Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là giấy tờ được sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cần chứng minh bản thân có án tích hay không, đồng thời hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự… Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP, đặc biệt là phiếu LLTP số 2.

Hiện tượng lạm dụng

Luật Lý lịch tư pháp quy định, có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp do các cơ quan tư pháp cấp, mỗi loại phục vụ mục đích khác nhau, cung cấp một số thông tin khác nhau.

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp. Phiếu này cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam; cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu cấp phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại Khoản 2, Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp (tức là cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Quy định rõ là vậy, nhưng thực tế, trong rất nhiều lĩnh vực vẫn có hiện tượng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp. Anh Đ.H.T. ở xã Nghi Kim, thành phố Vinh cho biết: “Tôi chạy xe công nghệ, sau 6 tháng làm việc phải có phiếu mới để chứng minh cá nhân trong sạch, dù tôi vẫn làm việc bình thường tại doanh nghiệp. Phiếu LLTP nhằm xác minh người đó còn án tích hay không, phục vụ công tác quản lý nhân sự của doanh nghiệp khi người lao động nộp hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, một khi đã vào làm việc tại đơn vị rồi mà một thời gian sau vẫn phải xin phiếu LLTP mới là bất hợp lý, vừa tốn kém, vừa mất thời gian cho người lao động”.

bna_Nghệ An là 1 trong 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. ảnh pv.jpg
Nghệ An là 1 trong 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Ảnh: Đ.C

Thậm chí, nhiều nơi còn lạm dụng yêu cầu phiếu LLTP số 2. Anh N.Đ.Th. trú tại huyện Quế Phong cho biết, cách đây trên 10 năm, anh theo đám bạn gây gổ đánh người, dù không trực tiếp nhưng sự việc đã khiến 1 người tử vong. Sau đó, mỗi người trong nhóm của anh Th. đều phải trả giá bằng các mức án phạt tù khác nhau về tội "Giết người". Sự việc khiến anh Th. ăn năn, ám ảnh mãi. Chấp hành xong án phạt tù, anh Th. sống lương thiện bằng công việc chăn nuôi, trồng trọt, những khi rãnh rỗi anh đi phụ hồ, bốc vác… với mong muốn có thu nhập, đồng thời quên đi quá khứ lầm lỡ. Câu chuyện anh từng đi tù cũng dần chìm vào dĩ vãng, nhất là khi anh đã được xóa án tích.

Tuy nhiên, mới đây, có người quen giới thiệu việc làm cho anh ở khu công nghiệp tại địa bàn huyện Nghi Lộc, nhưng doanh nghiệp này yêu cầu phải có phiếu LLTP số 2. Theo anh N.Đ.Th, khi nhận phiếu LLTP số 2 anh mới biết, phiếu này ghi đầy đủ án tích dù đã được xóa. “Vì không muốn xới lại nỗi đau thêm lần nữa, không muốn người khác biết việc trước đây mình đã từng đi thụ án, bởi những định kiến của xã hội, tôi đành từ bỏ công việc này", anh Th. ngậm ngùi bày tỏ.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Theo bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Nghệ An là địa phương có dân số đông, số lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP đứng thứ 3 cả nước; nhu cầu cấp phiếu LLTP của người dân, cơ quan, tổ chức ngày càng tăng. Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 80.215 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP; 3 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận 19.511 hồ sơ.

2.jpg
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong thời gian qua, công tác cấp phiếu LLTP đã được quan tâm, dần đi vào nề nếp, cơ bản đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức cũng như người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác cấp phiếu LLTP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn nhiều thủ tục hành chính quy định phải có phiếu LLTP. Một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP, đặc biệt là phiếu LLTP số 2, gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Ảnh hưởng quyền được pháp luật bảo đảm bí mật đời tư cá nhân, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích. Đồng thời, gây nên ùn tắc, quá tải trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP tại một số thời điểm.

Vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Lan, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người và dân doanh nghiệp, ngày 11/8/2023, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 6714/UBND-KSTT về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả công tác LLTP trên địa bàn tỉnh.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP, đặc biệt là phiếu LLTP số 2 trái quy định, ngày 22/9/2023, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 1795/STP-VP về việc thực hiện đúng pháp luật về cấp phiếu LLTP. Theo đó, đề nghị giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đúng quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 7, Luật Lý lịch tư pháp; chấm dứt tình trạng yêu cầu người dân nộp phiếu LLTP không thuộc các trường hợp pháp luật quy định.

Đồng thời, Sở Tư pháp phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu LLTP theo danh mục thủ tục hành chính có yêu cầu cấp phiếu LLTP (ban hành kèm theo Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ đề xuất cắt giảm yêu cầu nộp phiếu LLTP không phù hợp, trên cơ sở kết quả rà soát của các cơ quan, đơn vị, Sở Tư pháp tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Văn phòng Chính phủ kết quả rà soát, kiến nghị cắt giảm quy định thủ tục hành chính liên quan đến phiếu LLTP. Trong đó, đề xuất cắt giảm 16/48 thủ tục (5/22 thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp; 2/17 thủ tục thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; 9/9 thủ tục thuộc lĩnh vực nội vụ), chiếm tỷ lệ 33,33%.

Như vậy, có thể thấy việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP là một thực tế. Bởi vậy, cùng với những giải pháp đã được triển khai, thiết nghĩ, cần tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các quy định pháp luật, về quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP, về cấp phiếu LLTP trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về mục đích, vai trò của phiếu LLTP; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội về quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP. Tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm các thủ tục hành chính có yêu cầu phiếu LLTP.

Đồng thời, với các giải pháp trên, phải kết hợp với xử phạt việc lạm dụng phiếu LLTP. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tư pháp, trong Nghị định 82 về xử phạt vi phạm hành chính không có chế tài xử phạt điều này. Vì thế, cần nghiên cứu bổ sung chế tài đủ mạnh để xử lý các cơ quan, đơn vị lạm dụng việc yêu cầu người dân xuất trình phiếu LLTP không đúng quy định.

Tin mới