Cầu Thanh Nam (Con Cuông) thi công chậm vì vướng giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hàng chục hộ dân kinh doanh tại khu vực chợ Con Cuông chưa được giải phóng khiến việc thi công dự án cầu Thanh Nam bắc qua sông Lam (Con Cuông) bị ảnh hưởng tiến độ. 

Dự án xây dựng cầu Thanh Nam qua sông Lam, huyện Con Cuông kết nối thị trấn với vùng tả ngạn sông Lam, được HĐND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 13 ngày 14/5/2020 và triển khai thực hiện từ tháng 9/2021, với tổng mức đầu tư gần 166 tỷ đồng.

Công trình được thiết kế là cầu vĩnh cửu bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu khoảng 412m, đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 1,78km. Trong đó, đường đầu cầu phía bờ thị trấn (giao với QL7), chiều dài khoảng 0,18km: Đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m; mặt đường rộng 6m, gia cố lề mỗi bên 1,5m bằng kết cấu như kết cấu mặt đường. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước dọc hai bên đường.

Đường đầu cầu phía bờ Thanh Nam (giao với ĐT.541), chiều dài khoảng 1,6km là đường cấp IV miền núi nền đường rộng 7,5m; mặt đường rộng 5,5m, gia cố lề mỗi bên 0,5m bằng kết cấu như kết cấu mặt đường. Cầu được thiết kế tải trọng theo tiêu chuẩn HL93.

Dự án cầu Thanh Nam qua sông Lam (Con Cuông) đến cuối tháng 2/2023 đã hoàn thành 9/11 trụ và 2 mố cùng toàn bộ cấu kiện dầm. Ảnh: Quang An
Dự án cầu Thanh Nam qua sông Lam (Con Cuông) đến cuối tháng 2/2023 đã hoàn thành 9/11 trụ và 2 mố cùng toàn bộ cấu kiện dầm. Ảnh: Quang An

Đến cuối tháng 2, dự án cầu Thanh Nam qua sông Lam (Con Cuông) đã hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn: 9/11 trụ, 2 mố cầu và toàn bộ phần cấu kiện dầm cũng đã được hoàn thành. Một chiếc cầu vĩnh cửu bằng bê tông, cốt thép bắc qua sông Lam tại địa bàn thị trấn Con Cuông đang dần hiện rõ.

Tuy nhiên, đường lên hai đầu cầu chưa được thi công, trong khi theo kế hoạch đến tháng 9 này là hoàn thành sau 2 năm thi công. Đơn vị thi công cho biết, do địa phương chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng nên nhà thầu chưa thể triển khai hạng mục đường lên cầu, gây khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên, vật liệu vào công trình.

Do chưa giải phóng mặt bằng đường lên hai đầu cầu nên đơn vị thi công không đẩy nhanh được tiến độ. Ảnh: Xuân Hoàng
Do chưa giải phóng mặt bằng đường lên hai đầu cầu nên đơn vị thi công không đẩy nhanh được tiến độ. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong đó, vướng mắc lớn nhất là đầu cầu phía bờ thị trấn (giao với QL 7A) dài khoảng 200m, có hàng chục hộ dân phải di dời, nhưng đến nay chưa giải tỏa được hộ nào; Đường đầu cầu phía bờ Thanh Nam (giao với ĐT.541), chiều dài khoảng 1,6 km cũng đang vướng một số hộ và đất lâm nghiệp.

"Nếu như địa phương kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng thì đơn vị thi công không thể đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch, cùng đó vấn đề giải ngân vốn cũng bị ảnh hưởng", đại diện nhà thầu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông, cầu Thanh Nam được triển khai thực hiện từ tháng 9/2021, đến cuối năm 2022 đã giải ngân được gần 95 tỷ đồng, đạt 100%. Tuy nhiên, hiện nay công trình dự án đang gặp khó khăn do chưa giải phóng được mặt bằng. Toàn bộ các hộ kinh doanh tại khu vực chợ Con Cuông thuộc diện phải di dời để lấy đất làm đường lên cầu đến nay chính quyền địa phương chưa giải tỏa được.

Đường phía bờ Thanh Nam dài gần 2km đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Ảnh: Quang An
Đường phía bờ Thanh Nam dài gần 2km đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Ảnh: Quang An

Trao đổi với PV, các hộ kinh doanh thuộc diện phải di dời để lấy mặt bằng tại khu vực chợ Con Cuông cho biết, từ hàng chục năm nay, cuộc sống của đa số các gia đình ở đây mưu sinh từ kinh doanh buôn bán. Do vậy, chính quyền địa phương cần bố trí nơi ở mới thuận lợi cho việc kinh doanh để bà con ổn định cuộc sống lâu dài.

Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Con Cuông cho biết: Tuyến đường lên cầu phía thị trấn Con Cuông có 42 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó có 4 hộ dân thuộc diện nhà ở, thì 3 hộ buộc phải di dời, huyện đã bố trí đất ở nơi tái định cư mới. Riêng 38 ki ốt kinh doanh thuộc đất Nhà nước quản lý. Hiện nay Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đã tiến hành kê khai, kiểm đếm tài sản, lập hồ sơ để tiến hành đền bù theo quy định.

Đường phía bờ thị trấn nối với QL 7A đến nay chưa giải phóng được 38 hộ dân kinh doanh tại khu vực chợ Con Cuông. Ảnh: Xuân Hoàng
Đường phía bờ thị trấn nối với QL 7A đến nay chưa giải phóng được 38 hộ dân kinh doanh tại khu vực chợ Con Cuông. Ảnh: Xuân Hoàng

Khu vực chợ Con Cuông cũ diện tích chỉ có 6.000m2, chợ cũng không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, chợ mới chưa có nhà đầu tư, nên rất khó cho huyện trong việc bố trí địa điểm kinh doanh mới cho 38 hộ kinh doanh này. Tuy nhiên, huyện sẽ tiến hành giải tỏa, phấn đấu hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trước ngày 30/4 tới. Những chính sách hỗ trợ người dân được áp dụng theo Quyết định số 24/2022 của UBND tỉnh.

Theo Điều 25 của Quyết định số 24/2022 của UBND tỉnh Nghệ An: Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở.

Cụ thể: Đối với hộ gia đình có từ 5 khẩu trở lên: Hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ bằng 50% một năm thu nhập sau thuế (theo mức thu nhập bình quân/năm của ba năm liền kề trước đó). Đối với hộ gia đình có 4 khẩu trở xuống: Hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ bằng 30% một năm thu nhập sau thuế (theo mức thu nhập bình quân/năm của 3 năm liền kề trước đó). Thu nhập sau thuế được xác định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chợ Con Cuông diện tích hẹp, nên những hộ dân đang kinh doanh trong khu vực chợ thuộc diện phải giải phóng mặt bằng lo lắng sẽ không có chỗ để vào kinh doanh. Ảnh: Quang An
Chợ Con Cuông diện tích hẹp, nên những hộ dân đang kinh doanh trong khu vực chợ thuộc diện phải giải phóng mặt bằng lo lắng sẽ không có chỗ để vào kinh doanh. Ảnh: Quang An

Cầu Thanh Nam là dự án trọng điểm, cấp bách của huyện Con Cuông nhằm góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

Vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Đây cũng là giải pháp để việc giải ngân vốn đầu tư công được triển khai kịp thời trên địa bàn huyện Con Cuông nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung./.

Tin mới