Công trình tượng đài V.I.Lê-nin tại TP. Vinh: Thêm sắt son tình hữu nghị truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Việc chính quyền tỉnh U-li-a-nốp tặng tỉnh Nghệ An bức tượng của V.I. Lê-nin chính là nhằm góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tỉnh, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Là con dân Việt Nam sinh sống nhiều năm tại CHLB Đức nhưng vẫn luôn quan tâm tới tình hình đất nước, đặc biệt là sự phát triển của xứ Nghệ - quê cha đất tổ của mình, nên tôi vô cùng phấn khởi khi nghe tin tượng V.I.Lê-nin sắp được khánh thành tại trung tâm thành phố Vinh. Như vậy, từ nay trên quê hương Việt Nam của tôi, sau Thủ đô Hà Nội thì Vinh là thành phố thứ hai có tượng V.I.Lê-nin uy nghi, bề thế.

anh tuong dai lenin.jpg
Tượng đài Lê-nin tại Hà Nội. Ảnh: VGP

Được biết, năm 2015, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với tỉnh U-li-a-nốp (Liên bang Nga) triển khai xây dựng công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-li-a-nốp. Năm 2017, đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phối hợp với chính quyền phía bạn, Hội Người Việt Nam đoàn kết tại U-li-a-nốp tổ chức lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng nguyên chất, cao 5m, bệ cao 3m, theo nguyên mẫu ở Quảng trường Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An trong khuôn viên có diện tích hơn 2.000m2. Vị trí đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là khu vực trung tâm của thành phố U-li-a-nốp của tỉnh cùng tên, ở ngã tư đầu Đại lộ Hồ Chí Minh, nằm trong quần thể Quảng trường Hồ Chí Minh - Trường THPT 76 (nay đã đổi tên thành Trường THPT Hồ Chí Minh).

Lễ cắt băng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-Ly-a-nốp Liên bang Nga năm 2017.jpg
Lễ cắt băng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh U-li-a-nốp, Liên bang Nga, năm 2017. Ảnh: C.T.V - Tư liệu

Được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương xây dựng tượng V.I.Lê-nin ở TP. Vinh theo đề xuất của tỉnh U-li-a-nốp với thỏa thuận rằng, tỉnh U-li-a-nốp đúc tượng V.I.Lê-nin tại Liên bang Nga và vận chuyển sang lắp đặt tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An có trách nhiệm xây dựng khuôn viên đặt tượng, việc chính quyền tỉnh U-li-a-nốp tặng tỉnh Nghệ An bức tượng của V.I. Lê-nin chính là nhằm góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tỉnh, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Bất chấp mọi luận điệu xuyên tạc, vu khống (thậm chí cả hành vi thô bạo) nhằm làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, hệ thống quan điểm khoa học và cách mạng có tính chất soi đường của V.I.Lê-nin vẫn được truyền bá, hưởng ứng rộng rãi; những bức tượng của vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vẫn được dựng lên ở nhiều nơi để nhân loại chiêm ngưỡng, tưởng nhớ.

Ngay ở CHLB Đức - một trong các nước hàng đầu ở phương Tây, ngày 20/6/2020, trước trụ sở tại thành phố Gelsenkirchen, đảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin Đức (MLPD) đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài V.I Lê-nin nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Người. Đó là tượng đài V.I Lê-nin đầu tiên được xây dựng tại miền Tây nước Đức.

Khánh thành tượng V.I Lê-nin tại TP Gelsenkirchen CHLB Đức.jpg
Khánh thành tượng V.I Lê-nin tại thành phố Gelsenkirchen, CHLB Đức. Ảnh: H.N.T

Nhớ khi cắp sách tới trường phổ thông ở quê nhà, tôi được học, được đọc nhiều về con người mẫu mực V.I Lê-nin. Khi học lớp 10 trường phổ thông (hệ 10/10), tôi có học môn chính trị và làm quen với những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tại Đại học Luật ở CHDC Đức, tôi được học và làm quen với học thuyết Lê-nin, đặc biệt là lý thuyết về việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Sau này, khi Nhà nước Việt Nam cho phép tôi di cư sang CHDC Đức vì lý do gia đình, rồi trở thành cán bộ khoa học của Khoa Luật thuộc Trường Đại học Tổng hợp Jena, tôi có thời gian, cơ hội để nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của V.I Lê-nin. Các tri thức chuyên sâu đó đã giúp tôi có quan điểm chính trị rõ ràng, vững chắc dựa trên học thuyết Mác-Lênin. Đó chính là lý do tại sao tôi luôn luôn kiên định bảo vệ học thuyết Lê-nin, đấu tranh không nhân nhượng để vạch trần bộ mặt của các thế lực chống cộng ở trong và ngoài nước.

