Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật

(Baonghean) - Theo dõi, giám sát tình hình thi hành pháp luật là một lĩnh vực mới mẻ, rộng lớn và không kém phần phức tạp, trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, tồn tại lớn nhất chính là sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và nhận thức pháp luật còn hạn chế của các tổ chức, cá nhân…

Phạm vi rộng, nhân lực mỏng 
Ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó sự tham gia của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân  được xác định là một nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật. 
Từ khi có Nghị định 59, tình hình chấp hành và theo dõi thi hành pháp luật được các cơ quan, ban, ngành tổ chức thực hiện đầy đủ và trách nhiệm hơn. Tại Sở Tài Nguyên và Môi trường, trong 3 năm qua, đã tổ chức 70 cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện 190 vụ vi phạm pháp luật. Trong đó, có 113 vụ vi phạm hành chính và bị xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng. Ông Thái Văn Nông, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Xác định công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là rất quan trọng nên hàng năm, lãnh đạo sở đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức đánh giá thực trạng, hiệu quả việc thi hành pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân viên và nhân dân đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường.  
Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng đối với hàng đóng gói sẵn tại Công ty TNHH MTV 1-5.
Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng đối với hàng đóng gói sẵn tại Công ty TNHH MTV 1-5.
Tuy nhiên, Nghị định 59 bao quát một phạm vi rộng lớn và phức tạp. Vì vậy, đối với nhiều cơ quan, mặc dù trước đây đã thực hiện công tác này nhưng nay được quy định cụ thể  vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Ông Nguyễn Trung Châu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết: Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một nhiệm vụ mới với phạm vi rộng, tính chấp phức tạp cần có sự hướng dẫn chi tiết nhưng hiện tại các văn bản còn chung chung nên rất khó triển khai. Cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa được đào tạo bài bản, thường xuyên và đang làm việc kiêm nhiệm nên năng lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, quá trình tham gia giữa các ngành, phòng, ban chưa có sự phối hợp chặt chẽ, mặn mà nên kết quả chưa có tính đột phá, lan tỏa trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới được triển khai, chưa có nhiều kinh nghiệm; việc triển khai còn dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm. 
Với phạm vi rộng, công tác theo dõi thi hành luật đòi hỏi phải có sự nhuần nhuyễn trong phối hợp và kết hợp triển khai nhiệm vụ. Việc thi hành pháp luật theo từng ngành, lĩnh vực thì phải do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đó thực hiện, cơ quan tư pháp không thể và cũng không đủ năng lực làm thay. Do đó, để đánh giá được tình hình thi hành pháp luật trên các lĩnh vực, cơ quan tư pháp phải phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để thực hiện và các cơ quan đó phải có trách nhiệm triển khai theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực ngành quản lý cho cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường thì công tác phối hợp giữa các sở với nhau hiện mới chỉ dừng lại ở việc chế độ báo cáo và tham gia tập huấn. Cùng với đó, lực lượng thanh tra còn mỏng nên việc thanh tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân chưa được thực hiện thường xuyên.
Chọn vấn đề “nóng” để theo dõi
Để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, năm 2014, UBND tỉnh xác định 2 vấn để trọng tâm cần tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh là tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và khảo sát thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Để triển khai kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng thành lập đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn. Qua đó, phát hiện tình trạng các cá nhân lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công đang xảy ra khá nhiều. Mới đây là vào ngày 3/7, Công an Nghệ An đã tiến hành khám xét nhà ông Đặng Hồng Tư (61 tuổi, thương binh hạng 1/4) tại phường Lê Mao, TP Vinh và phát hiện thu giữ 75 kg giấy tờ giả hồ sơ thương binh và nhiều con dấu cũng nghi làm giả. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và phát hiện 195 trường hợp thương binh giả và sau đó, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện tiến hành thu hồi 21 tỷ đồng chi sai cho những trường hợp này.
Đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, trong năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành 4 văn bản QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các văn vản pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với công tác xử lý xe quá khổ, quá tải, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành và tổ chức một trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hàng ngàn xe quá khổ, quá tải đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm. Nhiều lái xe đã chấp hành nghiêm, song cũng có không ít lái xe chống đối, lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để lách trạm cân, hay sử dụng các chiêu trò để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Đại diện công an tỉnh đánh giá, trong quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật, cơ quan chức năng thấy rằng, một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền thi hành kịp thời, nghiêm túc. Cụ thể như lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự công an cấp huyện chưa thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 15, Nghị định 171 của Chính phủ.
Thực tiễn cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân còn phổ biến. Công tác xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế hành chính chưa thật sự triệt để, còn bỏ sót hành vi vi phạm, áp dụng không đúng quy định pháp luật; số lượng các vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các lĩnh vực như: An ninh trật tự và an toàn xã hội, giao thông, môi trường, đất đai, xây dựng, bảo vệ rừng... Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong việc theo dõi thi hành pháp luật... Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần quan tâm chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức có liên quan quan tâm phối hợp và đòi hỏi sự chủ động triển khai nhiệm vụ, cũng như trao đổi kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc của cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã để công tác này đạt được hiệu quả cao nhất.
Nguyên Hưng

Tin mới