Đào tạo nghề may gắn với giải quyết việc làm

(Baonghean) - Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành may công nghiệp trên địa bàn, thời gian qua huyện Diễn Châu và Yên Thành rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề may cho nông dân, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người dân sau khi  đào tạo.

Cách đây không lâu, khi nhà đầu tư Hàn Quốc đến Diễn Châu tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy NAMSUNGVINA đã rất quan tâm đến vấn đề về số lượng và chất lượng tay nghề của công nhân may có đáp ứng được yêu cầu hay không? Và rồi nhà máy đã được xây dựng khi lãnh đạo cam kết đáp ứng yêu cầu về lao động cho nhà đầu tư. Huyện  lập kế hoạch phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức liên quan để mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp trên địa bàn.

Một thuận lợi nữa là có lực lượng lao động nghề may khá đông ở các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, phía Bắc có mong muốn về quê làm việc và đây không những là lao động tay nghề cao, mà còn có vai trò tích cực trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nghề  cho lao động mới. Từ cơ sở đó, đã gây dựng nên sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực đào tạo nghề may ở Diễn Châu và nay trở thành một trong những mũi nhọn trong đào tạo nghề cho nông dân.

Lớp học nghề may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành.

Chị Hồ Thị Thúy (22 tuổi) ở xã Diễn Yên - Diễn Châu hiện đang theo học nghề may công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề Diễn Châu nói rằng: “Vì nghề may công nghiệp phù hợp với năng lực của lao động nữ nông thôn, hơn nữa sau khi đào tạo lại tìm được việc làm trong huyện, có thu nhập ổn định… nên tôi đăng ký đi học tại Trung tâm”. Trung tâm dạy nghề Diễn Châu được Nhà nước đầu tư xây dựng khá đồng bộ với cơ sở khang trang và trang thiết bị dạy nghề hiện đại gồm 12 phòng dạy lý thuyết, 4 phòng thực hành đào tạo nghề điện, tin học, cơ khí, nông lâm và may công nghiệp…

Ông Nguyễn Nhã Sơn – Giám đốc Trung tâm dạy nghề Diễn Châu cho biết: “Thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1956/QĐ – TTg, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 22 lớp may công nghiệp với 653 học viên và cùng với đó liên kết mở thêm nhiều lớp dạy may cho hàng trăm học viên. Sau khi đào tạo nghề, phần lớn đều có việc làm tại các doanh nghiệp may trên địa bàn. Trong thời gian tới, cùng với sự đầu tư của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm tiếp tục liên kết mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề may để đáp ứng nhân lực cho các doanh nghiệp may trong vùng và các khu công nghiệp trong cả nước”.

Diễn Châu  còn liên kết với các doanh nghiệp may trên địa bàn như: Công ty NAMSUNG VINA đào tạo 500 lao động nghề may; Doanh nghiệp Tuấn Phương (Diễn Phong) đào tạo và giải quyết 150 lao động nghề may công nghiệp; Doanh nghiệp may ở Diễn Ngọc, Diễn Vạn đào tạo, giải quyết việc làm tại chỗ 160 lao động… Được biết, nhu cầu tuyển dụng lao động nghề may công nghiệp ở Diễn Châu còn  lớn. Hiện tại Công ty NAMSUNG VINA đã có 1.400 lao động và theo lộ trình của doanh nghiệp khi đầu tư giai đoạn 2 sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.000 lao động, cùng với đó một số doanh nghiệp khác cũng tiếp tục đầu tư nhà máy mới, nâng công suất hoạt động… Không phải lo lắng “đầu ra” của lao động ngành may, vì vậy huyện Diễn Châu trong thời gian tới sẽ tập trung công tác đào tạo nhân lực lao động nghề may.

Còn ở Yên Thành, thời gian gần đây, huyện đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó nghề may công nghiệp thu hút được nhiều lao động nữ tham gia. Tiên phong trong việc đào tạo nghề may  là Trường Trung cấp nghề - kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành. Tại đây, những nông dân vùng đất lúa Yên Thành vốn chỉ quen với công việc đồng ruộng sau khi tham gia lớp đào tạo nghề dài hạn đã thành thạo, khéo léo với nghề may công nghiệp.

Ông Trần Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề - kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành khẳng định: “ Sở dĩ nhà trường luôn thu hút được rất đông lao động nông thôn học nghề may công nghiệp, bởi trường bảo đảm được 100% học viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm đúng với ngành nghề đã học. Thời gian qua, do trường làm tốt công tác đào tạo nghề, nên có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sẵn sàng đón nhận lao động nghề may. Từ năm 2011 đến nay, nhà trường đã đào tạo nghề may cho hơn 1.000 người và sau khi tốt nghiệp, đều có việc làm”.

Hiện nay, Công ty TNHH MLB TENERGY là doanh nghiệp may của Nhật Bản đầu tư tại Yên Thành đã thu hút hơn 500 lao động ngành may và trong số đó phần lớn đã được đào tạo nghề tại Trường Trung cấp nghề - kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành. Số lao động còn lại được các doanh nghiệp may khác tuyển dụng. Trong 7 tháng đầu năm 2013, nhà trường đã tổ chức 11 lớp may công nghiệp với hơn 400 học viên và tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhà trường có phương án đào tạo nghề trong thời gian phù hợp, đáp ứng được số lượng, chất lượng lao động…

Qua khảo sát của huyện Yên Thành, năm 2013 này có khoảng 949 người có nhu cầu được đào tạo nghề may công nghiệp, nhưng do nguồn kinh phí đầu tư cho việc đào tạo nghề lao động nông thôn hạn chế, nên người dân thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách  được hưởng lợi là chưa nhiều. Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề may còn hạn chế, tại Khoa đào tạo nghề may công nghiệp - Trường Trung cấp nghề - kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành chỉ có 75 máy may công nghiệp, do đó phải thuê thêm 25 máy may cho học viên.

Tình trạng thiếu thiết bị thực hành cho học viên cũng xẩy ra tại Trung tâm dạy nghề Diễn Châu. Được biết tại Diễn Châu, năm 2011 có 2.100 nông dân có nhu cầu được đào tạo nghề may, nhưng  cũng vì gặp khó khăn về kinh phí, nên chỉ có 164 lao động được đào tạo; Năm 2012 nhu cầu là hơn 1.000 người chỉ đào tạo 302 người, và trong 7 tháng đầu năm 2013 đào tạo 185 người.

Như vậy, nhu cầu được đào tạo nghề của người dân nông thôn là rất lớn. Để đáp ứng nguồn nhân lực lao động nghề may, thì các cấp, ngành liên quan cần xây dựng phương án đào tạo nghề phù hợp, đồng thời ưu tiên nguồn vốn đầu tư, nhằm giúp thêm nhiều người dân nghèo được hỗ trợ học nghề may.

Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh

Tin mới