Cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về quy định cấm học sinh dưới 16 tuổi đi xe máy điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Để đảm bảo ATGT, UBND huyện Thanh Chương đã ra Văn bản số 2945 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, trong đó cấm học sinh dưới 16 tuổi đi xe máy điện. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa rõ quy định, chưa phân biệt được xe máy điện, xe đạp điện nên còn lúng túng.

Phụ huynh, học sinh lúng túng

Theo chị N.T.H, xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh (Thanh Chương) cho biết, gia đình đã mua xe máy điện cho con dùng làm phương tiện đi học trong nhiều năm nay. Việc đi xe máy điện rất thuận lợi, vì đi nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, nhất là những hôm trời mưa hoặc nắng to…

Tuy nhiên, mới đây Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Thịnh thông báo học sinh chưa đủ 16 tuổi không được sử dụng xe máy điện nên hiện tại cháu chuyển sang đi xe đạp đến trường. “Lâu nay cháu vẫn sử dụng xe máy điện để đi lại, nhưng không hiểu sao nay lại cấm. Hiện cháu kêu mệt vì phải đạp xe đi học, nhưng gia đình vẫn chưa biết phải sắm loại xe nào thay thế” - chị N.T.H chia sẻ.
Còn chị N.T.N, xóm Hòa Bình, xã Thanh Hòa (Thanh Chương) cũng cho hay: Lâu nay con tôi vẫn sử dụng “xe xạc điện” nhưng từ ngày nhà trường có thông báo không được sử dụng xe máy điện, cùng với đó là quy trách nhiệm của người giao xe, để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nên gia đình không cho cháu sử dụng “xe xạc điện” nữa.

“Thực sự chúng tôi không biết chiếc xe lâu nay cháu đang sử dụng để đến trường mỗi ngày là xe đạp điện hay xe máy điện do mua lại xe cũ tại một ốt sửa xe nhưng nay đã ngừng hoạt động. Xe không có giấy tờ gì, chỉ biết cứ xạc đầy điện là đi”, chị N.T.N bày tỏ.

bna-tu-sau-khi-co-thong-bao-hoc-sinh-truong-tieu-hoc-va-thcs-phong-thinh-hau-nhu-chi-di-xe-dap-den-truong-anh-pv-4634.jpg
Từ sau khi có thông báo, học sinh trường Tiểu học và THCS Phong Thịnh hầu như chỉ đi xe đạp đến trường. Ảnh: Đ.C

Đây cũng là vấn đề khiến nhiều phụ huynh ở xã Phong Thịnh lúng túng. Tìm hiểu thực tế tại Trường Tiểu học và THCS Phong Thịnh: Toàn trường có 290 học sinh THCS và 372 học sinh tiểu học. Trong tổng số các phương tiện các em sử dụng để đi đến trường, có 180 xe điện, gồm cả xe máy điện và xe đạp điện, chủ yếu là học sinh THCS sử dụng. Tuy nhiên, từ ngày có thông báo cấm học sinh dưới 16 tuổi sử dụng xe máy điện đến trường, số học sinh trước đây đi xe máy điện, xe đạp điện đến trường rất ít.
Ông Nguyễn Xuân Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phong Thịnh cho hay: Nhà trường không nhận được thắc mắc nào từ phía phụ huynh, học sinh về quy định cấm học sinh dưới 16 tuổi đi xe máy điện đến trường. Chỉ thấy số xe máy điện, xe đạp điện học sinh trước đây sử dụng làm phương tiện để đến trường ít hơn so với trước đây, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tùng, quy định chỉ cấm học sinh dưới 16 tuổi đi xe máy điện, còn xe đạp điện là phương tiện thô sơ vẫn được sử dụng bình thường. Tuy nhiên, do chưa nắm được quy định, cũng như chưa phân biệt được 2 loại xe này nên cả phụ huynh lẫn học sinh còn lúng túng.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể

