Cách làm hay ở Huồi Cọ

(Baonghean) - Để vào được bản Huồi Cọ, phải đi thuyền dọc sông Nậm Nơn, rồi từ trung tâm xã Nhôn Mai còn phải đi bộ 8 giờ đồng hồ. Xa xôi là thế, nhưng đây là nơi học trò Mông thi đậu và tốt nghiệp các trường đại học nhiều nhất của huyện Tương Dương. Góp phần vào kết quả đó, có vai trò không nhỏ của công tác khuyến học, đặc biệt là phong trào khuyến học của dòng họ Và.
Huồi Cọ cách đây chưa xa vẫn là thủ phủ trồng hoa anh túc. Thế nên, trẻ con ở đây lớn lên, may mắn thì học được hết cấp I, còn lại thì hầu như không biết chữ. Người dân trong bản cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao cho no cái bụng, áo được lành, chứ chưa ai dám nghĩ đến chuyện học hành và cho con cái đến trường. Đến năm 1986, người học cao nhất cũng chỉ mới học đến lớp 7, đó là anh Và Bá Tủa.
Một góc bản Huồi Cọ.
Một góc bản Huồi Cọ.
Thời điểm đó, người học cao như Và Bá Tủa được coi là một hiện tượng trong bản. Nhưng sự học của Tủa cũng phải dở dang trong những năm cuối của cấp II vì anh  còn phải theo cha mẹ lên rẫy trồng cây thuốc phiện. Biết được tin này, thầy giáo Lô Văn Tắn khi đó đang dạy ở xã buồn lắm. Tiếc cho cậu học trò hiếu học, thầy bàn với vợ đưa Tủa xuống nhà mình để nuôi ăn học.
Phó Chủ tịch Tương Dương là thầy Vi Tân Hợi, ngày ấy đang công tác trong ngành Giáo dục cũng thường xuyên kèm cặp để Tủa học kịp bạn bè. Không phụ công của thầy cô, Tủa thi đậu cấp III và được về Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, sau đó được đi học Trường Trung cấp Y tế Nghệ An. Khi ra trường Tủa được nhận về Trung tâm Y tế huyện, rồi có điều kiện anh học lên chuyên tu bác sỹ, nay về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai.
Nhớ lại những ngày theo học cấp III ở “bản” Vinh  rồi  đi học đại học,  bác sỹ Và Bá Tủa xúc động bởi nhà anh nghèo, cho con theo học ở huyện đã khó nói gì được học nghề. Lo là thế nhưng từ khi đặt chân xuống núi, gia đình anh không phải băn khoăn nhiều về tiền ăn học vì mọi khoản chi tiêu đã được anh em trong họ Và và người dân trong bản giúp đỡ. Cũng vì cảm phục tấm lòng của bà con nên sau khi có cái chữ anh tự nguyện về lại quê nhà công tác, coi như đó cũng là một cách đền đáp công ơn của mọi người. Còn người dân Huồi Cọ, từ sau trường hợp đầu tiên của Và Bá Tủa, bà con bắt đầu thay đổi trong nhận thức. Thay vì phải bắt con lên rẫy làm nương, họ ý thức được việc phải cho con đến trường, phải “phấn đấu học cho bằng anh Tủa”.
Để các em an tâm học tập, cả bản bảo nhau phải đóng góp tiền, của để lo cho các cháu ăn học. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở bản Huồi Cọ cũng xuất hiện từ đây. Đầu tiên là họ Và quyên góp gạo, tiền nuôi Và Bá Tủa học hết đại học, rồi sau đó lan rộng ra cả bản.  Người ta góp trứng, góp gạo, góp muối… “ai có gì thì cho cái ấy miễn là chúng nó ăn được, sống được để học cho tốt” - Trưởng bản Và Ga Sua nhớ lại.
Ở Huồi Cọ, không chỉ con em đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến hay thi đậu đại học, cao đẳng mà chỉ cần học cấp III là đã được bản “nuôi” đi học và có quà động viên. Những em học xa thì có thể hỗ trợ một tháng từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng, học gần thì con gà, cân gạo còn nếu đã đạt thành tích thì năm học nào cũng được  thưởng từ 200.000 - 400.000 đồng. Để gây quỹ, bản cũng có một quy định rất riêng, đó là trong Tháng Khuyến học mỗi hộ phải phấn đấu góp cho được một đôi gà, 20 quả trứng. Riêng Tết Khuyến học mỗi hộ một cặp gà thiến trên 8 kg. Góp xong cũng không phải như nhiều nơi “mở hội ăn mừng” mà bà con sẽ đem ra vùng trung tâm bán, tiền gom góp được sẽ mua trâu, bò, gây quỹ. Đợi khi nào có con em đỗ đạt sẽ bán đi hỗ trợ tiền học cho các cháu.
Tuy cách làm đơn giản như vậy, nhưng nhờ biết tích cóp đến nay Quỹ Khuyến học đã có trên 40 con trâu, bò và được các gia đình nhận nuôi, đó là chưa kể hàng chục con gà, lợn khác. Riêng học trò Huồi Cọ, kể từ khi được động viên, được quan tâm, các em đã bắt đầu tự giác học và số học sinh đạt thành tích cao ngày một nhiều. Đến nay, toàn bản Huồi Cọ đã có 17 em tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học và hiện đang còn  9 em học các trường chuyên nghiệp. Nhiều em ra trường và được nhận vào công tác ở các lĩnh vực khác nhau, có em là bác sỹ, công an, có em là sỹ quan bộ đội biên phòng, có em công tác trong ngành Giáo dục, y tế. Cũng từ phong trào này, xuất hiện nhiều em, nhiều gia đình có con “chăm ngoan, học giỏi”, như gia đình nhà ông Và Chơ Già hiện có 2 con đang học đại học và 1 con đang học cao đẳng, trong đó có em Và Bá Tùng hiện đang học Đại học Y Huế, gia đình ông Vả Chỉa Xa có hai con Và Bá Bì, Và Bá Kha cũng đang theo học Đại học Vinh. Hay nhiều em sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó như Già Y My, Và Y Mải, Già Bá Già, Và Bá Cau… cũng đã có rất nhiều nỗ lực, có gắng vươn lên học đại học.
Nói về phong trào khuyến học của bản Huồi Cọ, một cán bộ bản ở đây cũng rất tự hào khi cho rằng, ở Nghệ An, ít có nơi nào mà đồng bào Mông lại quan tâm đến sự học của con em như ở Huồi Cọ. Không những thế “phong trào này còn thấm vào máu thịt của người dân trong bản bởi vì chúng tôi hiểu rằng, chỉ có con chữ mới giúp bản Huồi Cọ thoát nghèo bền vững đúng như câu hát “Người Mông cõng con chữ về bản/ Con chữ cõng người Mông thoát nghèo”…

Tin mới