Phải thẳng thắn nói rằng, luận điệu coi học thuyết Lê-nin đã lỗi thời là một phần của cuộc chiến tâm lý chống lại Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cả về lý luận và thực tiễn, luận điệu này hoàn toàn không thể thuyết phục những người có cái nhìn khách quan, tỉnh táo. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế của hệ thống tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu trong những thập kỷ qua cho thấy học thuyết Mác-Lênin đã đưa ra các dự báo chuẩn xác. Những biến động mới đây trong việc lật đổ các chính phủ thân phương Tây ở một số quốc gia châu Phi - nơi một thời từng là thuộc địa của thực dân, cho thấy học thuyết Lê-nin vẫn tiếp tục là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh giành độc lập, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.jpg
Chủ nghĩa Mác-Lênin tiếp tục phát huy sức sống mãnh liệt trong thời đại ngày nay. Ảnh: Tư liệu

Điều đó góp phần lý giải vì sao trên thế giới vẫn có rất nhiều công trình mang tên V.I.Lê-nin. Các công trình đó có mặt từ Nga, Azerbaijan, Armenia, Belarus, Gruzia, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova, Litva, Kyrgyzstan, Tajikista, Uzbekistan,... đến Albania, Bungari, Anh, Hungary, Venezuela, Việt Nam, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Zimbabwe, Đan Mạch, Ý, Cuba, Mông Cổ, Hà Lan, Na Uy, Slovakia, Mỹ, Phần Lan, Pháp, Séc, Thụy Điển... Sự rộng khắp đó cho thấy uy tín của V.I.Lê-nin, hình ảnh của V.I.Lê-nin vẫn in đậm trong nhân dân thế giới.

Theo dõi thông tin, tôi càng bức xúc trước những lời lẽ xằng bậy của các thế lực chống cộng, các thành phần bất mãn, các cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí với Đảng và Nhà nước Việt Nam, khi họ lu loa rằng, đây là việc làm phung phí tiền bạc và không hợp lý vì Nghệ An thuộc những tỉnh nghèo nhất, học thuyết Lê-nin đã lỗi thời! Theo quan sát và đánh giá của tôi, luận điệu đó chỉ có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với người ác ý hoặc còn thiếu hiểu biết.

Về mặt chi phí, trước hết phải nói rằng, bức tượng V.I. Lê-nin là quà tặng của của tỉnh U-li-a-nốp, tức là tác phẩm nghệ thuật đồ sộ được trao miễn phí cho TP. Vinh, hơn thế nữa, chi phí vận chuyển tới Cảng Hải Phòng cũng được phía bạn đảm nhận, tỉnh Nghệ An chỉ lo chi phí cho việc vận chuyển từ Hải Phòng về Vinh, tổ chức quy hoạch và xây dựng mặt nền để đặt tượng.

Sự kiện đáng mừng này lại là cơ hội béo bở để đám “dân chủ cuội” công kích chính quyền tỉnh Nghệ An, bằng thủ đoạn là nhắc tới GRDP. Nhưng quy mô GDP/GRDP chỉ là một phần của một góc nhìn mà thôi, không phải là bức tranh tổng thể, càng không phải là yếu tố duy nhất sử dụng để đánh giá sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của một quốc gia hay một địa phương. Như chúng ta đã biết, Nghệ An thuộc nhóm địa phương có đông dân số, điều kiện tự nhiên còn rất khó khăn... Vì vậy, Nghệ An chưa thể nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người.

Khu vực sẽ lắp đặt tượng đài V.I. Lê-nin gần vòng xuyến, giữa Đại lộ V.I.Lê-nin với đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh. Ảnh tư liệu.jpg
Khu vực sẽ lắp đặt tượng đài V.I. Lê-nin gần vòng xuyến, giữa Đại lộ V.I.Lê-nin với đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa của Nghệ An trên thực tế lại cho thấy một bức tranh toàn cảnh hoàn toàn rất khác, đầy khả quan và đáng khích lệ. Nhiều lần trở về Nghệ An, tôi thật sự ngỡ ngàng trước những thay đổi tốt đẹp của tỉnh trong những năm qua. Xin nói thêm, hai người anh trai của ba tôi sống gần như trọn đời ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu và qua đời ở đó, con cháu của các cụ hiện sống ở nhiều nơi khác nhau tại tỉnh Nghệ An, khi tới thăm, tôi thấy họ đều có cuộc sống vật chất thật đầy đủ, ấm êm.

Một lý do khác để chính quyền tỉnh U-li-a-nốp và tỉnh Nghệ An dựng tượng V.I.Lê-nin trên quê hương Xô viết Nghệ - Tĩnh là tính nhân văn, là thực hành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam. Trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Chính phủ và nhân dân trên đất nước của Lê-nin đã tận tình giúp đỡ chúng ta trên mọi phương diện. Những người con của đất nước Xô viết, sau này là Liên bang Nga, đã kề vai sát cánh bên chúng ta trong cuộc chiến đấu vì độc lập, vì sự tồn vong của Tổ quốc và xây dựng đất nước. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng tài tình học thuyết Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, đã và đang đưa vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới. Trong bối cảnh thế giới đã biến đổi, chính sách đối ngoại của Việt Nam đặt ra yêu cầu phải hiểu sâu sắc hơn, sáng tạo hơn từ nhận định và đánh giá của Lê-nin về tiến trình phát triển nhân loại, về các mối quan hệ nhân loại, về công cuộc xây dựng CNXH...

Công trình tượng đài V.I. Lê-nin tại thành phố Vinh là món quà thể hiện tình cảm thiêng liêng của nhân dân U-li-a-nốp dành cho tỉnh Nghệ An. Clip: BNA

Cần phải khẳng định rằng, việc đặt tượng V.I.Lê-nin tại TP. Vinh là biểu hiện của tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Nga, đồng thời là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật, thể hiện tình cảm của nhân dân hai tỉnh đã và sẽ dành cho nhau. Công trình tượng V.I.Lê-nin sẽ tạo thêm không gian đẹp và là một điểm nhấn trong diện mạo đô thị hiện đại tại trung tâm của TP. Vinh. Hơn thế nữa, có thể tin rằng, từ hoạt động ngoại giao văn hóa này, hai tỉnh sẽ gắn kết hơn trong hoạt động hợp tác song phương trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch...

Tin mới