Tham nhũng và “án treo”

(Baonghean) - Trong các án dân sự, loại án nào được Tòa tuyên án “Cho hưởng án treo”nhiều nhất? Câu trả lời được Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình thừa nhận: Đó là các vụ án tòa án các cấp xử tội danh tham nhũng! Vì sao loại án này lại đựơc Tòa án các cấp cho hưởng án treo nhiều nhất? Đấy là vấn đề mà các vị đại biểu trong Ban Thường vụ Quốc hội đang cố gắng tìm hiểu bằng cách chất vấn người đại diện của ngành Tư pháp là Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, tại kỳ họp ngày 22/3/2013, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Câu hỏi thứ nhất do đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu ra: Có hay không có tiêu cực trong xét xử, dẫn đến tình trạng cho hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng cao như vậy? Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thừa nhận: “Tỷ lệ hưởng án treo trong các án tham nhũng là thống kê khách quan” và tỷ lệ đó đang giảm dần. Không thấy Chánh án TANDTC trả lời nội dung câu hỏi của đại biểu nêu ra là có hay không có tiêu cực? 

Câu hỏi thứ hai: Việc cho tội phạm hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng, xử án như vậy có đúng pháp luật không? Chánh án TANDTC thừa nhận: “Việc cho hưởng án treo trong các án tham nhũng không đúng pháp luật cũng là một thực tế!”. Ông nói rằng: “Về án treo không đúng pháp luật, Quốc hội đã nhiều lần có ý kiến và Chánh án cũng đã có báo cáo trước Quốc hội”. Vậy thì, việc cho các tội phạm tham nhũng hưởng án treo, rút cục là có tiêu cực hay không? Ông Trương Hòa Bình nói: “Có hiện tượng này thì không loại trừ tiêu cực!”. Và ông hứa: “Nếu phát hiện tiêu cực, sẽ kiên quyết xử lý!”. Lời hứa kiểu này, các đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân đã nghe quen tai như là một câu khẩu hiệu trong các cuộc điều trần, chất vấn của các quan chức thuộc các ngành, các cấp.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn lại một loạt vụ án tham nhũng đã nêu trong báo chí, trong đó cùng một hành vi, nhưng có trường hợp thì xử tội hối lộ, có trường hợp thì xử tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, và mức xử phạt cũng rất khác nhau! “Bức tranh xử tội tham nhũng của ta không thống nhất là do đâu? Trách nhiệm Tòa án đến đâu?”. Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, theo quy định, tòa án chỉ xét xử tội danh theo đề nghị của Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra. Khi xét xử, Tòa án không được xử ở tội danh cao hơn. Trong quá trình thụ lý, nếu thấy dấu hiệu tội phạm thuộc tội danh khác, tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu cơ quan điều tra Viện Kiểm sát đề nghị truy tố theo tội mới thì tòa xét xử theo tội danh mới. Còn nếu không, tòa án xét xử theo đề nghị. Do đó, việc cùng một hành vi phạm tội nhưng tòa án xét xử theo các tội danh khác nhau là có thể xẩy ra. Trách nhiệm này không riêng của Tòa án!

Chánh án Trương Hòa Bình cũng thừa nhận, gần đây có nhiều vụ án liên quan đến việc cán bộ ngành Tòa án ăn hối lộ, chạy án, sửa án, hủy án… Ông cho rằng, về chất lượng giải quyết các vụ án dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa cao. Một loạt các đại biểu lên tiếng về tình trạng “án tuyên không rõ ràng, dẫn đến không thi hành được trên thực tế, cũng như việc chậm xét xử gây hiệu quả xấu đến việc thực thi pháp luật”. Chánh án Trương Hòa Bình cũng thừa nhận việc “án tuyên không rõ ràng, không thi hành được trên thực tế là có. Chất lượng xét xử của các thẩm phán là có vấn đề! Cá nhân tôi xin nhận khuyết điểm này”.

Chánh án Trương Hòa Bình biểu thị quyết tâm của toàn ngành sẽ thực hiện đạt 100% hoặc gần 100% các vụ án không có nhũng nhiễu, tiêu cực, oan sai và giảm thiểu các án phạt tuyên không rõ ràng. Ông nói: “Nếu không đạt được, Chánh án xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu Quốc hội cũng như toàn thể nhân dân, trước mắt  mong Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình xúc tiến việc giám sát cán bộ của ngành mình, sao cho trong ngành không có hiện tượng ăn hối lộ, hiện tượng chạy án, tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất kiên trung của người cầm cân nẩy mực để giảm thiểu các án oan sai và giảm bớt việc tuyên án treo trong  xét xử tội danh tham nhũng ở thời điểm hiện nay!

Thạch Quỳ

Tin mới