Điểm sáng dạy chữ, dạy người

(Baonghean) - 30 năm là quãng thời gian đáng nhớ, ghi dấu một chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An thành một trong những điểm sáng về giáo dục của tỉnh nhà và là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường Dân tộc nội trú của cả nước.
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có quyết định thành lập từ ngày 4/12/1982 với tên gọi đầu tiên là “Trường thanh, thiếu niên dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh”. Đây là một cột mốc đáng nhớ, bởi chủ trương xây dựng một ngôi trường tập trung cho học sinh vùng rẻo cao đã được tỉnh ta đặt ra từ những năm 60 của thập kỷ trước, nhưng vì chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác nhau nên gần 20 năm sau mới có thể thực hiện. 
l Học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh tham dự Hội thi Văn hóa thể thao các trường DTNT toàn quốc.
Học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh tham dự Hội thi Văn hóa thể thao các trường DTNT toàn quốc.
Trường ra đời  nhằm tập hợp con em các dân tộc về học tại thành phố để tiếp cận với  phong trào giáo dục tiên tiến và được kỳ vọng sẽ là nơi “tạo nguồn, đào tạo cán bộ người dân tộc”. Tuy nhiên, vì đặc thù riêng nên từ khi có tên gọi đến khi đón khóa học sinh đầu tiên, trường gặp rất nhiều khó khăn, mất ròng rã hơn 2 năm chuẩn bị. Nhắc lại những ngày ấy, thầy giáo Nguyễn Xuân Trạch - nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Khi đó trường đã có đầy đủ bộ máy nhưng ngay cả các thành viên trong ban lãnh đạo cũng chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu khi trường chưa có địa điểm, chưa biết sẽ hoạt động theo cơ chế nào. Có người còn lo ngại: “Liệu có học sinh đến học không?”. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi phải “vừa hành quân vừa xếp hàng”, theo phương châm “vừa chiêu sinh, vừa mở trường”.
Đích thân lãnh đạo tỉnh cùng anh em ra khảo sát ở Trường Dân tộc nội trú Việt Bắc, Trường Dân tộc nội trú Tây Nguyên để tìm hiểu về việc xây dựng trường. Riêng về việc tìm địa điểm là một hành trình dài, nhiều gian nan” -  thầy Trạch nhớ  lại. Chừng ấy thời gian chuẩn bị nên quên sao được lễ khai giảng đầu tiên của trường vào ngày 15/10/1984. Dù hôm ấy, trời mưa rất to, khóa học thứ nhất chỉ có 154 học sinh ở cả hai cấp từ lớp 6 đến lớp 11. Trường cũng chỉ mới được sửa sang lại trên nền của một nhà máy cũ, sân trường ngập nước mênh mông nhưng trên gương mặt của 34 lãnh đạo, giáo viên nhà trường và các quan khách từ Trung ương đến tỉnh không ai giấu được nỗi vui mừng. Từ hôm ấy, trường cũng chính thức được đổi tên là Trường phổ thông trung học dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh.
Quá trình đi vào hoạt động, khó khăn vẫn chồng chất, trong đó điều lo ngại hơn cả là tính chuyên cần của học sinh và chất lượng giáo dục. Đây cũng là một điều dễ hiểu, bởi chủ trương của tỉnh lúc bấy giờ chỉ tuyển sinh học sinh ở 130 xã đặc biệt khó khăn, ưu tiên nhiều cho học sinh người Mông và người dân tộc Khơ Mú. Thế nhưng, lúc bấy giờ, nhiều học sinh đồng ý xuống trường học được một thời gian lại trốn trường bỏ về. Trong số học sinh bỏ học, nhiều nhất là các em lớp 6, năm học đầu tiên tỷ lệ bỏ học lên đến 30%. Để giữ học sinh, ngày nào giáo viên cũng phải cùng ăn, cùng ở với các em. Dịp Tết, ngày lễ, bên cạnh việc lo cho các em đi đến nơi về đến chốn, nhà trường còn tổ chức nấu bánh chưng để các em về làm quà, động viên các em ăn Tết xong lại xuống trường. Chất lượng giáo dục những ngày đầu cũng là điều khiến giáo viên nhà trường trăn trở. Không ai có thể vui khi khóa học đầu tiên ra trường, 17 học sinh đi thi đại học điểm cộng lại vẫn chưa đủ chuẩn. Sang năm học 1985 - 1986, trường mới có học sinh đầu tiên thi Đại học Sư phạm được 10 điểm và đủ để tuyển đi học dự bị ở Trường Dân tộc Trung ương.
