Con Cuông: Những mô hình kinh tế hiệu quả

(Baonghean) - Khi những bông hoa đào chúm chím khoe sắc cũng là lúc đồng bào các dân tộc ở Con Cuông chộn rộn đón xuân về. Mong ước về một tết no đủ là trong tầm tay đối với nhiều người khi ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao.

Đến trang trại tổng hợp của gia đình anh Quang Văn Đỉnh ở bản Thủy Khê - xã Chi Khê khi anh đang chăm sóc đàn lợn đen. Anh cho hay: “Trước đây nuôi lợn đen chủ yếu tận dụng thức ăn dư thừa trong gia đình và cải thiện bữa ăn hàng ngày. Những năm gần đây, thịt lợn đen được thị trường ưa chuộng, chúng tôi đã mạnh dạn khoanh vùng đầu tư nuôi lợn đen để phục vụ thị trường tết. Chi phí đầu tư nuôi khoảng trên 20 triệu đồng để làm chuồng trại, lưới thép khoanh vùng nuôi. Gia đình nuôi 2 con lợn nái để chủ động nguồn giống từ 40 -50 con giống/năm.
Chúng tôi cho lợn ăn các phụ phẩm nông nghiệp như cám ngô, cám gạo, chuối rừng, rau lang,… không sử dụng thức ăn công nghiệp nên tiết kiệm được đầu vào. Lợn đen sinh trưởng chậm, 4 - 5 tháng đạt 15-20 kg là xuất bán, nhưng giá tính ra lại gấp đôi so với thịt lợn thường. Bình quân mỗi con đạt từ 1,4-1,6 triệu đồng. Riêng lợn đen phục vụ thị trường giáp tết gia đình tôi có 40 con, hiện đã bán được 20 con, tổng thu đạt gần 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng/6 tháng”. Nhận thấy mô hình nuôi lợn đen có hiệu quả nên hiện nay ở Chi Khê đã xuất hiện nhiều nhóm hộ chăn nuôi lợn đen, có khoảng gần 100 hộ dân ở các bản nuôi lợn đen với quy mô vừa và nhỏ hỗ trợ nhau về kinh nghiệm trong chăn nuôi…Từ nuôi lợn đen mà nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu. 
Thu hoạch rau ở bản  Quyết Tiến, xã Chi Khê (Con Cuông).
Thu hoạch rau ở bản Quyết Tiến, xã Chi Khê (Con Cuông).
Người dân Chi Khê còn tận dụng được các vùng đất để chăn nuôi dê hiệu quả, như hộ anh Nguyễn Xuân Vị ở bản Liên Đình nuôi trên 40 con dê và trên 400 con gà thả đồi. Được biết số dê và gà trên đều đã được khách hàng “đặt hàng” phục vụ tết. Bình quân với giá 140.000 đồng/kg, mỗi con có giá từ 2,5-2,8 triệu đồng, trừ chi phí 40 con dê nuôi 6 tháng còn lãi trên 100 triệu đồng. 
Tại bản Quyết Tiến (Chi Khê ) ven Quốc lộ  7 đã xây dựng vùng rau tập trung rộng 17 ha đáp ứng nhu cầu rau xanh dịp tết cho cả 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương. Thời điểm này bà con đang thu hoạch rau, tư thương vào mua khá nhộn nhịp. Nhờ từ rau mà gia đình có thêm tiền để trang trải trong dịp tết. Được biết bản Quyết Tiến có trên 120 hộ thì có trên 100 hộ chuyên nghề trồng rau, hiện bà con đang sản xuất rau hướng tới tiêu chuẩn VietGap với đa dạng các loại rau như xu hào, cà chua cải bắp, rau thơm… thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm. 
Trong nắng xuân, chúng tôi về “vựa” chè xã Yên Khê, bát ngát màu xanh của những đồi chè xen lẫn màu đỏ của những mái ngói tạo nên cảnh sắc thanh bình giữa vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát. Dịp giáp tết, trên những đồi chè không khí thu hái nhộn nhịp. Đến thăm đồi chè của chị Trần Thị Lý ở bản Trung Chính -Yên Khê, vợ chồng chị và hàng xóm đang đổi công hái lứa chè đông, chị cho hay: Chè là cây chủ lực của gia đình, mỗi năm thu hoạch từ chè đạt trên 30 triệu đồng, riêng trong tháng