Chuyện những chiến sĩ ‘đánh án’ ma tuý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Với những cán bộ, chiến sĩ biên phòng làm công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý và tội phạm thì những gian nan, vất vả và hiểm nguy đã là bạn đồng hành… Sau mỗi chuyên án thành công, họ không dám đón nhận những vinh quang dành cho mình.

Nguy hiểm, gian nan khôn xiết kể

Thiếu tá Nguyễn Trung Hoà là một cán bộ kỳ cựu của Phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An. Hơn 16 năm làm công tác phòng chống tội phạm ma tuý, anh đã trải qua hàng trăm chuyên án, lớn nhỏ. Với anh, mỗi chuyên án đều có một sự vất vả, nguy hiểm riêng, kèm theo đó là những bài học xương máu.

Theo Thiếu tá Nguyễn Trung Hoà, có 2 lý do khiến anh và nhiều đồng đội khác gắn bó với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý. Thứ nhất, trách nhiệm của người lính biên phòng – bảo vệ sự bình yên của biên cương tổ quốc; thứ hai, tình yêu với “nghề”, với công việc. Anh vẫn nhớ như như in lần đầu tiên bản thân tham gia đánh án. Đó là chuyên án 345N và năm 2007. Ở chuyên án này, thiếu tá Nguyễn Trung Hoà đã phải “lên xin” lãnh đạo để được tham gia: “Anh không cho nhà em đi đánh án thì khi mô nhà em mới có kinh nghiệm làm việc”…

bna_Ảnh Hải Thượng (5).jpg
Vượt núi, băng rừng vào trận đánh. Ảnh: Hải Thượng

Được sự đồng ý, trong 1 tháng trời sau đó, với nhiệm vụ làm trinh sát kỹ thuật, Thiếu tá Nguyễn Trung Hoà đã liên tục ngược xuôi đi về từ Vinh lên Con Cuông rồi Tương Dương để gặp gỡ các nguồn tin, điều tra và xác minh thông tin, địa bàn. Chuyên án đã thành công tốt đẹp khi lực lượng biên phòng đã bắt thành công đối tượng Vừ Rù Tếnh (ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) với tang vật thu được là 4 bánh Heroin.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Trung Hoà: Công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý nhiều gian nan, nguy hiểm khôn xiết kể. Làm công tác này, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải liên tục thức đêm và “làm bạn” cùng sên, vắt. Như ở chuyên án NA 532P diễn ra ở tháng 6 vừa rồi, 30 cán bộ, chiến sĩ đã phải liên tục thức đêm 4-5 ngày, mật phục trong những cánh rừng thuộc khu vực bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn để đánh bắt 1 đối tượng mang theo 4.000 viên ma tuý tổng hợp, xâm nhập từ huyện Nọong Het (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) vào Việt Nam.

Tội phạm ma tuý vẫn thường lợi dụng thời điểm giữa đêm khuya đến rạng sáng để mang ma tuý vượt qua biên giới. Để ngăn chặn, đánh bắt, bắt buộc cán bộ, chiến sĩ phải vào vị trí thật sớm và căng mắt chờ đợi. Rừng biên giới nhiều sên, vắt. Những lúc mật phục, sên vắt có bám vào người hút máu thì các cán bộ, chiến sĩ cũng không dám động đậy để tránh bị lộ vị trí ẩn nấp.

bna_Ảnh Hải Thượng (6).jpg
Lặng lẽ giữ gìn sự bình yên cho biên giới, sự ổn định và phát triển của nội địa. Ảnh: Hải Thượng

Đã là cán bộ, chiến sĩ biên phòng phòng chống ma tuý thì cũng không có ngày lễ, Tết. Tết Quý Mão (2023) vừa qua, gần 30 cán bộ, chiến sĩ biên phòng thuộc Phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các Đồn biên phòng Nhôn Mai, Nậm Cắn, Mường Ải đã không được đón Tết ở nhà mà căng mình trên biên giới từ ngày 26 Tết đến ngày Mùng 3 Tết để thực hiện chuyên án 122P; bắt 2 đối tượng mang theo 12 kg thuốc phiện cùng 12.000 viên ma tuý tổng hợp từ tỉnh Hủa Phăn (Lào) cắt rừng, đi vào bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương… Hay như với chuyên án NA223 (kết thúc vào tháng 2/2023) vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ đã mất phải 3 tháng trời lặn lội điều tra thông tin, xác minh đối tượng. Trong 3 tháng này, họ không có ngày nghỉ và gần như không có mặt ở nhà.

Tội phạm ma tuý đều là những đối tượng hết sức manh động, nguy hiểm, luôn sẵn sàng sử dụng súng, lựu đạn, dao chống trả lực lượng chức năng khi bị vây bắt. Phòng chống loại tội phạm này đồng nghĩa với việc luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Khi thực hiện các chuyên án, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn quán triệt rõ yêu cầu nhiệm vụ “phải an toàn mới đánh”. Mỗi chuyên án đều được xây dựng kế hoạch chi tiết, tính toán hết sức cụ thể kỹ càng để tuyệt đối an toàn về người, vũ khí… Tuy nhiên, sự tính toán kỹ càng, chuẩn bị chu đáo đến bao nhiêu cũng là chưa đủ. Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

bna_Ảnh Hải Thượng (8).jpg
Đấu tranh thành công chuyên án; bắt giữ tội phạm và thu giữ lượng lớn ma tuý. Ảnh: Hải Thượng

