Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích

(Baonghean) - Từ tháng 5/2012, Nghệ An cùng với 11 tỉnh khác trong cả nước triển khai thí điểm việc trả lương hưu qua bưu điện. Qua gần 1 năm thực hiện, hình thức này có những ưu việt và thuận lợi trong việc quản lý và cấp phát lương. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất tiện trong các thủ tục...

Bác Ngô Đức Hỷ, 86 tuổi ở xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu phản ánh đến Báo Nghệ An một số bức xúc về việc Bảo hiểm xã hội Quỳnh Lưu ra thông báo yêu cầu những người nhận lương hưu khi đi nhận lương phải mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy lĩnh thay lương hưu và trợ cấp (với người lĩnh thay), giấy giám hộ. Theo ông, yêu cầu một tháng phải lên xã chứng nhận vào giấy ủy quyền để nhờ người nhận hộ là gây khó khăn cho người dân, nhất là với những người già yếu không đi nổi, bệnh tật phải đi viện hoặc vắng nhà dài ngày. Hoặc có gia đình, có 5 – 7 người cùng nhận lương, chẳng lẽ tháng nào cũng phải yêu cầu có mặt đầy đủ. Nếu không thì tháng nào cũng phải lên xã xin giấy ủy quyền, phiền toái và mất thời gian...

“Đây là những quy định bắt buộc người hưởng lương hưu phải thực hiện kể từ khi Bảo hiểm xã hội Nghệ An triển khai thí điểm việc trả lương hưu qua bưu điện tại 11 huyện, thị, trong đó có huyện Quỳnh Lưu. Mặc dù vậy, đây không phải  điểm mới mà đã có nhiều năm nay nhưng trước đây do xuề xòa trong quản lý nên nhiều đại lý khi phát lương đã bỏ qua các yêu cầu này” – ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết. Việc thực hiện hình thức chi trả mới này cũng xuất phát từ  những bất cập, đó là  lâu nay việc trả lương thường thông qua các đại lý mà UBND xã, phường thuê. Nhưng đây thường là những cá nhân riêng lẻ, không có tính pháp lý nên khi xảy ra các sự cố như chỉ trả sai, mất tiền sẽ có cơ sở để giải quyết. Nay thông qua đơn vị chi trả là bưu điện, với số lượng nhân viên trực tiếp tham gia chi trả lớn, có phương tiện vận chuyển tiền đến từng điểm chi trả nên có thể rút ngắn được thời gian chi trả và đảm bảo công tác an toàn tiền mặt.

Thực hiện chủ trương trên, thời gian qua ngoài các văn bản của Chính phủ, của tỉnh thì giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và Bưu điện tỉnh cũng đã có nhiều văn bản triển khai. Nhờ đó, sau gần 1 năm thí điểm công tác quản lý người hưởng, chi trả, trợ cấp cũng như thanh quyết toán đã được hai bên thực hiện kịp thời, đầy đủ theo đúng hợp đồng đã được ký kết, đáp ứng yêu cầu của ngành BHXH.

Điểm bưu điện văn hóa xã Đà Sơn (Đô Lương).

Tuy vậy, bên cạnh những hiệu quả đã đạt được thì qua đợt triển khai thí điểm cũng đã nảy sinh một số hạn chế, tồn tại. Do cán bộ chi trả vì mới tiếp nhận công việc nên chưa nắm vững chế độ, chính sách BHXH, BHYT và chưa thể trả lời hết các ý kiến thắc mắc về chế độ được hưởng, một số ý kiến vẫn phải chuyển về cơ quan bảo hiểm để trả lời cho người hưởng bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp. Đối tượng thụ hưởng hầu hết là người cao tuổi, sức yếu, đi lại khó khăn nhưng vẫn có những trường hợp xử sự chưa đúng mực, gây bức xúc cho nhân dân.

Trong công tác quản lý người hưởng, do đây là công việc hoàn toàn mới đối với ngành bưu điện nên trong thời gian đầu triển khai còn lúng túng, dẫn đến cắt giảm chậm còn xảy ra ở một số nơi. Về các quy định yêu cầu người hưởng lương hưu phải thực hiện khi đi nhận lương hưu và trợ cấp xã hội, ông Lê Trường Giang cho biết thêm: Do đang trong quá trình triển khai thí điểm nhằm mục đích tìm một hình thức chi trả thích hợp nhất cho người dân thế nên không tránh khỏi những thắc mắc, bất cập. Về phía cơ quan bảo hiểm xã hội, sẽ tiếp nhận các kiến nghị của người dân, nếu trong thẩm quyền có thể xử lý được thì sẽ xét, giải quyết. Nếu ngoài  thẩm quyền sẽ gửi ý kiến ra cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đề xuất sửa đổi.

Hiện tại, một tháng Bảo hiểm xã hội Nghệ An chi trả hơn 400 tỷ đồng tiền lương hưu và tiền trợ cấp Bảo hiểm xã hội. Đây là số tiền không nhỏ, vì thế chi trả bằng hình thức nào và sao cho thuận lợi nhất vẫn luôn là một vấn đề được cơ quan bảo hiểm xã hội quan tâm. Thực tế, trong quá khứ, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có nhiều hình thức chi trả khác nhau, trong đó ngoài chi trả trực tiếp thông qua các đại lý, còn chi trả qua thẻ ATM, hoặc thực hiện chi trả tại nhà cho cán bộ hưu trí như ở Thị xã Thái Hòa. Tuy mỗi hình thức có những ưu điểm, hạn chế riêng, có những phương pháp thành công nhưng cũng có những phương pháp thất bại, nhưng mục đích chung vẫn là hướng đến sự thuận tiện cho người được hưởng.

Với chi trả lương hưu qua bưu điện, mặc dù chỉ mới được thực hiện thí điểm ở một số địa phương của  tỉnh ta, nhưng từ ngày 17/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 3069/VPCP – KTTH  đồng ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở rộng việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm hàng tháng qua hệ thống bưu điện từ năm 2013 trên phạm vi toàn quốc. Để mở rộng việc chi trả, vấn đề bây giờ là cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức trong ngành, người hưởng hiểu rõ mục đích, yêu cầu của phương thức chi trả mới, tạo ra sự đồng thuận cao trong người dân. Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên giám sát, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, tháo gỡ kịp thời những khó khăn và giải thích cặn kẽ cho người dân nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho các đơn vị tham gia, cũng như các đối tượng thụ hưởng.

Bài, ảnh: Mỹ Hà

Tin mới