Chủ động phòng chống sâu cuốn lá lứa 5

(Baonghean) - Thời tiết từ giữa tháng 7 đến nay, mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ phát triển trên diện rộng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực dập dịch sâu cuốn lá, bảo vệ mùa vụ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở xóm 2, xã Diễn Thái, Diễn Châu gieo trồng 6 sào lúa, giai đoạn trên 45 ngày tuổi xuất hiện sâu cuốn lá lứa 4 chiếm khoảng 30%. Sau khi xã thông báo lịch, chỉ dẫn, anh tiến hành phun trừ. Tuy nhiên theo anh Tuấn, phần lớn sâu đã kháng thuốc, xuất hiện với mật số cao, nông dân khá vất vả và tốn nhiều chi phí, công sức phòng trị.

Nông dân phun thuốc trừ sâu cuốn lá.
Nông dân phun thuốc trừ sâu cuốn lá. Ảnh: Đình Hà
Nhộng con của sâu cuốn lá.Ảnh: Xuân Hoàng
Nhộng con của sâu cuốn lá. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhiều diện tích tại huyện Diễn Châu sau khi hoàn thành phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 thì sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 bùng phát trên lúa hè thu từ ngày 18 - 23/7 với diện tích 6.800/9.200 ha. Giai đoạn này lúa đã kết thúc đẻ nhánh, bước vào làm đòng, nếu bị sâu phá hại sẽ gây thiệt hại nặng về năng suất và có thể mất trắng. Để chủ động trong việc phòng trừ sâu cuốn lá lứa 5, UBND huyện chỉ đạo các ngành trong khối nông nghiệp triển khai tới các xã tích cực kiểm tra thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu cuốn lá nhỏ, tổ chức phun phòng trừ sớm khi sâu mới nở bằng các loại thuốc đặc hiệu, qua đó, có thể kiểm soát hiệu quả, tránh để sâu phát triển phải phun nhiều lần.

Đến thời điểm này cơ bản Diễn Châu đã dập dịch được các diện tích nhiễm sâu cuốn lá. Có trên 75 ha bị bạc lá do sâu cuốn lá tập trung ở các xã vùng hạn nặng là Diễn Lâm, Diễn Đoài. Huyện đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục bám sát theo dõi dự báo, phòng trừ sâu bệnh trên 200 ha lúa mùa muộn.

Còn ở địa bàn huyện Yên Thành có nhiều địa phương bị nhiễm sâu cuốn lá lứa 5. Chị Nguyễn Thị Ngà ở xóm Lộc Thành, xã Nam Thành, cho biết: “Khi phát hiện sâu cuốn lá nở lứa 5, chúng tôi thường xuyên đi thăm đồng, mật độ sâu khá cao, gia đình mua thuốc phun phòng trừ theo hướng dẫn của địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cung cấp thêm thông tin: “Sâu cuốn lá lứa 5 toàn huyện bị nhiễm hơn 8.000/11.300 ha lúa. Huyện đã kịp thời chỉ đạo Trạm BVTV bám cơ sở để phối hợp với chính quyền địa phương, khoanh vùng, hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. 

Cán bộ Trạm Trồng trọt - BVTV Yên Thành phối hợp với địa phương thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ để hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời. Ảnh: Xuân Hoàng
Cán bộ Trạm Trồng trọt - BVTV Yên Thành phối hợp với địa phương thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ để hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời. Ảnh: Xuân Hoàng

Qua trao đổi, ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh có 16.168 ha lúa hè thu nhiễm sâu cuốn lá. Trong đó, 2.525 ha nhiễm nhẹ, 4.210 ha nhiễm trung bình và 9.433 ha nhiễm nặng.

Vùng trọng điểm, Yên Thành có 2.500 ha, Diễn Châu 6.460 ha, Quỳnh Lưu 6.255 ha. Dự báo của Chi cục BVTV tỉnh, từ nay đến cuối vụ, các loại sâu hại như: Sâu cuốn lá lứa 6, bạc lá, khô vằn... tiếp tục phát sinh gây hại, đe dọa trực tiếp đến năng suất chất lượng sản phẩm lúa. Khả năng từ ngày 18/8 sẽ xuất hiện tiếp sâu cuốn lá lứa 6, chủ yếu trên diện tích lúa mùa, lúa hè thu muộn bị hạn, khoảng trên 24.000 ha.

Vì vậy để thực hiện phòng trừ sâu bệnh giai đoạn này bà con nông dân cần sử dụng những loại thuốc phù hợp và phải thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của sâu bệnh cuối vụ phát sinh để phòng trừ hiệu quả. Diễn biến sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện gây hại trên cây lúa rất phức tạp, vì vậy, người dân cần tuân thủ theo đúng những khuyến cáo của cơ quan chức năng về thời gian, liều lượng, loại thuốc cần phun trừ để bảo vệ mùa vụ.

Chi cục Trồng trọt - BVTV khuyến cáo: Để đảm bảo hiệu quả phòng trừ và tránh sử dụng thuốc tràn lan trên diện rộng gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, yêu cầu các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu từ 50 - 100 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, 30 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ làm đòng. 

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Tin mới