Của để dành...

(Baonghean) - Vượt dốc Bù Xen với gần 20km đường núi, chúng tôi tới bản Piếng Điếm, xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu). Đây là ngôi làng với 100%  đồng bào dân tộc Thái sinh sống, cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình cách trở, lại chưa có điện lưới quốc gia, chợ cũng không có... Tuy khó khăn, vất vả nhưng con em bản Piếng Điếm lại có tinh thần hiếu học rất cao. Hầu hết các gia đình trong bản rất coi trọng việc học hành của con cái. Tiêu biểu có vợ chồng ông Vi Văn Thủy, bà Vi Thị Thoan. 
Ông Vi Văn Thủy (SN 1962), là người dân tộc Thái. Gia đình đông anh em nên cuộc sống nghèo túng. Lớn lên, cũng như bạn bè cùng trang lứa ở vùng đất khó khăn này, ông Thoan không có cơ hội để học hành đến nơi đến chốn. Nghỉ học làm nương rẫy giúp bố mẹ, sau đó ông Thủy kết duyên với bà Vi Thị Thoan (SN 1964).
Cuộc sống đôi vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là trông chờ vào mảnh ruộng bậc thang năng suất thất thường và những mùa rẫy quanh năm thất bát. Cái nghèo, cái đói cứ đeo bám vợ chồng ông Thủy, bà Thoan.
Nhà vốn dĩ đã nghèo, lại sinh con đông nhưng bù lại cả 4 đứa con của ông Thủy đều chăm ngoan và sáng dạ. Người con gái đầu Vi Thị Hồng (SN 1984), sau khi học xong ngành kế toán Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Nghệ An đã được nhận vào làm tại Trạm Thủy nông và Xây dựng công trình huyện Quỳ Châu. Cô em gái thứ hai Vi Thị Hà (SN 1986) 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi; thi đậu Khoa Tài chính doanh nghiệp - Học viện Tài chính kế toán. Hiện, Vi Thị Hà đã ra trường và công tác tại Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên).
Tiếp bước hai người chị đầu, em thứ ba là Vi Thị Thìn (SN 1988) cũng thi đỗ vào học tại Khoa Thông tin kinh tế - Học viện Tài chính kế toán, hiện đã tốt nghiệp và đang công tác tại một dự án phi chính phủ tại huyện Quỳ Châu.
Em trai út Vi Đình Khiêm (SN 1991) cũng có tiếng học giỏi từ trường làng khi liên tiếp đạt học sinh giỏi. Trong thời gian em Khiêm đang học trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình. Bởi thời gian này cả 3 chị gái của Khiêm đều đang học tại các trường đại học, cao đẳng; vì thế việc chu cấp tiền để cho 4 chị em một lúc đã trở thành gánh nặng rất lớn đối với ông Thủy, bà Thoan.
Tuy khó khăn là vậy nhưng Khiêm rất nỗ lực trong học tập và em đã thi đậu vào Trường ĐH Giao thông Vận tải. Hiện Khiêm đang học năm thứ 4 và hầu hết các kỳ học em đều đạt điểm số khá cao, giành được học bổng của nhà trường.
Nói về những khó khăn khi nuôi tới 4 người con học đại học, cao đẳng, ông Vi Văn Thủy cho biết: "Dù biết là khó khăn đủ bề nhưng thấy các cháu chăm ngoan, học giỏi nên để chúng thất học là điều lương tâm của người cha không cho phép. Vì thế hai vợ chồng động viên nhau đi làm thuê làm mướn, không nề hà việc gì miễn là có tiền để gửi cho các con ăn học nên người. Thời gian này ngoài đi làm thuê, làm ruộng ra tôi còn tranh thủ đào ao thả cá nên cũng có thêm một phần thu nhập. 4 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn, có việc làm ổn định, đó chính là tài sản vô giá, là của để dành của hai vợ chồng tui…”.
Đình Tiệp

Tin mới