Cây chè Nghệ An và những thách thức khi hội nhập TPP

(Baonghean) - Nghệ An có vùng nguyên liệu khá lớn, hạ tầng đồng bộ, đã hình thành được chuỗi giá trị giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ... là những lợi thế khi gia nhập TPP. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ đòi hỏi phải có sự chuyển mình mạnh mẽ, những giải pháp mới, đồng bộ.

Phát huy lợi thế

Thu hoạch chè ở Tổng đội TNXP 5 (Thanh Chương). 	Ảnh: P.V
Thu hoạch chè ở Tổng đội TNXP 5 (Thanh Chương). Ảnh: P.V
Hiện tại Nghệ An có vùng nguyên liệu khá lớn, khoảng 8.000 ha chè với giống mới đạt năng suất và chất lượng khá cao. Theo Sở NN&PTNT, phấn đấu đến năm 2020 cả tỉnh ổn định với diện tích trồng chè 10.000 ha. Như vậy, khẳng định tỉnh có tiềm năng và tập trung nguồn hàng chế biến - xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Cùng với đó, hạ tầng vùng chè tương đối đồng bộ, các vùng chè tập trung dọc theo các tuyến đường lớn: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 7 thuộc các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông. Giao thông nội vùng thuận lợi, tại các vùng nguyên liệu gắn các nhà máy chế biến, hình thành cụm nông - công nghiệp, có đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Mô hình tổ chức sản xuất gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ, hiện tại chủ yếu là xuất khẩu. Hình thành chuỗi giá trị giữa sản xuất nguyên liệu, chế biến và thương mại được cho là phù hợp với yêu cầu thống nhất quản lý từ sản xuất đến tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu thị trường. 
Chế biến chè ở Nhà máy chè Hùng Sơn (Anh Sơn).	Ảnh: Công Sáng
Chế biến chè ở Nhà máy chè Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Sáng
Toàn tỉnh hiện có 86 dây chuyền chế biến chè với tổng công suất thiết kế 602 tấn búp tươi/ngày. Năm 2015, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh khoảng 67.394 tấn, sản lượng chế biến đạt 12.000 tấn chè búp khô các loại. Trong đó, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An thu mua chế biến 32.000 tấn nguyên liệu, sản lượng chế biến đạt 6.400 tấn. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến còn lại thu mua chế biến 35.394 tấn nguyên liệu, sản lượng chế biến 5.600 tấn. 
Tìm hiểu được biết, hiện tại chè Việt Nam vào các nước TPP mới chỉ đạt 10 - 12% tổng sản lượng xuất khẩu, vì vậy cơ hội còn rất lớn, nhất là thị trường Nhật và Mỹ. Cùng với đó, gia nhập TPP tăng cường cơ hội tiếp cận vốn, khoa học công nghệ của các nước tiên tiến.
Và những thách thức
Hướng dẫn người dân tái định cư (Ngọc Lâm, Thanh Chương) ươm chè giống. Ảnh: Hải Thượng
Hướng dẫn người dân tái định cư (Ngọc Lâm, Thanh Chương) ươm chè giống. Ảnh: Hải Thượng
Chè là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của nông sản Nghệ An, nhưng việc quản lý chất lượng sản phẩm này đang gặp khó khăn; nông dân sản xuất tự phát không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khi chúng ta tham gia “sân chơi” lớn. Với 86 dây chuyền chế biến, tổng công suất thiết kế 602 tấn búp tươi/ngày, khó khăn đặt ra là nguyên liệu không đủ nên nhiều nhà máy chạy chưa đủ công suất thiết kế.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV ĐT - PT chè Nghệ An đạt 58% công suất thiết kế, các cơ sở chế biến chè còn lại thì chỉ đạt 40 - 45%. Việc các cơ sở chế biến tư nhân sản xuất theo phong trào dẫn đến tổng công suất chế biến chè hiện nay vượt quá 2 lần so với sản lượng nguyên liệu, gây mất cân đối giữa công nghiệp chế biến và sản xuất nguyên liệu.
Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Việc quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu gắn các nhà máy chế biến đang phân tán. Có quá nhiều nhà máy, cơ sở chế biến trên một vùng nguyên liệu. Công suất gấp 2 - 2,5 lần sản lượng nguyên liệu hiện có, các cơ sở chế biến tư nhân tranh mua làm cho việc quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó khăn”. 
Ngoài ra, thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, giá thành sản phẩm cạnh tranh đang là thách thức lớn nhất khi vào các thị trường lớn. Hạn chế về trình độ lao động và nguồn nhân lực, thiếu lao động có tay nghề cao, quản trị giỏi cũng là thách thức không nhỏ khi tham gia vào thị trường TPP.
Cây chè mang nguồn thu nhập 16 tỷ đồng mỗi năm cho người dân Hùng Sơn.
Cây chè mang nguồn thu nhập 16 tỷ đồng mỗi năm cho người dân Hùng Sơn.
Theo đánh giá chung, tác động của TPP đối với ngành chè thì cơ hội nhiều hơn thách thức, tuy  nhiên, nếu không nhanh chóng giải quyết các vấn đề thách thức và tận dụng cơ hội thì khó cải thiện được tình hình.
cần đầu tư chiều sâu và tìm kiếm thị trường
Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để chè Nghệ An cạnh tranh được khi hội nhập TPP cần tập trung đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng vườn chè. Trong sản xuất phải đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản phẩm. Tập trung cho liên kết nâng cao năng lực các hộ sản xuất, thực hiện liên kết chặt chẽ giữa nhà máy và người cung cấp nguyên liệu đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Quản lý an toàn thực phẩm tốt để có thể vào được thị trường chất lượng, an toàn cao. Cùng với đó là cơ cấu bộ giống mới có năng suất chất lượng tốt giúp phát triển bền vững. 
Một giải pháp cũng hết sức quan trọng là tìm kiếm thị trường, phát triển thị trường mới trong TPP nhất là thị trường châu Âu, thị trường Nhật, Mỹ. Khi đã có bạn hàng cần giữ chữ tín trên thị trường, xây dựng niềm tin với khách hàng để hợp tác lâu dài.
Và giải pháp nữa là đổi mới mô hình quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp. Ngành chè cần đi đầu trong thực hiện việc chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm thu hút và tạo nguồn lực mới để đẩy nhanh phát triển. Từ đó, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững và đảm bảo đời sống, việc làm, các chế độ chính sách đối với người lao động trong quá trình tham gia vào thị trường TPP.
Thu Huyền

Tin mới