tết hái chè búp nhập cho Xí nghiệp Chè Bãi Phủ cũng được 4-6 triệu đồng để sắm sanh trong dịp tết. Anh Nguyễn Văn Quý kể: “Tất cả mua sắm trang trải trong dịp tết đều trông chờ vào tiền chè, gia đình trồng 7 sào chè trong tháng tết này thu hoạch được khoảng trên 5 triệu đồng, số tiền với chúng tôi như thế là quý lắm rồi”. Được biết Trung Chính có gần 100 hộ dân thì 100% số hộ đều theo nghề trồng chè, nhờ chú trọng đầu tư thâm canh nên năng suất chè ngày càng cao, trước đây chỉ đạt 12-14 tấn/ha/năm thì nay đạt 20-22 tấn/ha/năm. 
Cây chè ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn vùng cao, vừa giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vừa có tác dụng chống xói mòn, là mô hình canh tác bền vững trên đất dốc. Hiện xã Yên Khê hiện có trên 120 ha chè, mỗi ha chè mang lại nguồn thu từ 50-60 triệu đồng/năm. Toàn huyện Con Cuông có trên 350 ha chè, chính quyền các xã thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè, các đơn vị thu mua tạo điều kiện tốt nhất trong khâu thu mua sản phẩm cho người dân. 
Trong không khí tết đã rộn rã khắp bản làng, chị Vi Thị Hà ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, tích cực dệt tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn sặc sỡ. Chị Hà nói: “Từ đầu năm đến nay, hàng thổ cẩm khó tiêu thụ nên chúng tôi sản xuất cầm chừng, thời gian giáp tết có đơn đặt hàng chị em trong tổ dệt thổ cẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn hơn 2 tuần nay miệt mài làm cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng và để có tiền tiêu tết”. HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn hiện có trên 60 thành viên tham gia nghề dệt thổ cẩm, tuy mức lương chưa cao vì phải phụ thuộc vào đơn đặt hàng, nhưng đây lại là công việc tranh thủ lúc nông nhàn với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng (dịp giáp tết) đã mang lại nguồn thu  cho chị em sắm sửa dịp tết. Chị Hà Thị Hằng - Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn, chia sẻ với chúng tôi: “HTX luôn tìm tòi, nghiên cứu những mẫu mã để đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm được nhiều đơn đặt hàng, tạo thu nhập ổn định quanh năm cho chị em”.
Anh Vi Văn Bính - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông cho biết thêm: Năm 2013, huyện Con Cuông đã xây dựng được trên 30 mô hình phát triển kinh tế về cây trồng vật nuôi, các ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ… Nguồn vốn đầu tư khoảng trên 1,2 tỷ đồng, chủ yếu là lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Dự án VE 08. Chính quyền địa phương đã vận động bà con thôn bản tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều hộ dân đã ý thức được việc tham gia thoát nghèo, biết khai hoang phục hóa mở rộng vườn đồi để phát triển sản xuất. Vì vậy nhiều mô hình sản xuất đã thành công và được nhiều hộ dân áp dụng rộng rãi, như mô hình nuôi lợn đen đã lan rộng nhiều hộ dân ở xã Chi Khê, Bồng Khê, Bình Chuẩn, Đô Phục. Mô hình trồng chè thâm canh, trồng cam ở Yên Khê, Bồng Khê. Thành công từ những mô hình này sẽ là bước đệm để Con Cuông tiếp tục mở rộng diện tích trên 500 ha chè, và trên 150 ha cam ở các xã Yên Khê, Bồng Khê và nhân rộng đại trà các mô hình nuôi lợn đen. 
Bài, ảnh: Văn Trường

Tin mới