Cõi thiêng

(Baonghean) - Những ngày cuối tháng Bảy, chúng tôi về thăm các nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Việt - Lào (Anh Sơn); Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn; Nghĩa trang quốc gia đường 9 (tỉnh Quảng Trị). Thắp nén tâm nhang, trong mỗi chúng tôi dấy lên niềm xúc động cùng niềm tin mãnh liệt: Các liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân…

Nơi đầu tiên mà chúng tôi muốn nhắc đến, đó là Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những người con thân yêu của Tổ quốc đã  ngã xuống trong 16 năm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Hồ Chí Minh huyền thoại (1959 – 1975). Nghĩa trang Trường Sơn toạ lạc trên khu đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Gần phía cổng vào là khu khánh tiết nằm trên ngọn đồi cao, là một quần thể các công trình hội tụ những hình ảnh thân thương của dân tộc như cây đa, bến nước, sân đình.
Ở vị trí trung tâm, nơi có cây bồ đề thiêng gần 40 năm tuổi vươn cành tỏa bóng là sừng sững một tượng đài 3 mặt vút cao giữa không gian thoáng đãng.  Từ tượng đài nhìn ra phía trước là những dãy đồi thấp hơn, với một hồ nước rộng và một tầm nhìn hào phóng, lãng mạn. Quanh tượng đài là 6 bức phù điêu tái hiện những quân binh chủng của bộ đội Trường Sơn trên đường ra trận, hiền hòa mà sống động, dũng mãnh mà thân thương.
Ông Nguyễn Hữu Xuân chăm sóc cẩn thận từng ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Việt - Lào. 	Ảnh: p. thảo
Ông Nguyễn Hữu Xuân chăm sóc cẩn thận từng ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Việt - Lào. Ảnh: Phương Thảo
Trong khuôn viên gần 40 ha là sự tĩnh lặng trang nghiêm của 10.263 ngôi mộ, trắng đến mênh mông, tít tắp giữa đại ngàn Trường Sơn. Họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới khi chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Gần 40 năm, các chị, các anh được chở che, ấp ủ bởi mảnh đất Quảng Trị nhọc nhằn mà thủy chung, thơm thảo. 
Hàng ngày, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn vẫn đón hàng chục đoàn với hàng trăm người ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc vào thăm viếng. Trong dòng người tới đây có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, nhiều phụ nữ tóc đã bạc thăm lại người yêu, những người cựu binh da đồi mồi trở về chiến trường xưa thăm đồng đội… Rồi còn có rất nhiều đoàn, nhiều cá nhân đến đây như về chốn tâm linh. Ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh các liệt sỹ đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước.  
Sau khi thắp hương tại đài tưởng niệm, theo hướng dẫn của người quản trang, chúng tôi đến thắp hương tại khu mộ của các liệt sỹ quê Nghệ An phía trái tượng đài. Cùng với hàng nghìn đồng chí, đồng đội khác, gần 40 năm, 1.295 ngôi mộ, 1.295 người con ưu tú của quê hương Nghệ An mãi nằm lại giữa xanh ngàn Trường Sơn, trong tiếng rì rào, vi vút thông reo. Năm 2006, tỉnh ta đã đầu tư gần 1,2 tỷ đồng xây dựng Nhà tưởng niệm các liệt sỹ quê Nghệ An ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Công trình hoàn thành cách đây 8 năm, vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2007). 
Giữa nhà tưởng niệm là cột bia 4 mặt ghi tên các liệt sỹ theo các vùng quê. Những huyện có nhiều con em đã chiến đấu, hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn là Thanh Chương  - 196 người, Đô Lương - 156 người, Diễn Châu - 138 người, Yên Thành - 131 người, Quỳnh Lưu - 127 người... Hầu hết các anh, các chị  hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. 
Trong những ngày này, rất nhiều người dân quê nhà hành hương về Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn để thăm mộ người thân. Tôi được trò chuyện với gia đình anh Nguyễn Hòa – quê ở xã Diễn Hải (Diễn Châu) đến thăm mộ cha là liệt sỹ Nguyễn Minh Thứ (sinh năm 1942, hy sinh năm 1970). Anh Hòa cho biết, năm nào cũng vậy, vào dịp 27/7, gia đình anh cùng một số gia đình trong huyện lại về đây thắp hương cho người thân. Anh rất vui khi được thấy với sự trách nhiệm, tình cảm và sự tận tâm của cán bộ, nhân viên Ban quản trang, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành tỉnh nhà, khu mộ của các liệt sỹ quê Nghệ An ngày càng khang trang hơn, sạch đẹp hơn, ngày càng có đông người đến thăm hơn, để hương hồn của cha anh cũng như các liệt sỹ quê nhà luôn được ấm áp. 
