Chênh lệch thu nhập ngày càng tăng

Thu nhập từ nông nghiệp của một bộ phận nông dân đang giảm và chênh lệch thu nhập càng giãn ra, trong khi đó chất lượng bữa ăn của nhiều hộ nông dân tại một số nơi có dấu hiệu giảm... 
 
Đây là một trong những nội dung của kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhóm nghiên cứu kinh tế phát triển Đại học Copenhagen(Đan Mạch) công bố 6-7. 

Chất lượng bữa ăn giảm
 
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, từ năm 2008-2010 là thời gian kinh tế biến động nên báo cáo năm 2010 có mục đích làm sáng tỏ thực trạng tại khu vực nông thôn VN. Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ hộ nghèo nói chung đã giảm từ 20% năm 2008 xuống 16% năm 2010. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số hộ nghèo tại một số tỉnh lại đang tăng lên cao hơn cả mức năm 2006, trong đó có Long An, Khánh Hòa, Điện Biên, trong khi số hộ nghèo tại các tỉnh khó khăn như Lai Châu lại giảm rất mạnh, tới 20%, Phú Thọ giảm 12%...
 

"Thời gian qua ta mua tạm trữ nông sản giúp nông dân nhưng thời điểm đưa ra đôi khi có vấn đề, có khi vào lúc nông dân đã cơ bản bán hết rồi, còn lại chủ yếu toàn ở trong tay nhà thu gom, đầu cơ"
Ông Lưu Đức Khải

Một chỉ số được coi là rất quan trọng đã được nhóm nghiên cứu khảo sát kỹ, đó là tình trạng không có đất của nông dân. Kết quả có tới 6% số hộ không hề có mảnh đất nông nghiệp nào và tỉ lệ này được duy trì nhiều năm nay. Mức độ nông dân không có đất tại các tỉnh cũng khác nhau, nhiều tỉnh cao đáng lo ngại như Đắk Lắk gần 9%, Long An 9,4%, Đắk Nông 5,8%. Đặc biệt là Khánh Hòa, có tới 18,4% số hộ nông dân không có đất canh tác.

 

Để tìm hiểu chất lượng bữa ăn của hộ dân nông thôn, nhóm nghiên cứu đã hỏi người dân có dùng 11 nhóm lương thực, thực phẩm trong 24 giờ và kết quả khá bất ngờ: các hộ gia đình tại địa bàn Quảng Nam, Hà Tây cũ, sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn giảm xuống rõ nét. Trong khi đó, sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn thấp nhất và đa dạng nhất là các tỉnh Khánh Hòa, Phú Thọ... Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, chỉ có sự cải thiện nhỏ trong chế độ ăn của các hộ nhưng chênh lệch rất lớn giữa chế độ ăn nghèo nàn tại các tỉnh miền núi phía Bắc so với mức trung bình các tỉnh khác.

 

Báo cáo cũng cho biết các hộ dân nông thôn năm 2010 đã phải tham gia nhiều hoạt động để có thu nhập hơn. Điều này cho thấy người dân phải tìm và làm nhiều việc hơn để duy trì cuộc sống trước khó khăn. GS Finn Tarp thuộc Đại học Tổng hợp Copenhagen đánh giá đây chính là nguy cơ vì một khi phải làm nhiều việc, người nông dân mất đi cơ hội tăng quy mô, kỹ năng để sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, lợi nhuận.

 

Tạo thêm việc làm cho nông dân

 

Theo ông Lưu Đức Khải - trưởng ban chính sách phát triển nông thôn (CIEM), thành viên nhóm nghiên cứu, trước các kết quả cuộc điều tra, nhóm nghiên cứu đang đánh giá để đề xuất các chính sách. Hiện các hộ càng nghèo thì càng phụ thuộc vào nông nghiệp, trong khi thu nhập từ nông nghiệp đang có dấu hiệu giảm nên đòi hỏi nhà làm chính sách nhập cuộc ngay để tránh tình trạng bần cùng hóa một bộ phận nông dân, đặc biệt những người do gặp rủi ro, không may mắn, ốm đau.

 

Cũng theo ông Khải, diện tích đất nông nghiệp đang giảm mạnh do sự phát triển công nghiệp. Mặc dù Nhà nước có những chính sách đền bù và hỗ trợ học nghề nhưng việc giảm diện tích đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng mạnh đến sinh kế của nông dân. Vì vậy, ông Khải cho rằng cần quan tâm làm sao tạo việc làm cho nông dân tại chính nông thôn với các dự án chế biến nông sản, thực phẩm, tránh để họ phải ra thành phố trong khi thiếu kiến thức, năng lực, dễ bị gạt ra ngoài lề.

 

GS Finn Tarp cho rằng nông dân VN đang chịu rất nhiều rủi ro, đặc biệt từ thời tiết, giá cả giống, phân bón biến động mạnh. “Thị trường hoạt động không hoàn hảo, có thể rất tốt với người có thế lực, khó với người dễ tổn thương”, vì vậy việc tăng khả năng chống đỡ rủi ro cho nông dân, đặc biệt là việc bảo hiểm cho nông nghiệp, cần được đẩy nhanh.

 

Ông Finn Tarp công nhận người VN đang trở nên giàu hơn nhưng nhấn mạnh công cuộc đổi mới chưa hoàn thành. “Đất của VN vẫn rất manh mún. Cần phát triển thị trường đất đai ở nông thôn vì nếu người dân có thể mua bán ruộng dễ hơn thì đất sẽ được dùng hiệu quả hơn” - ông Finn Tarp nói.

Thu nhập từ 42-114 triệu đồng/hộ/năm

Theo khảo sát, nếu năm 2008 mỗi hộ chỉ thu nhập 52,7 triệu đồng/năm thì năm 2010 đã tăng lên 80,9 triệu đồng/năm. Mức thu nhập bình quân thấp nhất là Quảng Nam với trung bình chỉ 42 triệu đồng/hộ/năm, tiếp đến là Lai Châu 46 triệu đồng/hộ/năm. Cao nhất là Long An với 114 triệu đồng/hộ/năm. Mức thu nhập này thực tế không phải là cao vì mỗi hộ nông dân thường có 4-5 người. Theo ông Lưu Đức Khải, thực trạng nông thôn hiện nay là chênh lệch thu nhập đang ngày càng tăng và ngay trong bộ phận nông dân, mức chênh lệch thu nhập cũng đang giãn ra. 
 
Theo Tuổi trẻ

Tin mới