Tại Nghệ An, trong quá trình triệt phá chuyên án buôn bán, vận chuyển ma tuý vào tháng 6/2018, 2 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Biên phòng) đã bị thương trong quá trình đánh bắt đối tượng. Tội phạm ma tuý đã nổ súng chống trả quyết liệt khi bị vây bắt… Ở chuyên án này, lực lượng chức năng khống chế, bắt giữ được 1 đối tượng, thu 20 bánh heroin, 7kg ma túy đá, 12.000 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng và 15 viên đạn. Tuy nhiên, chuyên án này được xem là không thành công khi có cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Thiếu tá Nguyễn Trung Hoà tâm tình: “Vất vả, gian nan, hiểm nguy đã luôn là bạn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ phòng chống ma tuý và tội phạm. Thấy hiểm nguy mà mình chùn bước, không đứng ra đấu tranh thì ai sẽ đấu tranh? – Mình phải đứng ra bởi phía sau mình chính là sự bình yên của nhân dân”.

Lặng thầm…

bna_Ảnh Hải Thượng (1).jpg
Điều tra thông tin từ đối tượng tội phạm bị bắt giữ để mở rộng chuyên án. Ảnh: Hải Thượng

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng phòng Phòng chống Ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Ở thời điểm hiện nay, tình hình mua bán, vận chuyển ma tuý và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra rất phức tạp. Ở phía ngoại biên, ma tuý từ vùng Tam Giác Vàng vẫn về qua Lào rồi tập kết ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An. Tội phạm ma tuý thực hiện móc nối với các đối tượng trong nước, chờ cơ hội, thuê đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới thông thuộc địa hình vận chuyển ma tuý qua khu vực biên giới, giao hàng theo từng cung đoạn trung chuyển, rồi đưa ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.

Tội phạm ma tuý đều rất liều lĩnh, nguy hiểm; sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả lực lượng vây bắt. Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, các đồng chí biên phòng được phân công nhiệm vụ cần phải tuyệt đối chấp hành tốt kế hoạch của Bộ Chỉ huy, ban chuyên án. Để chuyên án thành công, đòi hỏi cán bộ ta phải kiên quyết, mưu trí và dũng cảm… Khu vực đánh bắt đối tượng thường nằm sát biên giới. Đây là khu vực rất nhạy cảm, phải hạn chế đến tối đa tiếng súng. Vậy nên, khi đánh bắt, việc sử dụng các nghiệp vụ và võ thuật là chính yếu. Do đó, mỗi cán bộ chiến sĩ phải thường xuyên rèn luyện thể lực, võ thuật mỗi ngày.

bna_Cán bộ, chiến sĩ biên phòng rèn luyện võ thuật, thể lực để đấu tranh phòng, chống tội phạm và giữ gìn biên giới quốc gia. Ảnh Thành Chung.jpg
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng rèn luyện võ thuật, thể lực để đấu tranh phòng, chống tội phạm và giữ gìn biên giới quốc gia. Ảnh: Thành Chung

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng kể: Từ vị trí đóng quân, tập kết lực lượng cho đến khu vực dự kiến đánh án nhiều khi chỉ cách 2km đường giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, để đảm bảo yếu tố bí mật trong quá trình phục kích, các chiến sĩ đã phải hành quân, di chuyển theo đường vòng, cắt rừng vượt núi hàng 4-5 giờ liền để vào vị trí chờ, ẩn nấp. Tội phạm ma tuý cũng thường cử các đối tượng dò đường, thám thính từ trước. Bất cứ một dấu vết nào để lại như dấu giày, vết cây ngã đổ thì cũng khiến đối tượng dừng cuộc vận chuyển, giao dịch. Quá trình cắt rừng, vượt núi này đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có thể lực rất tốt, cũng như sự khéo léo, cẩn thận…

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ: Cá nhân tôi và anh em cán bộ, chiến sĩ biên phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm chưa bao giờ chùn bước, luôn quyết tâm cao để thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trước và sau đó vẫn có những phút giây không dám đối diện với “sự thật”, đối diện với bố mẹ, vợ con. Mỗi lần đi đánh án, bản thân và các anh em cán bộ, chiến sĩ vẫn thường nói dối người thân là chỉ đi công tác bình thường, công việc đột xuất. Ngoài yếu tố bí mật của công việc thì chúng tôi sợ vợ con, bố mẹ quá lo lắng… Và đến khi không giấu được thì chúng tôi lại làm công tác tư tưởng cho gia đình là “anh em đi rất đông, không phải một vài người đâu và phải tuyệt đối an toàn mới làm”.

bna-1-9219.jpg
Bộ Tư lệnh BĐBP trao thưởng 80 triệu đồng cho thành tích xuất sắc trong đấu tranh, phòng chống tội phạm ma tuý của BĐBP tỉnh Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng làm công tác phòng, chống ma tuý và tội phạm vẫn thường “lẩn tránh” những vinh quang. Sau những chuyên án thành công, được các cấp ngành và địa phương trao thưởng, thì họ vẫn thường lặng lẽ đứng dưới sân khấu. Niềm vui chuyên án thành công thì chỉ có các cấp chỉ huy và các cán bộ, chiến sĩ lặng lẽ sẻ chia cùng nhau chứ không dám “khoe” cùng ai cả… Bởi khi đã đứng lên bục vinh quang kia thì họ không chỉ “lộ diện” trước tội phạm ma tuý, mà còn làm cho người thân càng lo lắng thêm./.

Tin mới