Từ Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, xuôi đường Hồ Chí Minh về hướng Tây Nam gần 30 km là Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. Đây là nơi yên nghỉ của gần 1 vạn anh hùng, liệt sỹ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nghĩa trang được khởi công năm 1995, khánh thành năm 1997 với gần 20  hạng mục lớn nhỏ, trong đó nổi bật nhất là Tượng đài chiến thắng. Tượng đài cao 18m gồm bệ và tượng. Bệ lại có hai phần, mộ tượng phía Đông là biểu tượng của Thành cổ Quảng Trị, mộ tượng phía Tây là hình ảnh cách điệu của một ngọn núi trong dãy Trường Sơn. Phần tượng thể hiện hình ảnh người bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng ngày chiến tranh kết thúc. Từ tượng đài nhìn xuống là lớp lớp những ngôi mộ trắng trông như đội hình bộ đội đang duyệt binh, nổi bật giữa nền xanh thẳm của rừng thông bạt ngàn phía sau. 
Những năm gần đây, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 được đầu tư nâng cấp, hạ tầng ngày một hoàn thiện. Năm 2014, tỉnh Nghệ An đã khánh thành Khu tưởng niệm các liệt sỹ quê Nghệ An – nơi tụ hội hương hồn 220 liệt sỹ quê hương đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Đường 9. Việc xây dựng, nâng cấp những công trình trên giúp Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 trở thành một công trình tưởng niệm, công trình văn hóa và lịch sử cho hiện tại và cho các thế hệ mai sau; phục vụ nhu cầu thăm viếng liệt sỹ của cán bộ, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Nghệ An nói riêng, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh.
Cuối tháng 7, trong hành trình về nguồn, chúng tôi đến với Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào (Anh Sơn), nơi yên nghỉ của những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam chiến đấu và hy sinh tại nước bạn Lào. Những vị khách bước xuống xe, mang theo hương hoa, không ai bảo ai, họ dừng câu chuyện đang nói dở, lặng lẽ bước đến từng khu mộ tại nghĩa trang. Trong đoàn người thăm viếng ấy, có người mẹ già tóc đã bạc trắng, chân bước chầm chậm, bàn tay run run châm từng nén hương thắp lên ngôi mộ của con trai mình. Nỗi đau hiện lên trong nỗi khắc khổ của mẹ, nhưng mẹ không khóc, ánh mắt buồn nhưng không đến độ thê lương. Mẹ tự hào vì đứa con của mẹ đã dâng hiến trọn tuổi xuân của mình cho Tổ quốc, có lẽ sự thiêng liêng và cao cả ấy đã giúp mẹ xoa dịu nỗi đau… Ở một góc nhỏ phía bên phải nghĩa trang, có người cựu chiến binh năm xưa lặng nhìn di ảnh của đồng đội rồi nghẹn ngào khóc. Bác nhớ những năm tháng dưới chiến hào, đến cả cọng rau còn chia nhau ăn cho mát ruột, vậy mà khi hòa bình lập lại, đồng đội đã không còn… Giữa không gian tĩnh lặng, tiếng gió đại ngàn rì rào như lời các anh nói, như tiếng các anh vọng về và đứng mỉm cười đâu đó quanh đây. 
Ông Nguyễn Hữu Xuân – người quản trang đã gắn bó với nơi này gần 15 năm nay cúi xuống nhổ những cây cỏ dại, phủi lớp bụi dày trên bia mộ. Bản thân ông cũng là con của liệt sỹ, những ngày đầu vượt quãng đường gần 50 cây số lên đây, nhìn thấy khu nghĩa trang với sự linh thiêng này, ông thực sự xúc động và muốn góp sức mình canh giấc ngủ cho các anh. Cuộc sống xa nhà với cảnh “cơm niêu nước lọ”, vất vả nhiều nhưng ông vẫn luôn chu toàn với công việc chăm sóc nghĩa trang. Mỗi ngày, ông cùng những người trong Ban quản lý nghĩa trang dậy từ sáng sớm, quét tước, dọn dẹp, nhổ cỏ xung quanh các khu mộ. Đến ngày Rằm hay mùng Một, những con người ấy lại lặng lẽ hương khói cho các liệt sỹ. Công việc cứ đều đặn như vậy ngày này qua tháng khác.
Ông tâm sự: “Gắn bó với nơi này đã nhiều năm, tôi coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, luôn cố gắng chăm sóc chu toàn. Điều tôi vẫn luôn trăn trở hằng đêm, các anh được trở về đất mẹ, được nằm bên cạnh đồng đội mình, nhưng còn nhiều lắm tấm bia mộ vẫn còn ghi liệt sỹ chưa biết tên…”. Nói đến đây, ông bỗng im lặng, đôi mắt trĩu nặng, buồn rầu… Chiều muộn, phố huyện càng yên ắng, ánh nắng mặt trời nhẹ dịu dần rồi khuất sau ngọn núi. Chỉ còn nghe thấy tiếng còi của những chuyến xe xếp hàng dài trước cổng nghĩa trang vội vàng trở về xuôi.
Những năm tháng chiến tranh, con đường này là huyết mạch giao thông quan trọng để bộ đội ta hành quân, vận chuyển lương thực phục vụ cuộc kháng chiến, và mỗi chuyến xe trên con đường này là những chiếc xe tăng vượt mưa bom bão đạn. Bốn mươi năm sau ngày thống nhất, con đường lịch sử ấy đã trở thành nhịp cầu nối văn minh, văn hóa của hai miền xuôi ngược. Trường Sơn đã xanh lại những cánh rừng mà năm xưa là trận địa. Các anh nằm ở đó, nghe tiếng gió hát như khúc nhạc êm, ru giấc ngủ ngàn thu trong lòng đất mẹ…
Xin gửi gắm vào những nén tâm hương cùng tiếng chuông thỉnh  tâm nguyện của mình, cầu nguyện cho hương hồn các chiến sỹ đã hy sinh... được siêu thoát và cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc! Đứng trước mộ các anh, trong mỗi chúng tôi dấy lên niềm xúc động cùng niềm tin mãnh liệt: Các liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân.
Minh Quân - Phương Thảo 

Tin mới