Cân nhắc khi thi vào các trường Công an

(Baonghean) - Ở nước ta, hàng năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Nhưng sự thật trong số đó có nhiều kỹ sư, cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành, trái nghề, trong khi đó, học ngành Công an, Quân đội đầu ra không phải lo.
Đó là lý do khiến những ngành này thành ngành “hót” và nó càng “hót” hơn khi mới đây Bộ Công an hạ tiêu chuẩn sơ tuyển. Nhiều học sinh đang học lớp 12 dù có học lực trung bình, kể cả cận thị cũng nộp hồ sơ dự tuyển. Thực trạng đó khiến nhiều người, kể cả những người trong ngành Công an băn khoăn, ái ngại. Nếu như năm ngoái với tiêu chuẩn sơ tuyển không thay đổi mấy so với năm 2012 thì toàn quốc đã có đến 62.510 thí sinh dự thi vào các trường Công an. 
Dự thi vào khối trường công an bắt buộc phải qua sơ tuyển. Ảnh minh họa: dantri
Dự thi vào khối trường công an bắt buộc phải qua sơ tuyển. Ảnh minh họa: dantri
Kết quả điểm chuẩn của một số ngành thuộc các trường Công an lên tới 27 điểm. Năm nay, các trường Công an vẫn thi 3 chung cùng với Bộ Giáo dục và đào tạo, mỗi môn phải đạt 8 đến 9 điểm thì thí sinh mới có cơ hội “lọt sàng”. Nhiều em vẫn không lấy đó là thông tin tham khảo mà chỉ nghĩ rằng: Học ngành Công an không mất học phí, không mất tiền ăn, ở; ra trường có việc làm ngay với thu nhập tương đối và “oai”. Câu hỏi đặt ra là mấy % thí sinh dự thi được như vậy? Cơ hội nào cho học sinh có học lực trung bình? Ngoài ra, chỉ tính tiền hồ sơ thì mỗi em phải bỏ ra 270.000 đồng. Đặc biệt, một số em bị các tật về mắt thì sau khi sơ tuyển phải đi tia với kinh phí không nhỏ là 14,5 triệu đồng.
Chứng kiến cảnh sơ tuyển tại Công an TP Vinh mới thấy ngành Công an đang “hút” học sinh. Vì sức hút của ngành Công an khiến tiêu cực đã xảy ra. Ngày 2/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, truy tố 7 bị can trong đường dây thi hộ vào trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần CAND về tội làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức. Cầm đầu đường dây này là  Nguyễn Văn Phượng (Hải Dương), ngoài ra còn có các đối tượng Nguyễn Thị Hoà (sinh năm 1967, trú tại Vinh, Nghệ An), Lê Quang Báu (sinh năm 1954, trú ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Đường dây này đã tổ chức thi hộ trót lọt 5 trường hợp năm 2012 và 14 trường hợp năm 2013 với thủ đoạn hết sức tinh vi: cho thí sinh thi hộ ăn ở tập trung và “diễn” thử, chọn người thi hộ có khuôn hình với người có nhu cầu, photoshop ảnh cho gần giống, thí sinh được thi hộ phải rời khỏi địa phương ngày dự thi và tập viết giống chữ người đang đi thi hộ… Kinh phí cho một trường hợp là từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng và có thể cao hơn nếu qua nhiều “cò”. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, thủ đoạn dù có tinh vi nhưng không qua mặt được cơ quan chức năng. Người coi thường pháp luật thì bị truy tố và chờ phán quyết của toà án. Thí sinh được thi hộ đang học ở các trường Công an đã nhận quyết định buộc thôi học: mất tiền, mất thời gian và mất nhiều thứ. 
Thông tin trên khiến những học sinh và phụ huynh muốn con em mình vào trường Công an nhờ “quan hệ” phải giật mình.
Các trường THPT cũng đã tổ chức các kỳ thi thử ĐH cho học sinh lớp 12, các em chỉ cần lấy kết quả này cộng với kết quả học tập 3 môn thuộc khối thi 3 năm THPT thì sẽ đoán được điểm chuẩn của mình, từ đó mà lựa chọn trường, ngành phù hợp với học lực. Ngoài ra phải tính đến phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội 4 năm sau. Không nên chạy theo đám đông trong việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề.
Nguyễn Lương Ngọc 
Trường THPT Nguyễn Trường Tộ

Tin mới