Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Chiều 26/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành, các huyện, thành, thị, các trường cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt xa kế hoạch

Năm 2023, công tác giải quyết việc làm đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao; nhất là hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có kết quả vượt xa kế hoạch đề ra.

Biểu đồ - Lao động việc làm.png
Đồ hoạ: Hữu Quân

Theo đó, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 47.919 người (đạt 111,44% kế hoạch giao, tăng 6,48% so với năm 2022), trong đó, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 25.157 người (đạt 173,5% kế hoạch); làm việc trong tỉnh là 14.000 người; làm việc ở các tỉnh khác là 8.762 người.

bna_Hội nghị XKLĐ_1.jpg
Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024. Ảnh: Minh Quân

Thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản từ 34,89% năm 2022 xuống 34,63% năm 2023, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng từ 32,60% năm 2022 lên 32,84% năm 2023, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ từ 32,48% năm 2022 lên 32,53% năm 2023.

Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên đảm bảo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%. Giải quyết việc làm đạt kết quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

bna_Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Wooin Vina (Cụm Công nghiệp Tháp Hồng Kỷ, huyện Diễn Châu) (2).jpg
Công nhân làm việc trong một công ty may trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Minh Quân

Tuy vậy, công tác giải quyết việc làm của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; thông tin các chính sách, pháp luật về lao động đến người lao động còn hạn chế; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn lớn.

Cùng với đó, trong năm, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, dịch vụ... dẫn đến nhiều người lao động phải chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu lao động của địa phương ít, chủ yếu là các doanh nghiệp ở tỉnh ngoài dẫn đến công tác tạo nguồn gặp khó khăn. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số địa phương, nhất là miền núi kết quả chưa cao.

Nâng chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Để thực hiện đạt mục tiêu giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm ổn định phục hồi và phát triển kinh tế, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động có tay nghề cao.

bna_Hội nghị XKLĐ_3.jpg
Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý lao động địa phương với các doanh nghiệp; giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty để ký kết thỏa thuận thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, sử dụng.

Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý và năng lực hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để giới thiệu về các huyện, thành, thị và cơ sở tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định.

Tiếp tục triển khai các gói vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để người lao động tiếp cận vốn vay, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa.

bna_Tư vấn xuất khẩu lao động tại Hội chợ việc làm huyện Kỳ Sơn.jpg
Tư vấn xuất khẩu lao động tại Hội chợ việc làm huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Minh Quân

Về phía các địa phương, cần phối hợp chặt chẽ các đơn vị làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu cầu thị trường lao động; quản lý chặt chẽ đối tượng lao động trong độ tuổi, lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, lao động làm việc tại thị trường các nước...

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia để đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài, để họ nhận thức được rằng, ra nước ngoài làm việc không chỉ để có thu nhập về kinh tế, mà quan trọng hơn được rèn luyện hiểu biết ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật, xây dựng tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề cho chính bản thân họ, từ đó, có thể chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới, giúp thoát nghèo bền vững.

bna_Hội nghị XKLĐ_2.jpg
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ảnh: Minh Quân

Dịp này, có 54 tập thể là các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023./.

Tin mới