Dấu ấn lịch sử của robot thăm dò sao chổi

Chương trình khám phá sao chổi của châu Âu đã tạo cột mốc đáng nhớ trong lịch sử khi lần đầu tiên đưa được tàu đổ bộ lên bề mặt một sao chổi, mở ra nhiều cơ hội khám phá lịch sử hình thành hệ Mặt Trời.
Mô phỏng Philae trên bề mặt sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Ảnh: ESA
Mô phỏng Philae trên bề mặt sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Ảnh: ESA
Tàu vũ trụ Rosetta mang theo robot Philae bắt đầu hành trình từ Trái Đất cách đây 10 năm, di chuyển trên quãng đường 10 tỷ km trước khi đến gần sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hồi tháng 8. Philae tách khỏi tàu Rosetta khoảng 16 giờ (giờ Hà Nội) ngày 12/11 và hạ cánh 7 giờ sau đó. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết tàu vũ trụ Rosetta đã phải di chuyển đến đúng vị trí để Philae, vốn không có động cơ đẩy, "hạ cánh tự do" vào đúng quỹ đạo của 67P/Churyumov-Gerasimenko.
Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko được phát hiện năm 1969. Nó có đường kính 4 km và nằm cách Trái Đất khoảng 500 triệu km.
Philae nặng khoảng 100 kg, có kích thước tương đương một chiếc máy giặt gia đình. Philae được trang bị hàng loạt thí nghiệm để chụp ảnh và kiểm tra bề mặt 67P, cũng như tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra khi xuất hiện hiệu ứng nung nóng của Mặt Trời, gây ra bụi và khí.
Trên 67P, cảm biến của tàu đổ bộ sẽ đo đạc mật độ và tính nhiệt của bề mặt. Hệ thống phân tích khí sẽ phát hiện và xác định chất hóa học hữu cơ phức tạp có thể tồn tại. Các thử nghiệm khác có nhiệm vụ đo từ trường, tương tác giữa sao Chổi và gió Mặt Trời. Philae đồng thời mang theo một máy khoan nhỏ, có thể khoan sâu khoảng 20 cm và cung cấp vật liệu cần thiết.
Sau khi rời tàu mẹ và bắt đầu hạ dần độ cao, Philae có thể bị đánh bật trở lại. Trong một cuộc họp báo, ESA cho hay sao Chổi 67P có lực hấp dẫn yếu, vì vậy các móc neo đậu được thiết kế phóng và để ấn định vị trí lên bề mặt. Tuy nhiên, quá trình này đã thất bại.
Theo Stephan Ulamec, người đứng đầu chương trình robot Philae, robot này có thể không hạ cánh một lần mà là hai lần lên 67P. ESA hy vọng có thể có thêm thông tin chính xác vào ngày mai.
Một hình ảnh được ghi lại từ bề mặt 67P. Ảnh: ESA
Một hình ảnh được ghi lại từ bề mặt 67P. Ảnh: ESA
Dấu ấn lịch sử
Giới chuyên gian nhận định sự kiện tối qua là hoạt động hạ cánh mềm đầu tiên, hay hạ cánh có kiểm soát, được thực hiện trong lịch sử. Với bước đi này, họ hy vọng có thể tìm hiểu thêm các thành phần của sao Chổi và cách chúng tương tác với gió Mặt Trời. Trong một số sứ mệnh trước đây, tàu vũ trụ từng gặp sự cố và đâm vào thiên thể này.
"Sứ mệnh đầy tham vọng của Rosetta đã ghi lại dấu ấn trong sách lịch sử, không chỉ là lần đầu tiên gặp gỡ và đi vào quỹ đạo một sao chổi, mà còn là lần đầu tiên đưa tàu đổ bộ lên bề mặt nó", Jean-Jacques Dordain, giám đốc ESA, khẳng định.
"Rosetta có nhiệm vụ tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi lớn về lịch sử hình thành hệ Mặt Trời. Các điều kiện tự nhiên trong giai đoạn đầu như thế nào và đã phát triển ra sao? Sao Chổi đóng vai trò gì trong quá trình tiến hóa này hay chúng hoạt động như thế nào?", Matt Taylor, một nhà khoa học thuộc dự án, nói.
Theo tác giả khoa học viễn tưởng Alastair Reynolds, thành công của ESA có thể được ví như khoa học viễn tưởng đã trở thành hiện thực. Rosetta đồng thời cũng đưa con người tiến một bước gần hơn đến câu trả lời lớn nhất, rằng liệu chúng ta có cô đơn giữa vũ trụ này hay không.
Bên cạnh kết quả khoa học, thách thức và tham vọng của sứ mệnh này có thể chứng minh rằng chương trình khám phá hệ Mặt Trời đã có một bước tiến lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các nghiên cứu khác trong tương lai.
Theo.VnExpress

Tin mới