Gạo Khẩu cẩm xẳng Con Cuông được đề nghị cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Huyện Con Cuông đang phối hợp với các sở, ngành hoàn thành hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ và các bộ, ngành liên quan cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho gạo Khẩu cẩm xẳng - một giống gạo tím truyền thống của người dân huyện Con Cuông.

Thông tin trên được Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông Lô Văn Lý cho biết.

Hiện nay, gạo Khẩu cẩm xẳng đang được trồng thử nghiệm tại xã Mậu Đức và xã Thạch Ngàn. Thời gian tới, cùng với hoàn thành các thủ tục hồ sơ xin cấp chỉ dẫn địa lý, huyện sẽ mở rộng quy mô trồng tại các địa phương khác gồm các bản: Đồng Tiến, Chôm Lôm, Yên Hòa (xã Lạng Khê); bản Ổi, bản Lam Khê (xã Chi Khê); thôn Tân Hòa, thôn Thành Nam, bản Thanh Đào, bản Khe Rạn (xã Bồng Khê); xã Mậu Đức, xã Thạch Ngàn, xã Đôn Phục, xã Cam Lâm, xã Bình Chuẩn.

Các đại biểu tham quan mô hình giống lúa nếp cẩm tại cánh đồng bản Nà Đười, xã Mậu Đức. Ảnh: Bá Hậu
Các đại biểu tham quan mô hình giống lúa nếp cẩm tại cánh đồng bản Nà Đười, xã Mậu Đức. Ảnh: Bá Hậu

Khẩu cẩm xẳng là giống lúa cổ truyền của người dân tộc Thái, huyện Con Cuông, được Trung tâm Tài nguyên thực vật lưu giữ giống từ năm 2011 với số đăng ký là GBVN 018073. Nguồn gốc xa xưa của lúa Khẩu cẩm xẳng là lúa nương nhưng đã được thuần hóa trồng trong điều kiện ruộng nước từ nhiều năm nay. Lúa Khẩu cẩm xẳng trồng được cả vụ xuân và vụ mùa.

Đây là giống lúa nếp được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày, cách nấu truyền thống mà hiện nay người dân huyện Con Cuông vẫn áp dụng như: Hong cơm (nấu cơm) trên bếp củi và sử dụng nồi truyền thống. Cơm chín để nguội, đơm vào hộp làm bằng mây, tre mang đi làm đồng ăn cả ngày, thường được ăn cùng với muối vừng hoặc muối chẳm chéo.

Ngoài ra, trong dịp lễ hội hay ngày Tết tại địa phương, không thể thiếu sản phẩm bánh chưng hay rượu nếp cẩm. Đối với người dân tộc Thái huyện Con Cuông, sản phẩm từ gạo nếp này còn có ý nghĩa tâm linh, ngày Tết phải có ít nhất một sản phẩm như rượu nếp cẩm hay bánh chưng nếp cẩm thì cả năm mới sẽ sung túc, đầy đủ và may mắn.

Giống lúa Khẩu cẩm xẳng của huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu
Giống lúa Khẩu cẩm xẳng của huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu

Gạo Khẩu cẩm xẳng chủ yếu được tiêu thụ tại huyện Con Cuông, phục vụ khách du lịch. Hiện nay, khách hàng ở nơi khác (Hà Nội và các tỉnh khác) biết đến gạo Khẩu cẩm xẳng thường đặt mua. Giá bán gạo Khẩu cẩm xẳng có nguồn gốc tại huyện Con Cuông thường có giá bán cao hơn từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với các loại gạo Khẩu cẩm xẳng trồng tại nơi khác. Người tiêu dùng mua sản phẩm tại huyện Con Cuông thường dùng làm quà biếu và sử dụng do gạo có đặc tính tốt cho người ăn kiêng và thiếu máu (vì có hàm lượng Fe và Zn ở mức cao).

Theo các nhà chuyên môn, tài nguyên đất ở huyện Con Cuông khá đa dạng, trong đó, loại đất để trồng lúa Khẩu cẩm xẳng là loại đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước (Fl): Có diện tích 598 ha, chiếm 0,34% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đây là loại đất được hình thành trên nền đất Feralit trên các loại đá mẹ khác nhau, đá phiến sét, đá biến chất, đá sa thạch… được con người khai phá thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước.

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Gạo Khẩu cẩm xẳng có giá trị sản xuất cao so với các giống lúa khác; giá bán gạo Khẩu cẩm xẳng cao hơn 2 lần so với giá gạo tẻ và 1,5 lần so với giá gạo nếp tại địa phương. Gạo Khẩu cẩm xẳng có chất lượng tốt, có hình dạng hạt thon dài (mặc dù là lúa nếp), màu tím; hàm lượng các chất dinh dưỡng có giá trị (anthocyanin, omega, protein, chất xơ, vitamin B1) cao hơn so với nhiều giống gạo khác.

Tin mới