Để mô hình 'ở lại' với bà con

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương giúp bà con đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đã có hàng chục mô hình kinh tế, dự án đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số. Nhưng vì lý do nên nhiều mô hình, dự án đến rồi đi không ở lại với bà con. 

Cây mây dự án ở bản Nam Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) đã quá lứa không có người mua.
Cây mây dự án ở bản Nam Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) đã quá lứa không có người mua.

Chỉ tính riêng tại huyện Con Cuông, trong 2 năm qua có 3 mô hình dự án: Dự án trồng cây đinh lăng tại bản Tân Hương, xã Yên Khê; Dự án trồng cây mây nếp tại bản Nam Đình, xã Chi Khê và dự án trồng chuối tiêu hồng tại bản Cửa Rào, xã Môn Sơn đã bị phá sản hoàn toàn.

Các mô hình kinh tế, dự án không hiệu quả ngoài việc thất thoát tiền bạc Nhà nước, tổ chức cá nhân nhà hảo tâm, công sức lao động của bà con mà còn ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của bà con các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Để mô hình, dự án kinh tế có hiệu quả ở lại với bà con, theo chúng tôi cần thực hiện những nội dung sau:

Thứ nhất: Cần nghiên cứu kỹ về chất đất, chế độ khí hậu, thời tiết... có phù hợp hay không? Mỗi loại cây trồng, vật nuôi muốn sinh trưởng và phát triển tốt phụ thuộc vào chế độ khoáng chất trong đất nó cần và có đủ.

Trước đây, do không nghiên cứu kỹ về môi trường, khí hậu thời tiết, cây bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh được chiết ghép đem về trồng khắp các huyện trong tỉnh Nghệ - Tĩnh, nhưng do chất đất và chế độ nắng gió không phù hợp nên quả bưởi chỉ to bằng quả cam, không có múi.

Rồi cây hồng, cây xoài dự án đem về trồng, hồng thì chát, xoài thì chua, bán chẳng ai mua, bà con phải chặt bỏ. Rồi cây vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang sau vài năm chăm bón chỉ thấy cành và lá, quả nhỏ không đem lại hiệu quả kinh tế lại phải thay thế cây trồng khác. Bởi vậy, nghiên cứu kỹ về chất đất, thời tiết khí hậu, môi trường nếu thấy phù hợp là yếu tố quyết định cho giống cây trồng, vật nuôi đó tồn tại và sinh trưởng phát triển.

Thứ hai: Đối với đồng bào dân tộc, một số nơi kiến thức làm ăn, phong tục tập quán vùng chưa theo kịp tư duy hàng hóa, kỹ thuật mới. Bởi vậy, khi triển khai mô hình cần tổ chức tập huấn hướng dẫn chi tiết cho bà con thực hành trồng thử và tăng cường công tác đôn đốc, giám sát kỹ thuật, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm túc các quy trình.

Thứ ba: Lâu nay, các mô hình dự án được triển khai ở các địa phương chưa có biện pháp giao trách nhiệm cho cán bộ và các phòng, ban nhận và phụ trách. Nên trách nhiệm chung chung, không ai phải chịu liên đới khi mô hình, dự án thất bại. 

Để mô hình, dự án có hiệu quả, theo chúng tôi cần giao rõ trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân để dồn công sức, trí tuệ thực hiện thành công. Nếu mô hình, dự án thành công cần có chế độ khen thưởng xứng đáng, nếu thất bại phải chịu trách nhiệm, thậm chí bồi hoàn kinh phí. 

Dự án trồng Đinh Lăng ở bản Tân Hương Yên Khê hoán toàn bị phá sản
Dự án trồng Đinh Lăng ở bản Tân Hương Yên Khê hoán toàn bị phá sản

Làm được như vậy vừa tròn trách nhiệm phục vụ dân của cán bộ, công chức vừa nâng cao kiến thức, đúc rút kinh nghiệm để mô hình, dự án tiếp theo được triển khai tốt hơn. 

Niềm tin của bà con nông dân chỉ hình thành khi được thấy tận mắt hiệu quả kinh tế của các mô hình, dự án. 

Phùng Văn Mùi 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới