Đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

(Baonghean) - An ninh năng lượng là một trong những điều kiện tiên quyết duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hoá - hiện đại hoá hiện nay. Trong bối cảnh đó,  dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 thuộc giai đoạn 1 của Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập được động thổ vào ngày 1/10/2015, dự kiến vận hành vào năm 2020 được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. 

Được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009, Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập có diện tích khoảng 283 ha, nằm trong quy hoạch chi tiết KCN Đông Hồi thuộc KKT Đông Nam. Tổng công suất dự án là 2.400 MW gồm 4 tổ máy, chia thành 2 giai đoạn: Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (quy mô 2x600 MW/nhà máy). Cả 2 nhà máy đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Giai đoạn 1 được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) làm chủ đầu tư với tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD. 
Phối cảnh quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.
Mặt bằng quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 được xác định là dự án quan trọng trong Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành Than - Khoáng sản nói riêng và trong Quy hoạch điện quốc gia nói chung. Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh/năm, góp phần nâng cấp điều kiện hạ tầng phát triển kinh tế để thích ứng với tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt mức cao từ nay đến năm 2030 của khu vực Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. Trong đó, Khu kinh tế Đông Nam được phê duyệt sẽ là một trung tâm phụ tải quan trọng. 
Nhìn lại tình hình ngành năng lượng Việt Nam, nhiệt điện và thuỷ điện hiện vẫn đang là 2 giải pháp năng lượng chủ yếu và phổ biến để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vì nhiều lý do như: khai thác lợi thế về khoáng sản chất đốt và mạng lưới sông ngòi; điều kiện về công nghệ;… Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước tập trung khoảng 50% ở miền Nam, 40% ở miền Bắc và 10% ở miền Trung. Trong 3 năm (2011 - 2013), nhu cầu điện cả nước tăng bình quân 9,9%/năm, có xu hướng quá tải ở một số nơi. Một trong những giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hạn chế nâng giá thành sản xuất điện là phụ tải điện cấp cơ sở. Đồng thời, giải pháp này cũng đáp ứng nhu cầu sử dụng tại các địa phương và khu vực có kinh tế - xã hội bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh, ví dụ như các tỉnh miền Trung. 
Phối cảnh Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập.
Phối cảnh khu vực nhà máy chính (Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1).
Đối với Nghệ An, những năm gần đây, việc hình thành và đưa vào hoạt động KKT Đông Nam và các KCN với nhiều dự án quy mô đa dạng đã nâng cao đáng kể nhu cầu sử dụng năng lượng. Nguồn cung cấp và hệ thống đường dây truyền tải điện được xác định là một trong những thành phần hạ tầng quan trọng, là điều kiện tiên quyết để triển khai và vận hành các nhà máy, xí nghiệp, mô hình phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc đẩy mạnh hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 xã chưa có điện và đang phấn đấu để hoàn thành cấp điện trong năm nay (5 xã sẽ được cấp điện trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII). Việc tiến hành Lễ động thổ Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vào thời điểm trước thềm sự kiện trọng đại này của tỉnh thể hiện quyết tâm cao độ của cả tỉnh và nhà đầu tư, chuẩn bị cho một chặng đường 5 năm sắp mở ra. 
Để dự án có thể động thổ đúng tiến độ, lịch trình đặt ra, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và nhà đầu tư đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi, phối hợp cùng giải quyết các vấn đề vướng mắc cũng như các giải pháp đồng bộ dự án với quy hoạch tổng thể của KCN Đông Hồi. Tại cuộc họp ngày 4/5/2015, tại trụ sở của Tập đoàn TKV, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định quyết tâm cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh Nghệ An đối với dự án và nhà đầu tư. Những vấn đề được hai bên quan tâm nhất như quy hoạch vị trí của nhà máy, hệ thống đường phục vụ cho việc vận chuyển than từ cảng biển đến nhà máy và xỉ than từ nhà máy đến bãi xử lý, điều chỉnh quy mô bến tàu của Cảng Đông Hồi để đảm bảo giá trị kinh tế cho khâu nhập nguyên liệu (than cám 6a),… được bàn thảo kỹ càng và đến nay đã có giải pháp xử lý tối ưu. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 1A vào KCN Đông Hồi (quy mô đường cấp III), chạy sát khu đất xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Hiện tại tuyến đường này đã được đấu nối với tuyến đường sang KKT Nghi Sơn (Thanh Hoá). Các điều kiện hạ tầng khác như điện, nước cũng đã lập và triển khai phương án cung cấp, phục vụ dự án nói riêng và KCN Đông Hồi nói chung. 
Đối với Cảng Đông Hồi - được xác định là điểm nhập nguyên liệu cho nhà máy, UBND tỉnh đã có quyết định cho phép lập dự án đầu tư xây dựng đê chắn sóng và luồng tàu, giao cho Ban Quản lý KKT Đông Nam làm chủ đầu tư với tổng mức vốn khoảng 2.702 tỷ đồng. Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến thiết kế cơ sở và đang trình Chính phủ xin thẩm định vốn. Đặc biệt, ngày 28/5/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn thống nhất đề nghị của Tập đoàn TKV và Cục Hàng hải Việt Nam về điều chỉnh quy mô cỡ tàu nhập cảng than từ 10.000 DWT lên 50.000 DWT. 
Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1, thuộc Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập, không chỉ được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng cho tỉnh, khu vực và cả nước mà còn được dự báo sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong quá trình xây dựng và hàng trăm lao động khi đưa vào vận hành. Đồng thời, đây sẽ là một điểm nhấn trong hạ tầng công nghiệp của tỉnh nhà, góp phần tăng sức hút đối với các nhà đầu tư tìm hiểu và đến với KKT Đông Nam, các KCN của Nghệ An.
Thục Anh

Tin mới