Bất cập trong đào tạo, tuyển dụng học sinh trường nghề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Xung quanh những nội dung trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự nhìn nhận đa chiều và thay đổi kịp thời để giải quyết những bất cập trong đào tạo, tuyển dụng học sinh, sinh viên tại các trường nghề hiện nay.

Anh Nguyễn Hải Nam – Bí thư Chi đoàn Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật số 1 Nghệ An:

Học sinh, sinh viên trường nghề gặp khó khi tìm việc

Theo quy định, người lao động đủ 18 tuổi mới được xác định là đủ tuổi đi ký hợp đồng tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mô hình đào tạo 9+ đang áp dụng hiện nay, sau khi tốt nghiệp trung cấp, học sinh của chúng tôi mới chỉ 17 tuổi - chưa đủ tuổi tham gia lao động ở các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc các em sau khi tốt nghiệp phải chấp nhận chững lại 1 năm, rất lãng phí thời gian và cơ hội. Không chỉ thế, trong quá trình đào tạo, khi cần phải thực tập, kiến tập, các doanh nghiệp cũng từ chối tiếp nhận đối tượng này khiến các em rất thiệt thòi. Đây là một bất cập, chồng chéo mà Luật Việc làm hiện nay chưa thể xử lý.

Đại diện Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật số 1 Nghệ An góp ý về Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Ảnh: Diệp Thanh

Đại diện Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật số 1 Nghệ An góp ý về Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Ảnh: Diệp Thanh

Liên quan đến lao động chưa đủ 18 tuổi, hiện nay, lực lượng lao động bán thời gian là học sinh, sinh viên làm việc ở các nhà hàng, khách sạn cũng chưa có quy định cụ thể nào về chế độ, quyền lợi. Tại các doanh nghiệp lớn, đã có quy định rồi nhưng việc thực hiện chưa được quán triệt. Thêm vào đó, thủ tục giải quyết khi cần hỗ trợ nguồn vay khởi nghiệp cho đối tượng là học sinh, sinh viên cũng còn nhiều vướng mắc khiến các em không thể tiếp cận được.

Một nội dung khác mà chúng tôi quan tâm là đào tạo nghề ngắn hạn. Bên cạnh lực lượng lao động được đào tạo bài bản chuyên môn, còn có lực lượng lao động phổ thông ngắn hạn để đi làm. Thực tế cho thấy, các lớp đào tạo này mở ra rất nhiều nhưng hiệu quả lại không cao, sau khi được đào tạo, đối tượng học chủ yếu quay về phục vụ cho các đơn vị quy mô gia đình nhỏ lẻ, số còn lại chưa được đào tạo đảm bảo để giới thiệu việc làm, chưa có các quy định, cơ chế hỗ trợ. Các lớp đào tạo ngắn hạn mà chúng tôi đang triển khai tại các trại giam và cơ sở cai nghiện cũng gặp tình trạng tương tự. Điều này gây lãng phí lớn cả về công sức lẫn tiền bạc.

Về công tác tuyển dụng, giới thiệu việc làm, chúng tôi cho rằng, vẫn còn nặng về hình thức, người tham gia chủ yếu là học sinh, sinh viên, chưa hướng được đến đối tượng là lực lượng lao động phổ thông và lao động nông thôn. Trong khi đó, với đối tượng là học sinh, sinh viên, thay vì giới thiệu việc làm thì cần có những sự kiện định hướng chuyên sâu về nghề nghiệp, khả năng, tiềm năng cho các em. Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh và các huyện cần phải thực sự đổi mới, thật sự kết nối doanh nghiệp với lực lượng lao động để có được chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyển dụng.

Ông Nguyễn Khắc An - Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Vinh:

Cần có chính sách thúc đẩy sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp

Phía “đầu ra” cho học sinh tốt nghiệp trường nghề hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cái cần thì chưa hẳn đã có, mà cái có thì chưa hẳn đã cần! Mối quan hệ giữa đào tạo và tuyển dụng vẫn thiếu đi sự liên thông. “Cái bắt tay” giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chương trình đào tạo ít khi “theo kịp” đòi hỏi của thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu tuyển sinh theo nhu cầu của học viên, chứ chưa căn cứ vào “cái bắt tay” với doanh nghiệp. Nội dung đào tạo vẫn nghiêng về kiến thức cũng như kỹ năng cơ bản mà thiếu đi tính chuyên sâu. Không ít trường hợp doanh nghiệp sau khi tuyển dụng lao động thì phải tiến hành đào tạo lại.

Học viên lớp may Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Vinh. Ảnh: CSCC

Học viên lớp may Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Vinh. Ảnh: CSCC

Từ thực tế đó đòi hỏi cần có một sự khâu nối và điều phối nhịp nhàng giữa các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng. Cơ sở đào tạo chỉ tuyển sinh và đào tạo những nghề mà doanh nghiệp đang cần, hay nói cách khác là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đào tạo theo “đơn đặt hàng”. Đó chính là mấu chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, tránh lãng phí và cũng tránh tình trạng lao động được đào tạo nhưng lại thất nghiệp hoặc hành nghề trái với chuyên môn. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo các trường nghề hiện nay cũng chỉ mới dừng lại ở đào tạo nghề mà chưa được trang bị kỹ năng nghề. Nếu doanh nghiệp có sự hỗ trợ ngược lại cho các trường để hoàn thiện kỹ năng nghề cho học viên thì lực lượng đầu ra sẽ là những lao động vừa giỏi chuyên môn, vừa thạo kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Và khi những đối tượng là lao động được đào tạo qua trường lớp, với đầy đủ chứng chỉ, có kiến thức an toàn vệ sinh lao động, có kỹ năng giao tiếp ứng xử, có tác phong công nghiệp… nhận được sự ưu tiên, đãi ngộ xứng đáng thì sẽ có được động lực, say mê trong công việc. Thực trạng không có quá nhiều sự khác biệt về chế độ tiền lương cho đối tượng lao động phổ thông và lao động có bằng cấp hiện nay, dẫn đến việc nhiều lao động xem nhẹ việc học tập, đào tạo, doanh nghiệp dễ dãi trong tuyển dụng".

Ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam:

Cần ưu tiên tuyển dụng và chế độ với lao động được đào tạo nghề

Trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này đã có sự ưu tiên về tuyển dụng và chế độ, chính sách cho lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ nghề. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.

Đại diện một doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam trình bày về chế độ dành cho thực tập sinh các trường nghề khi vào làm tại doanh nghiệp. Ảnh: Diệp Thanh

Đại diện một doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam trình bày về chế độ dành cho thực tập sinh các trường nghề khi vào làm tại doanh nghiệp. Ảnh: Diệp Thanh

Có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc kết nối cung - cầu lao động. Trong 2 năm gần nhất, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện quy mô với sự tham gia của tất cả các trường nghề, đại diện các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn để cải thiện vấn đề này. Mới đây nhất là sự kiện kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp và địa phương tại huyện Tân Kỳ và sắp tới, trong nửa cuối tháng 10 tiếp tục là một sự kiện kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp…

Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo trường nghề rất cao, kể cả các doanh nghiệp tại các huyện như Tân Kỳ, TX. Hoàng Mai, Yên Thành… Tuy nhiên, để sự kết nối được thúc đẩy, các trường cũng cần có sự chủ động trong giới thiệu về năng lực của mình, quảng bá thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp được biết, thay vì chờ đợi người khác tự tìm đến mình. Nếu trong cơ chế, chính sách mới có thêm những quy định, chế tài để thúc đẩy sự phối hợp này thì chắc chắn sẽ đem lại những kết quả khả quan hơn nữa.

Tin mới