Diễn Châu: Hỗ trợ ngư dân đầu tư bám biển, vươn khơi

(Baonghean.vn) - Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, ngư dân Diễn Châu đã tích cực đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp công suất tàu thuyền để bám biển, vươn khơi…

Bà con ngư dân Diễn Ngọc, Diễn Châu tích cực đóng tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt hải sản.

Sau hai ngày vươn khơi, con tàu công suất 90 CV của gia đình anh Vũ Đình Tuấn- xóm Bắc Chiến Thắng, xã Diễn Bích trở về với đầy ắp cá tôm. Anh Tuấn phấn khởi cho biết: Từ ngày đóng tàu mới, mỗi chuyến biển bình quân cũng được 100 triệu đồng.  Ông Nguyễn Nam Hải ở xóm Hải Nam vừa đóng chiếc tàu mới có công suất 100CV, tổng kinh phí trên 700 triệu đồng cũng cho hay: Trước đây với đôi tàu cũ công suất 48CV, thu nhập của gia đình sau những chuyến đi biển thường bấp bênh. Giờ được hỗ trợ 36 triệu đồng đóng thuyền to ra khơi xa giúp gia đình nâng sản lượng đánh bắt từ vài tấn lên 15- 20 tấn hải sản mỗi chuyến vươn khơi...

Một chuyến đi biển thắng lợi của ngư dân Diễn Bích.

Tàu cập bến cá Diễn Ngọc.

Thu mua cá tại bến cá Diễn Ngọc.

Hiện nay, Diễn Bích là địa phương có số tàu xa bờ nhiều nhất huyện với hơn 1.000 lao  động theo nghề biển. Theo ông Thạch Đình Nghĩa- Phó chủ tịch UBND xã thì cùng với Nghị quyết 09 của tỉnh, cuối năm 2012 HĐND huyện cũng đã có Nghị quyết số 10 hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu công suất 90 CV trở lên với mức 20 triệu đồng/ tàu. Trong vòng hai năm trở lại đây, số tàu đánh bắt xa bờ của xã tăng lên đáng kể. Từ chỗ chỉ có vài chục đôi tàu công suất lớn, đến nay, toàn xã có 199 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 62 thuyền công suất từ 90- 350 CV.

Đầu năm nay có 2 hộ đóng mới tàu công suất lớn thuộc diện sẽ được hỗ trợ 20 triệu theo Nghị quyết số 10 của HĐND huyện là ông Đặng Hiểu Nam ở xóm Bắc Chiến Thắng và ông Nguyễn Văn Dũng ở xóm Hải Đông với hai chiếc tàu đóng mới công suất 90 CV. Các chủ tàu được phân bố trong 12 tổ hợp tác khai thác thủy sản, mỗi tổ năm người. Với tàu công suất lớn và có sự liên kết trong khai  thác hải sản, bà con ngư dân yên tâm vươn khơi xa bám biển dài ngày, đem lại năng suất cao và thu nhập tương đối ổn định. Các đôi tàu xa bờ sau khi trừ chi phí đều đem về cho các chủ tàu từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm toàn xã đánh đánh bắt được hơn 3429 tấn hải sản, tổng trị giá hơn 68 tỷ đồng.

 

Còn ở xã Diễn Ngọc, chính hiệu quả mang lại từ khai thác hải sản đã khiến bà con tích cực chuyển đổi từ tàu công suất nhỏ sang công suất lớn. Đảng ủy xã Diễn Ngọc còn ra hẳn một nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển, chuyển đổi nghề cá từ đánh bắt thô sơ ven bờ, sang mua tàu xa bờ đánh bắt cá ở độ sâu 30m nước trở lên. Xã giao cho các tổ chức đoàn thể quần chúng phối hợp, hướng dẫn các chủ tàu làm thủ tục vay từ ngân hàng chính sách hàng chục tỷ đồng để giúp hộ nghèo, gia đình chính sách đầu tư mua sắm ngư cụ, thuyền lưới. Đồng thời kêu gọi con em Diễn Ngọc đang công tác trong các cơ quan nhà nước, làm ăn ở nước ngoài gửi tiền về đầu tư phát triển kinh tế biển.

Việc đầu tư tàu to, máy lớn đem lại hiệu quả cao trong khai thác cá cho người dân Diễn Ngọc.

Với cách làm đó, toàn xã  hiện có trên 400 phương tiện, trong đó có gần 50 tàu có công suất 90 CV, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt gần 14000 tấn. Lãnh đạo xã cho hay, nhu cầu sửa chữa, cải hoán và nâng cấp tàu thuyền đánh bắt của ngư dân để phục vụ cho chuyển đổi khai thác vùng lộng ra vùng khơi khiến nghề đóng tàu thuyền cũng có cơ hội để phát triển. Toàn huyện có 10 cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, thì xã Diễn Ngọc có 9 cơ sở và Diễn Bích có 1 cơ sở. Bình quân mỗi năm các cơ sở trên đã đóng mới được trên 100 tàu thuyền và sửa chữa hàng nghìn lượt tàu thuyền, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương và các vùng lân cận.
 
Ông Phan Xuân Vinh- Trưởng phòng nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Thấy được hiệu quả của việc đánh bắt xa bờ mang lại, cùng với chủ trương khuyến khích ngư dân tham gia vào các tổ hợp khai thác thủy sản, hội nghề cá, cuối năm 2012, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 10 có cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/tàu để mở rộng phạm vi khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi. Hiện toàn huyện hiện có gần 1.500 phương tiện đánh bắt trên biển, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 30.000 tấn.

Riêng 7 tháng đầu năm 2013 tổng sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 19.937 tấn, trong đó sản lương khai thác là 17.206 tấn…Hiện huyện đang tập trung chỉ đạo các xã vùng biển tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 10 khuyến khích ngư dân tiếp tục đầu tư tàu có công suất lớn để nghề khai thác hải sản phát triển một cách bền vững.

Khánh Ly

Tin mới