Chất lượng giáo dục của nhà trường  bắt đầu có sự chuyển biến tích cực kể từ sau năm 1990, khi nhà trường đã chủ động hơn trong việc tuyển sinh đầu vào, chuyển từ  “chiêu sinh” sang “tuyển sinh”, từ “mời” đến “thi tuyển” và  đội ngũ giáo viên của nhà trường ngày càng được nâng cao về trình độ cũng như số lượng. Bên cạnh đó, trường cũng đã mạnh dạn xây dựng nhiều phương pháp dạy học mới, như giảm chương trình để phù hợp với học sinh miền núi, thêm lớp, thêm tiết, gắn dạy học với thực hành, khuyến khích giáo viên  thiết kế bài dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh nhằm lôi cuốn tạo sự hứng thú, say mê của học sinh vào bài học. Với đặc thù riêng của nhà trường, song song với dạy theo thời khóa biểu A, nhà trường còn tổ chức dạy theo thời khóa biểu B cho học sinh vào những buổi chiều không có tiết học chính, những ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, vào buổi tối, để tăng cường phụ đạo thêm cho học sinh, nhất là những học sinh lực học còn yếu.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, nơi ăn, chốn ở cho học sinh cũng được quan tâm, trường có khu ký túc xá khang trang, khu bếp ăn tập thể, nhà chức năng được đầu tư đầy đủ, chế độ cho học sinh luôn được đảm bảo, đúng chính sách. Sự thay đổi tích cực đó giúp cho lượng học sinh đăng ký vào trường tăng dần qua từng năm và đến nay  mỗi năm trường đáp ứng được từ 20 - 30% hồ sơ đăng ký vào trường. Từ năm 2010 đến nay, trường được xếp thi học sinh giỏi ở bảng A cùng với hệ thống các trường THPT khác và tỷ lệ đạt học sinh giỏi trung bình mỗi năm đạt từ  60 - 70%, tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng chiếm từ 80 - 85%, nhiều em đậu điểm cao, đậu thủ khoa được đi du học nước ngoài. Trên phạm vi toàn quốc, nhà trường luôn ở tốp dẫn đầu trong các cuộc thi tài năng về các môn văn hóa cơ bản, các môn nghệ thuật, thể thao.
Riêng trong năm 2014 tại Hội thi Văn hóa - Thể thao các trường DTNT toàn quốc tổ chức tại Cần Thơ, nhà trường đạt 7/9 Huy chương Vàng, 8/9 huy chương Bạc, đứng thứ 2/47 đoàn về tham dự. Tâm sự về quá trình trưởng thành của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Vân, Tổ trưởng tổ Văn chia sẻ: Không chỉ riêng học sinh mà bản thân giáo viên chúng tôi ngày đầu ai mới vào trường cũng nhiều bỡ ngỡ bởi khó khăn trong giao tiếp, trong thói quen, trong phong tục, tập quán. Nhưng càng ở trong hoàn cảnh đó, anh, chị em trong trường bảo nhau mình phải tận tụy hơn nhiều lần, phải bám trường, bám lớp gấp đôi, gấp ba so với giáo viên trường khác. Thành quả cuối cùng chính là kết quả học tập của các em. Chúng tôi hiểu rằng mọi thành công đều có được từ ngôi trường này, từ chính học trò thân yêu của mình.
Nữ sinh tập thêu  tại ký túc xá  của trường. 	 Ảnh: M.H
Nữ sinh tập thêu tại ký túc xá của trường. Ảnh: M.H
Thành công của mô hình Trường Dân tộc nội trú Nghệ An đã chứng minh đây là một mô hình giáo dục hiệu quả và sau này được nhiều địa phương khác đến học tập kinh nghiệm. Quan trọng hơn, từ khi Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được thành lập, vấn đề tạo nguồn cán bộ người dân tộc mới được đặt ra một cách mạnh mẽ và có sự đầu tư đúng. Nhìn lại quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của nhà trường cũng đã thấy từ khi thành lập đến nay dù khó khăn hay thuận lợi thì trên mỗi bước đường của nhà trường luôn nhận được sự ưu tiên của lãnh đạo tỉnh, của các ban, ngành và đặc biệt là sự quan tâm trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo cao cấp và của đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh. Sự quan tâm đặc biệt này cũng đòi hỏi nhà trường phải cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp tục khẳng định đây là trung tâm giáo dục dân tộc có chất lượng cao của giáo dục tỉnh nhà và là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường Dân tộc nội trú của cả nước.
Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng này, theo thầy giáo Nguyễn Văn Trung - Hiệu trưởng nhà trường: Thời gian tới trên tinh thần của Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” trường sẽ xây dựng hệ thống chương trình giảng dạy phù hợp, thiết thực với học sinh. Tích cực có kế hoạch phụ đạo kèm cặp để học sinh nắm vững kiến thức cơ bản. Kiên quyết tránh bệnh thành tích, chỉ chú ý thành tích mũi nhọn mà không chú ý đến chất lượng đại trà. Ngoài ra, bên cạnh việc học tập văn hóa phải duy trì giữ gìn nề nếp, giáo dục và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động như văn nghệ, thể thao, giao lưu.
Nhà trường cũng sẽ chú trọng giáo dục cho cán bộ giáo viên và học sinh nắm vững đường lối, chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc miền núi nói chung, đặc biệt về công tác giáo dục dân tộc nội trú nói riêng. Từ đó xác định cho cán bộ, giáo viên tinh thần thái độ phục vụ công tác ở một đơn vị đặc thù như Trường Dân tộc nội trú. Đó là hết lòng yêu thương học sinh, kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, gần gũi học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động, lấy kết quả giáo dục - đào tạo làm mục tiêu lớn nhất, làm thước đo quý giá nhất cho việc hoàn thành nhiệm vụ cao quý của nhà trường.
Chặng đường 30 năm qua, dấu ấn quan trọng nhất không chỉ là những Huân, Huy chương, không chỉ là bằng khen, giấy khen mà ý nghĩa hơn cả là từ đây nhà trường đã thực sự tạo nên một mái ấm thứ 2 để dạy chữ, dạy người cho con em đồng bào dân tộc xứ Nghệ. Để rồi, trong mãi ký ức mỗi học sinh sẽ không quên: “Thành phố yêu thương đón chúng em từ trăm ngả/Nơi đây cho em tình người/Nơi đây cho em cuộc đời/Cho em bao trí tuệ/Mang hương rừng đi mang trái ngọt trở về/Xây đẹp bản làng/Xây đẹp mái tình quê…”. 
Mỹ Hà

Tin mới