Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Nghi Lộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 05/08/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Nghi Lộc triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.

bna-nl-560.jpg
Diện mạo mới ở huyện Nghi Lộc. Ảnh: TH

Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và xác định được vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện, công tác chuyển đổi số được huyện Nghi Lộc xác định dựa trên 3 trụ cột chính: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đối với chính quyền số, huyện đẩy mạnh triển khai một số nội dung, mang lại kết quả tích cực. Trung tâm hành chính công huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đẩy mạnh tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ thủ tục hành chính.

Trong năm 2023, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của Nghi Lộc tăng lên 10,8%, đứng thứ nhất toàn tỉnh (tăng 6,7% so với 5 tháng đầu năm; tỷ lệ hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính đạt 100%); số lượt chứng thực điện tử đứng thứ 5 trên toàn tỉnh (tăng 6 bậc). Huyện đã xây dựng thành công mô hình chuyển đổi số cấp xã tại xã Khánh Hợp; năm 2023 đang triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã tại 6 xã: Nghi Lâm, Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Thuận, Nghi Thái, Phúc Thọ.

bna-cxx-4505.jpg
Huyện Nghi Lộc tổ chức hội nghị trực tuyến. Ảnh: TH

Hiện nay, 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn Nghi Lộc đã được truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu, quảng bá, giao dịch thương mại điện tử thông qua ứng dụng trực tuyến/sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Đặc biệt, với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các thôn, xóm, bản, khối. Đến nay 100% các xóm, tổ dân phố (250/250 thôn, xóm) của 29/29 xã, thị trấn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng nhằm hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực có kết quả khả quan như việc ứng dụng các phần mềm công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, rà soát làm sạch dữ liệu dân cư quốc gia; triển khai số hóa hồ sơ, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hệ thống Một cửa điện tử; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ; thực hiện việc thanh toán phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến không dùng tiền mặt đối với 100% thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí...

bna-ccc-2-8884.jpg
Huyện Nghi Lộc tập trung cải cách hành chính. Ảnh: Lâm Tùng

Để làm tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn, xã Nghi Văn tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng, đảm bảo các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến người dân.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Minh ở xóm 5, xã Nghi Văn sử dụng điện thoại thông minh chỉ biết thao tác nghe, gọi điện cho bạn bè và người thân. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, đến nay bà Minh đã sử dụng thông thạo điện thoại để vào mạng internet, cập nhật tin tức và ứng dụng nhiều kiến thức hay trong phát triển kinh tế.

“Từ khi biết sử dụng internet trên điện thoại, tôi được mở mang thêm kiến thức. Từ đó, gia đình áp dụng vào thực tiễn và đạt được kết quả như mong đợi, kinh tế gia đình từng bước phát triển, năng suất chăn nuôi đạt cao, thu nhập ổn định hơn trước”, bà Minh nói.

bna-ccc-1-3137.jpg
Kiểm tra công tác cải cách hành chính ở huyện Nghi Lộc. Ảnh: TH

Ông Đoàn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nghi Văn cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xóm có nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, như: Định danh điện tử cá nhân; bảo hiểm xã hội; sức khỏe điện tử; tài khoản mobile money; thực hiện dịch vụ công trực tuyến.. qua đó tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và từng bước trở thành công dân số, đáp ứng các nhiệm vụ của địa phương”.

Còn tại xã Nghi Long, để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số, địa phương đã đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ để đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn và phục vụ tốt hơn cho người dân.

Ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: “Sau khi thực hiện chuyển đổi số, có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết kịp thời, người dân không phải chờ đợi lâu. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn”.

“Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Các ngành triệt để sử dụng các sản phẩm phần mềm do bộ, ngành Trung ương đầu tư triển khai theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ, tích hợp. Bên cạnh đó, chỉ đạo công tác tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, trong mọi mục tiêu”.

Đồng chí Nguyễn Bá Điệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc

Tin mới