Công nhân mắc bụi phổi mòn mỏi chờ xác định bệnh nghề nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đã hơn 2 tháng kể từ khi UBND tỉnh Nghệ An có văn bản giao, nhưng những công nhân từng làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến (Nghi Lộc) bị mắc bệnh bụi phổi vẫn chưa được giám định bệnh nghề nghiệp để được hưởng các chế độ.

Cần sớm điều tra bệnh nghề nghiệp

Trung tuần tháng 10, anh Dương Văn Chính (34 tuổi, xã Nghi Đồng, Nghi Lộc) cho biết, đến thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa được xác định bệnh nghề nghiệp, trong khi sức khỏe thì ngày càng yếu. Anh Chính là 1 trong 14 công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến bị mắc bụi phổi silic và các bệnh liên quan đến phổi. Trong đó, 5 người đã tử vong.

Trường hợp tử vong mới nhất là anh Trần Ngọc Hoa (45 tuổi, xã Nghi Hưng, Nghi Lộc). Anh Hoa mới qua đời ngày 6/10, sau hơn 1 năm chống chọi với căn bệnh bụi phổi.

“Những người còn lại, sức khỏe thì ngày càng yếu. Có những người đang phải từng ngày chống chọi với cái chết ở trong bệnh viện. Nhưng việc xác định bệnh nghề nghiệp lại chậm quá”, anh Chính bức xúc.

bna_Vợ anh Sơn mỗi ngày đều phải đi mua bình oxy về cho chồng chống chọi với bệnh tật..jpg
Vợ anh Sơn mỗi ngày đều phải đi mua bình oxy về cho chồng chống chọi với bệnh tật. Ảnh T.H

Anh Chính vào làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2017. Đến năm 2022, khi nhiều đồng nghiệp khác phát hiện bị bụi phổi, anh tự đi khám và mới biết bản thân cũng mắc căn bệnh tương tự. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương, anh Chính được cho về nhà để điều trị tiếp. Thời gian đó, phía Công ty TNHH Châu Tiến có đến thăm hỏi và hỗ trợ 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, Công ty TNHH Châu Tiến có gọi điện đến hỏi anh Chính có tiếp tục làm việc nữa không, nếu không thì nghỉ việc.

Tôi đang điều trị bệnh nhưng khi nhận được cuộc điện thoại này trong lòng ức lắm. Vì nghĩ lãnh đạo công ty không quan tâm, sống không có tình, có nghĩa với người lao động nên tôi quyết định xin nghỉ việc ngay sau cuộc điện thoại ấy.

anh Dương Văn Chính (34 tuổi, xã Nghi Đồng, Nghi Lộc)

Cách nhà anh Chính không xa, anh Hoàng Văn Sơn (47 tuổi, xã Nghi Hưng), phải sống dựa vào bình oxy từ nhiều tháng qua. Anh Sơn chỉ mới phát hiện mắc bụi phổi từ tháng 6/2022, nhưng sau đó sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, chỉ ít tháng sau, đã không còn tự đi lại được. Kể từ đó, vợ anh phải nghỉ việc ở công ty, đưa chồng đi nhiều bệnh viện để cứu chữa nhưng ở đâu các bác sĩ cũng chỉ lắc đầu. Vì quá mệt mỏi và mất hết hy vọng, tài sản trong nhà cũng không còn nhiều sau mỗi lần đi bệnh viện, nhiều tháng nay anh Sơn không chịu tới bệnh viện nữa, nằng nặc đòi “chết ở nhà”. Không còn cách nào khác, vợ anh cũng phải chiều chồng, hàng ngày vượt 10km để đi mua bình oxy về nhằm kéo dài sự sống cho anh.

Mặc dù bụi phổi silic là một trong những bệnh nghề nghiệp, sự sống thì đang phải đếm từng ngày, nhưng kể từ khi có kết quả chẩn đoán đến nay đã hơn 1 năm, anh Sơn cũng như nhiều công nhân khác vẫn chưa được đưa đi giám định bệnh nghề nghiệp, để được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định.

bna_Môi trường làm việc độc hại nhưng công ty không tổ chức khám swucs khỏe cho công nhân, không quan trắc môi trường.jpg
Môi trường làm việc độc hại nhưng công ty không tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, không quan trắc môi trường. Ảnh T.H

