Quán triệt, triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư xác định công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024. 

Chiều 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản.

bna_IMG_5820.JPG
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Chủ trì tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; bí thư các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các cơ quan, đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo IUU cấp tỉnh…

Hội nghị được truyền trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành, thị ủy: TP. Vinh, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai và các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và hơn 100 xã biển.

NGHỆ AN KIẾN NGHỊ NGHIÊN CỨU BAN HÀNH QUY ĐỊNH, CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VỀ LỰC LƯỢNG KIỂM NGƯ CẤP TỈNH

Những năm qua, ngành Thuỷ sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hàng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

bna_z5372189228957_affc1682cc49ed968fffb47d5054cfe9.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trình bày nội dung Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, phát triển ngành Thuỷ sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC), chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Trong bối cảnh đó, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đẩy mạnh công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), bảo đảm phát triển bền vững ngành Thuỷ sản.

bna_IMG_5824.JPG
Các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan quán triệt nội dung Chỉ thị số 32-CT/TW; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trình bày Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.

Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã có những tham luận trình bày các công tác thực hiện chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

bna_IMG_5853.JPG
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trình bày Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Ảnh: Thành Duy

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu tham luận, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nghệ An xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách. Làm tốt nhiệm vụ này vừa góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, vừa đảm bảo phát triển ngành Thủy sản xanh, bền vững.

Qua đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã báo cáo đến hội nghị công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU và kết quả chính đạt được liên quan đến các nội dung về quản lý đội tàu khai thác; theo dõi, giám sát tàu cá khai thác trên biển; công tác giám sát sản lượng bốc dỡ, xử lý vi phạm trong khai thác thuỷ sản.

bna_IMG_5895.JPG
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Đến nay, 100% tàu cá của Nghệ An đang hoạt động khai thác đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số lượng tàu cá lắp đặt 1.054/1.086 chiếc phải lắp đặt (đạt 97,05%), 32 chiếc còn lại hiện nằm bờ không đi khai thác

Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát các tàu cá hoạt động trên biển. Thông báo các tàu cá bị mất tín hiệu kết nối giám sát hành trình quá 6 giờ trên biển, vượt ranh giới cho phép trên biển cho các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Riêng năm 2023, các lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 161 tàu/714,5 triệu đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay (16/4/2024) đã xử phạt 26 tàu/437,8 triệu đồng; trong đó, có 19 tàu cá bị xử phạt thông qua thông tin từ Hệ thống Giám sát tàu cá.

BNA_8695.jpg
Nghệ An hiện có 2 tàu kiểm ngư song đang gặp khó khăn về chế độ, chính sách cho lực lượng kiểm ngư của tỉnh. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của Nghệ An hiện nay để thực hiện công chống khai thác IUU là lực lượng Kiểm ngư tỉnh còn thiếu và yếu. Tỉnh hiện có 2 tàu kiểm ngư, 7 công chức và 10 hợp đồng lao động.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu kiến nghị Trung ương nghiên cứu và có các quy định cụ thể về lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh cũng như các chế độ, chính sách cho lực lượng này.

“Hiện nay, trong Luật Thủy sản, Nghị định của Chính phủ đều nêu lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh do tỉnh chủ động thành lập. Tuy nhiên, hiện nay chưa nói rõ chế độ, chính sách của lực lượng này nên tỉnh gặp khó khăn”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu.

QUYẾT TÂM GỠ "THẺ VÀNG" CỦA EC TRONG NĂM NAY

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm của các bộ, ngành, đặc biệt là của các địa phương liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ.

bna_IMG_5970.JPG
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Nhấn mạnh những hệ lụy, tác động tiêu cực của “thẻ vàng” EC đối với sự phát triển bền vững ngành Thủy sản nước ta và còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, Trung ương và các địa phương cần phải có nhận thức đủ, có quyết tâm đúng mới thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của Chỉ thị 32; để vượt qua được thách thức nhằm gỡ bỏ được “thẻ vàng” của EC trong năm nay.

“Tôi tin tưởng dù còn nhiều thách thức nhưng khi nhận thức được đầy đủ, hành động quyết liệt có thể gỡ “thẻ vàng” EC”, đồng chí Trương Thị Mai phát biểu.

bna_IMG_5919.JPG
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, theo đồng chí, việc chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) mới chỉ là bước khởi đầu, về lâu dài phải quan tâm cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Đồng thời, quan tâm tạo sinh kế phù hợp để nâng cao được cuộc sống của ngư dân, người lao động; có chính sách để bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài; trên cơ sở đó nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.

bna_IMG_5940.JPG
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

“Đó là trách nhiệm trước hết của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cơ quan, địa phương trực tiếp đối với phát triển đất nước và cuộc sống của ngư dân; đồng thời đó cũng là trách nhiệm của ngư dân, các đội tàu, hợp tác xã nghề cá đối với cuộc sống của chính mình và phát triển của đất nước”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị kịp thời biểu dương những cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời phải thường xuyên, kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm.

Quá trình đó hết sức chú trọng tạo sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ cuộc sống, động viên ngư dân, người lao động có liên quan tham gia tích cực, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước; nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngư dân.

bna_IMG_5962.JPG
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

“Mong Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ sẽ đi vào cuộc sống thiết thực; năm nay sẽ gỡ bỏ được thẻ vàng; ngành Thủy sản sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, ngư dân sẽ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, đồng chí Trương Thị Mai phát biểu.

Tin mới