Đào tạo nghề: Cần định vị lại ngành 'hot' để cung - cầu gặp nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trước sự quay đầu của thị trường lao động, việc đầu tư vào những ngành hot ở các cơ sở đào tạo nghề xem ra cần phải tính toán.

Điều chỉnh ngành hot

Dệt may là một trong những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An, đóng góp lớn trong giải quyết việc làm. Toàn tỉnh có hơn 60 nhà máy đang hoạt động tạo ra khoảng 40 nghìn việc làm, giá trị sản xuất đạt 4.186,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,9%/năm.

Dệt may là một trong những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An, đóng góp lớn trong giải quyết việc làm. Ảnh: Thu Huyền
Dệt may là một trong những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn của Nghệ An, đóng góp lớn trong giải quyết việc làm. Ảnh: Thu Huyền

Năm 2022, mặt hàng này xếp thứ ba của tỉnh với 331,8 triệu USD, có sự tham gia xuất khẩu khá sôi động của 33 doanh nghiệp, xuất khẩu hàng sang hơn 20 thị trường trên thế giới, bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các thị trường Tây Á... Trong đó, Công ty CP May Minh Anh Đô Lương và Công ty TNHH Kido Vinh xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 80 triệu USD và 52 triệu USD.

Tuy nhiên, vì sự biến động của thị trường Tây Á và một số quốc gia châu Âu, các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng không có hàng, hoặc bị thu hẹp thị trường. Điều này dẫn đến hàng nghìn công nhân bị mất việc, hàng trăm nhà máy phải đóng cửa.

Bên cạnh nghề may, các nghề khác như điện tử, giày da cũng có tình trạng tương tự. Nhiều cơ sở đã phải tiết giảm nhân công một cách tối đa, thậm chí phải sa thải hàng loạt công nhân. Ngay trong quý 4 năm 2022, các đơn vị may mặc, linh kiện điện tử, giày da đã sa thải hơn 1.900 công nhân, khiến một lực lượng lao động bị mất việc làm, không có thu nhập.

Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam chú trọng vào những ngành đã có đơn hàng lao động được ký kết. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam chú trọng vào những ngành đã có đơn hàng lao động được ký kết. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Trước tình hình đó, nhiều cơ sở dạy nghề đã có những điều chỉnh để phù hợp với xu thế của các ngành nghề từng được xem là danh mục chính. Ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Hồng Lam cho biết: Đối với ngành may, chúng tôi vẫn tuyển dựa trên đơn hàng của doanh nghiệp Hanosimex đã được ký kết từ trước, và chúng tôi đào tạo cuốn chiếu, cần bao nhiêu tuyển sinh bấy nhiêu, chứ không đào tạo ồ ạt như trước kia. Cũng theo ông Dũng, trong 7 nghề mà trường đang đào tạo thì có những nghề trước đây không hot như CNTT hay kỹ thuật chế biến món ăn, nay được chú trọng. “Đó là bởi sau khi ký kết được với các doanh nghiệp cần lao động một cách dài hơi, chúng tôi đã tư vấn tuyển sinh nhằm thu hút nhiều học sinh cho các mã ngành này. Và trong tương lai các ngành chế biến món ăn, CNTT sẽ có những tiềm năng nhất định. Nhất là bây giờ các doanh nghiệp nhà máy sản xuất theo chuỗi, thì hệ thống công nhân có nghề ở các mã ngành này sẽ có cơ hội có việc làm ổn định với mức thu nhập tốt” - ông Dũng cho biết.

Đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cũng theo cách thức đó, ông Lương Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế – Kỹ thuật Nghi Lộc cho biết: Trước tình hình các công ty may đều không nhận học sinh thực tập của trường, chúng tôi đã có những điều chỉnh nhất định, đó là sẽ đào tạo nghề may thời trang là chính chứ không chú trọng nghề may công nghiệp như trước. Vì niên hạn ngành may khá dài, 2,5 năm nên việc dự liệu về thị trường phải thực sự chính xác, có đơn hàng chúng tôi mới tuyển sinh.

Trường cũng chọn ngành nghề chính là nghề kỹ thuật chế biến món ăn, hàn, công nghệ ô tô. Nhiều năm không tuyển sinh đủ chỉ tiêu cho các mã ngành vốn không được xem là "hot", ví như nghề điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí thì năm nay trường sẽ điều chỉnh trong việc tuyển sinh, với quan điểm sẽ liên kết trước rồi mới tuyển sinh sau, tránh việc ngành này "hot" hôm nay thì vài năm sẽ “hết hot” gây khó khăn cho học sinh sau khi tốt nghiệp.

Nghiên cứu thị trường lao động

Theo số liệu tổng hợp từ KKT Đông Nam, đầu năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tới 5.110 vị trí việc làm mới, trong đó ngành dệt may – giày da cần 2.200 vị trí; ngành điện – điện tử cần 2.000 vị trí, các ngành chế biến thủy sản cần 410 vị trí, ngành sản xuất sản phẩm từ gỗ, hóa chất, tre nhựa cần 500 vị trí việc làm. Như vậy, ngành dệt may- giày da, điện tử vẫn có thị phần việc làm cao hơn cả.

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Các ngành hot trước đây như may, giày da vẫn chiếm thị phần lớn trong tuyển dụng mới ở các nhà máy, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thị phần này lực lượng lao động có nghề chỉ chiếm 15%, 85% số lượng còn lại là lao động phổ thông. Những lao động bị sa thải trong quý 4 năm 2022 hầu hết là lao động phổ thông ở ngành may mặc, giày da, linh kiện điện tử. Vì vậy, đối với những lao động có tay nghề, cơ hội ở những thị trường ngoại tỉnh hoặc ở nước ngoài vẫn rất rộng mở.

Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam, thường các đơn vị ngoại tỉnh cũng chỉ tuyển dụng dựa theo nhu cầu thị trường đầu ra, khi họ không phát triển được thị trường mới thì việc tuyển dụng cũng cầm chừng. Do đó, ngành may, giày da vẫn có xu hướng chững lại, nên chúng ta cần đào tạo đúng số lượng theo nhu cầu đã được ký kết với doanh nghiệp.

Theo Đề án về đào tạo nghề, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu đào tạo 329.400 lượt người, gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 254.600 người.

Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 80,9% (trình độ cao đẳng 96,1%, trung cấp đạt 95,4%, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 77,1%); Phấn đấu khoảng 75% chương trình ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia...

Về điều này, ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nêu ý kiến: Để có chiến lược phát triển ngành nghề đúng nhu cầu và xu hướng của thị trường lao động một cách ổn định bền vững, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần có các chiến lược, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và hàng năm về hợp tác đào tạo và tuyển dụng với doanh nghiệp để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác với doanh nghiệp thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác như: Liên kết, đặt hàng đào tạo, mời doanh nghiệp tham gia hội đồng trường hoặc hội đồng quản trị, xây dựng chương trình, giáo trình, giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Tin mới