Trong khi đó, ngày 10/8/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao các cơ quan liên quan tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp đối với những lao động đã mất. Thực hiện xác định bệnh nghề nghiệp cho những công nhân còn đang điều trị. Tổ chức giám định mức suy giảm khả năng lao động ngay sau khi có kết quả xác định bệnh nghề nghiệp cho những người còn đang điều trị và khám xác định bệnh nghề nghiệp cho người lao động đã và đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp sau khi công ty này có văn bản đề nghị. UBND tỉnh còn giao UBND các huyện có người lao động đã và đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến phối hợp với các Sở Y tế; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và Công ty TNHH Châu Tiến hướng dẫn, hỗ trợ người lao động/thân nhân người lao động trong quá trình điều tra, xác định bệnh nghề nghiệp, giám định mức suy giảm lao động và triển khai các chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người lao động theo quy định.

Trường hợp tử vong thì càng khó điều tra bệnh nghề nghiệp

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An) cho biết, đơn vị đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện Công ty TNHH Châu Tiến từ tháng 5/2023. Đoàn đã làm việc Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Công ty TNHH Châu Tiến và tiến hành lấy mẫu nguyên liệu (đầu vào, đầu ra) để phân tích. Kết quả tương tự như phía công ty cung cấp là hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phẩm cao trên 99%.

Với môi trường này thì nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic cấp tính rất cao nếu như trang bị bảo hộ lao động không đảm bảo, không phù hợp. Và thực tế đã có nhiều công nhân tại Công ty TNHH Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic. Tuy nhiên, để xác định bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp thì cần có thời gian. Bởi, phải xác định rõ người lao động có tiếp xúc với yếu tố độc hại trong quá trình lao động hay không. Rồi đến kết quả quan trắc môi trường, xem môi trường đó có yếu tố gây bệnh nghề nghiệp không. Khi đã xác định được bệnh nghề nghiệp thì Hội đồng giám định y khoa sẽ tiến hành giám định mức suy giảm khả năng lao động để có căn cứ hỗ trợ cho công nhân.

ông Lê Tuấn Anh - Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An)

bna_Các công nhân đang chống chọi với bệnh tật từng ngày nhưng vẫn chưa được xác định bệnh nghề nghiệp..jpg
Các công nhân đang chống chọi với bệnh tật từng ngày nhưng vẫn chưa được xác định bệnh nghề nghiệp. Ảnh T.H

Cũng theo Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An), đối với các trường hợp đã tử vong thì việc điều tra bệnh nghề nghiệp rất khó khăn nhưng không phải là không làm được. Các trường hợp này đã có hồ sơ bệnh án ở các bệnh viện, bảo hiểm y tế cũng như các hồ sơ thể hiện rõ quá trình công tác ở bộ phận, thời gian làm việc bao lâu ở môi trường nào trong công ty. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã có công văn đề nghị Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) hỗ trợ nhân lực, kỹ thuật điều tra ca bệnh tại Công ty TNHH Châu Tiến và Cục đã chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương; Viện Giám định y khoa; Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường hỗ trợ CDC để điều tra ca bệnh nghề nghiệp đối với người lao động đã mất; xác định bệnh nghề nghiệp, giám định mức suy giảm lao động cho các công nhân đang điều trị bệnh bụi phổi silic và liên quan đến bệnh phổi.

Ngoài ra, CDC cũng đã tham mưu cho Sở Y tế Nghệ An thành lập đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp tại Công ty TNHH Châu Tiến, cố gắng làm khẩn trương để đưa ra kết quả sớm nhất, giúp cho các công nhân được hưởng các chế độ theo quy định.

Bác sĩ CKII Thái Đình Lâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An cho biết, bệnh bụi phổi là bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Riêng các công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến vào viện điều trị đều ở giai đoạn nặng. Bệnh bụi phổi ở giai đoạn đầu các triệu chứng rất ít. Khi đã xuất hiện ho khan, khó thở thì bệnh diễn biến kéo dài. Bởi vậy, việc phòng bệnh bụi phổi là rất quan trọng. Ngoài sự quan tâm của lãnh đạo nhà máy thì các công nhân làm việc trong môi trường có nguy cơ cao như khai khoáng, may mặc, khai thác than cần có những đồ bảo hộ an toàn. Hơn nữa, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ rất quan trọng để phát hiện bệnh. Các công nhân làm việc trong môi trường này nên 6 tháng được đi kiểm tra về bệnh nghề nghiệp ở các bệnh viện chuyên ngành. Trong khi đó, Công ty TNHH Châu Tiến lại không tổ chức khám sức khỏe cho các công nhân, cũng không quan trắc môi trường.

Tin mới