Tìm hiểu được biết, vào ngày 22/12/2023, UBND huyện Thanh Chương đã ra Văn bản số 2945/UBND-CA về việc tăng cường công tác bảo đảm ATGT cho học sinh trên địa bàn. Tại văn bản nêu rõ: “Qua theo dõi, thời gian qua tình trạng học sinh tại các trường THCS, THPT sử dụng xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô (viết gọn là xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện) tham gia giao thông gây mất an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến; cá biệt có một số trường hợp chưa đủ 16 tuổi, tuy nhiên vẫn sử dụng các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không gắn biển số tham gia giao thông với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng… dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do một bộ phận học sinh chưa nhận thức, ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Nhiều bậc phụ huynh ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, giao hoặc để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông (giao xe gắn máy, xe máy điện cho con chưa đủ 16 tuổi; giao xe mô tô cho con chưa có giấy phép lái xe…).

Theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương: Từ thực tế đó, huyện ra văn bản gửi các phòng ban, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về giao thông của học sinh. Đặc biệt, có nội dung khẩn trương chỉ đạo các trường học không để học sinh dưới 16 tuổi điều khiển xe máy điện, xe gắn máy đến trường.

bna-7-anh-pv-5477.jpg
Bộ hồ sơ để làm thủ tục đăng ký của xe máy điện. Ảnh: Đ.C

Là cơ quan tham mưu, trước đó vào ngày 18/12/2023, Công an huyện Thanh Chương cũng đã ra Văn bản số 1434/CAH-CSGT về việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông, gửi các trường, trong đó có cả các trường THCS trên địa bàn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, đồng thời để ngăn chặn, kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT, phòng ngừa TNGT, Công an huyện đã đề nghị các trường tuyên truyền cho học sinh về độ tuổi điều khiển phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể tại Khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định độ tuổi của người lái xe quy định như sau: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
Như vậy, hầu hết học sinh các trường THCS chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe máy điện và xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3… Do vậy, Công an huyện Thanh Chương đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản đề nghị các nhà trường tiến hành rà soát, thông báo và nhắc nhở số học sinh chưa đủ độ tuổi theo quy định dừng sử dụng xe máy điện đến trường, chấp hành Luật Giao thông đường bộ và thực hiện nghiêm các quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Thượng tá Trần Việt Thắng - Phó trưởng Công an huyện Thanh Chương

bna-anh-vo-van-ba-chu-cua-hang-sua-xe-tai-xa-phong-thinh-huong-dan-nguoi-dan-cach-phan-biet-xe-may-dien-anh-pv-8935.jpg
Anh Võ Văn Ba, chủ cửa hàng sửa xe tại xã Phong Thịnh hướng dẫn người dân cách phân biệt xe máy điện. Ảnh: Đ.C

Có thể thấy, việc ban hành các văn bản, trong đó có nội dung liên quan đến xe máy điện, không ngoài mục tiêu để ngăn chặn, kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông đối với nhóm đối tượng là học sinh. Cụ thể ở đây là chỉ cấm học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe máy điện, còn xe đạp điện thì không cấm.

Tuy nhiên, chính việc chưa nắm rõ quy định, cũng như chưa phân biệt được như thế nào là xe máy điện, xe đạp điện đã khiến phụ huynh lúng túng. Do vậy, cùng với việc ban hành văn bản, công tác phổ biến tuyên truyền cần được ngành chức năng và các nhà trường quan tâm hơn để người dân biết, thực hiện đúng. Cùng với đó, để chấm dứt tình trạng học sinh chưa đủ tuổi vẫn sử dụng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, ngoài công tác tuần tra xử lý của lực lượng chức năng, cần sự phối hợp đồng bộ từ gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giám sát.

Về việc phân biệt xe đạp điện, xe máy điện, theo Thượng tá Trần Việt Thắng: Người dân nói chung, phụ huynh nói riêng cần nắm rõ xe đạp điện là loại xe thô sơ, có kết cấu bàn đạp, có tốc độ tối đa 35km/h, công suất động cơ không quá 350W; xe máy điện là xe có tốc độ trên 35km/h, công suất động cơ từ 350W trở lên. Điểm dễ phân biệt nhất giữa xe đạp điện và xe máy điện, đó là xe máy điện phải làm thủ tục đăng ký, có biển kiểm soát, trong khi xe đạp điện không cần phải làm những thủ tục này…

Tin mới