phát biểu tại buổi tọa đàm
Đồng chí Bùi Đình Sâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã thẳng thắn, phân tích mổ xẻ vấn đề. Nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung như: có nên hay không thực hiện tích hợp môn Lịch sử, vai trò của môn Lịch sử đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung và việc xây dựng ý thức dân tộc, trách nhiệm của công dân đối với đất nước; những giải pháp đổi mới chương, phương pháp dạy và học để môn Lịch sử vẫn là một bộ môn độc lập và phát huy vai trò, vị trí của mình trong hệ thống giáo dục.

Các ý kiến đều thống nhất Môn Lịch Sử phải là một môn độc lập.

Theo Phó Giáo sư,Tiến sỹ Nguyễn Công Khanh, Nguyên trưởng Khoa Lịch sử của Trường Đại học Vinh, Lịch sử là môn nền tảng của Khoa học Xã hội và Nhân văn, là cơ sở quan trọng bậc nhất để trang bị một hệ thống thức về cội nguồn dân tộc; về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước... từ đó xây dựng phẩm chất và bản lĩnh con người Việt Nam. Nếu xóa bỏ môn Lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc trong nền giáo dục phổ thông thì sẽ để lại bao hệ lụy khó lường.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lật lại vấn đề khi cho rằng: Hiện tại môn Lịch sử đang còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc học sinh thiếu hứng thú với muốn học.

Theo ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Đăng Bằng, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh: Để tăng hứng thú cho môn Lịch Sử cần phải dạy chân thực. Cần viết sách học sử theo chuẩn kiến thức và kỹ năng mới. Các ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, nếu tổ chức dạy tích hợp thì đội ngũ giáo viên hiện nay không đáp ứng được yêu cầu. 

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Những ý kiến được đóng góp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp và có ý kiến góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng hợp trong thời gian tới.

                                                                                                       Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới