Cần tiêu chí về túi nilon thân thiện với môi trường

Gần 2 tháng sau khi Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực, việc đánh thuế đối với túi nilon không thân thiện với môi trường đã được áp dụng. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí rõ ràng cho sản phẩm này nên phần lớn người tiêu dùng lúng túng trong việc phân biệt các sản phẩm túi nilon. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chưa muốn chuyển giao công nghệ.

Theo giải thích của ông Dương Hoàng Tùng, Tổng cục phó Tổng cục Môi trường, túi nilon hiện nay không chỉ được hiểu là các loại túi mỏng vẫn được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn bao gồm cả các loại bao bì, các loại túi nhựa khó phân hủy. Túi nilon thân thiện với môi trường phải được đánh giá ở nhiều tiêu chí, không chỉ dựa vào việc loại túi đó có tự phân hủy hay không thể phân hủy. Nếu quá trình sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường mà sản sinh ra các chất gây hại đến môi trường thì vẫn phải chịu thuế.

                   Túi nilon thân thiện với môi trường. (Nguồn: Internet)

Theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới một vài thế kỷ mới được phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. Sự tồn tại của nó trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.

Trên thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất, khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người, gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Túi nilon làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng, dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng túi nilon được sử dụng ở Việt Nam, nhưng theo một khảo sát của cơ quan môi trường, trung bình, một người Việt Nam trong 1 năm sử dụng ít nhất 30kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Từ năm 2005 đến nay, con số này là 35 kg/người/năm.

Năm 2000, trung bình một ngày, Việt Nam xả khoảng 800 tấn rác nhựa ra môi trường. Đến nay, con số đó là 2.500 tấn/ngày và có thể còn hơn.

Việc đánh thuế đối với các sản phẩm túi nilon là nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm này, tránh tác hại lớn của chúng với môi trường. Nhưng dù có đánh thuế cao thế nào, tiêu chí được đưa ra rõ ràng tới đâu mà người dân vẫn chưa có ý thức sử dụng các sản phẩm này thì những quy định trên vẫn khó mà đem lại hiệu quả như mong muốn./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

Tin mới