Doanh nghiệp Nghệ An chủ động, nhạy bén trong ứng dụng công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Cùng với sự định hướng, hỗ trợ của các cơ quan chức năng về chuyển đổi số, đội ngũ doanh nghiệp Nghệ An đang từng bước chủ động ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, kinh doanh nhằm nâng khả năng thích ứng, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nghiệp tài chính ngân hàng đi đầu

Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng bắt buộc. Các doanh nghiệp phải chuyển đổi để phát triển và tránh nguy cơ tụt hậu. Tại Nghệ An, cùng với những định hướng của chính sách về chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp đang tích cực ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, khối doanh nghiệp ngành tài chính, ngân hàng luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ số.

bna_Các ngân hàng phối hợp với lực lượng đoàn thanh niên tuyên truyền người dân thanh toán không dùng tiền mặt thông qua cứng dụng thông inh quét mã QR Ảnh tư liệu PV.png
Các ngân hàng phối hợp với lực lượng đoàn thanh niên tuyên truyền người dân thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng thông minh quét mã QR. Ảnh tư liệu: PV

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An (BIDV Nghệ An), lãnh đạo đơn vị cho biết, thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ, của UBND tỉnh, đơn vị đã triển khai trên hầu hết các lĩnh vực, trong giai đoạn 2021-2025 tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công. Ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị như Công ty CP Cấp nước Nghệ An, Công ty Điện lực Nghệ An, Bảo hiểm xã hội Nghệ An, Kho bạc Nhà nước, các trường học, bệnh viện để triển khai.

Trong đó, nhiều dịch vụ giao dịch trực tuyến được ứng dụng công nghệ cao như công nghệ eKYC (định danh điện tử). Tính đến hết năm 2023, có 35 trường học từ mầm non đến đại học, sau đại học trên địa bàn Nghệ An đăng ký liên kết sử dụng dịch vụ thu hộ học phí và 2 bệnh viện lớn sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Ngân hàng BIDV.
Là khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng, chị Trần Thu Hằng ở phường Trung Đô, thành phố Vinh cho biết, việc các ngân hàng chủ động liên kết với các cơ quan như công ty cấp nước, điện lực, trường học đã giúp chị chủ động rất nhiều trong việc quản lý chi tiêu cũng như thời gian để đi nộp tiền.

“Cấp tiểu học hay trung học, phụ huynh chỉ cần nhập mã số học sinh đã đăng ký qua ứng dụng và tài khoản ngân hàng, số tiền cụ thể được tự động nhập và tự động trừ trong tài khoản. Những tiện lợi về công nghệ thông tin đã giúp tôi giảm được rất nhiều thời gian so với trước đây khi phải đến tận nơi nộp các phí, quỹ, tiền học cho con cái” - chị Trần Thị Hằng cho biết.

bna_dv ngân hàng.png
Nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh chuyển đổi số với nhiều dịch vụ, ứng dụng thanh toán trên thiết bị điện thoại thông minh. Ảnh: HT

Sự hợp tác, liên kết này đã giúp Ngân hàng BIDV Nghệ An phát triển thêm 33.120 khách hàng là cá nhân và 290 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trong năm 2023. Hiện nay, BIDV Nghệ An có 124.000 khách hàng cá nhân sử dụng sản phẩm dịch vụ BIDV Smartbanking, chiếm 50% khách hàng đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng này. Ngân hàng cũng phối hợp với Tỉnh đoàn lắp đặt mã QR tại các cửa hàng để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với 1.400 hộ tiểu thương. Nhờ đó, chỉ trong năm 2023, qua Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghệ An đã có 15,4 triệu giao dịch trực tuyến với giá trị 172 tỷ đồng, trong đó hình thức quét mã QR là 5 triệu giao dịch với giá trị 68,5 tỷ đồng.
Không chỉ các doanh nghiệp khối tài chính, ngân hàng, các hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh chế biến nông sản cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình hoạt động của đơn vị. Tại Công ty CP Dược liệu Pù Mát ở thị trấn Con Cuông, ông Mạc Diện - Giám đốc công ty cho biết, nhờ thực hiện chuyển đổi số sớm nên hiệu quả kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm được cải thiện rõ rệt so với khi chưa áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trước đây.

BNA_ok Ứng dụng các nền tảng bán hàng trên mạng xã hội giúp Công ty dược liệu Pù Mát tiếp cận bán sản phẩm đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.jpg
Ứng dụng các nền tảng bán hàng trên mạng xã hội giúp Công ty dược liệu Pù Mát tiếp cận bán sản phẩm đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ảnh: HT

“Chuyển đổi số thực sự không chỉ giúp doanh nghiệp không bị lạc hậu, tụt hậu mà còn tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, chúng tôi đang sử dụng các phần mềm kế toán, ứng dụng quản lý bán hàng trên các nền tảng Internet như Shopee, Lazada, quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo… Hiện, công ty đang đăng ký hỗ trợ xây dựng sàn thương mại điện tử theo Nghị quyết 18/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025”.

Hướng mục tiêu xây dựng kinh tế số

Ngày 19/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1004/KH-UBND về việc thực hiện chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024. Ông Võ Trọng Phú - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Kế hoạch số 1004 ngoài nêu các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ cho các đối tượng, lĩnh vực thì yêu cầu về công tác truyền thông cũng được đề cao.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp với 5 giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Mục tiêu chuyển đổi số.png
Mục tiêu xây dựng kinh tế số trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024. Đồ hoạ: HT

Để đẩy nhanh tốc độ, đảm bảo chất lượng xây dựng nền kinh tế số, đội ngũ doanh nghiệp, trước hết là khối tài chính, ngân hàng và các công ty, doanh nghiệp viễn thông cần tăng cường phối hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích cung cấp dịch vụ công (thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội, ứng dụng của doanh nghiệp); tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số...

Cùng với đó, thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển chính quyền số; rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số; rà soát loại bỏ một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng công nghệ số.

Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ cuối quý I/2024, một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu là đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng chuyển đổi số. Theo đó, năm 2024, Nghệ An lựa chọn chủ đề cải cách hành chính “Đẩy mạnh chuyển đổi số - Tập trung nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình - Tỷ lệ số hóa hồ sơ - Tỷ lệ thanh toán trực tuyến”.

Tin mới