Động lực khơi dậy ý chí thoát nghèo ở huyện biên giới Quế Phong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Quế Phong là huyện biên giới đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây, nhờ những giải pháp cụ thể hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững, đời sống người dân đã đổi thay, kinh tế - xã hội từng bước đi lên. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo...

Xin ra khỏi hộ nghèo

Trong năm 2023, gia đình anh Vi Văn Hải ở bản Chiếng ở xã biên giới Hạnh Dịch (Quế Phong) là 1 trong 3 hộ chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Anh Hải cho biết, trước đây gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống và keo giống từ chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện anh đã có 1 ha keo, 2 sào ruộng, 2 con trâu bò, gần 70 con gà, hơn 200 gốc quế, cuộc sống tạm ổn nên anh xin rút khỏi hộ nghèo để nhường hộ khác khó khăn hơn.

Sau khi ổn định kinh tế anh Vi Văn Hải ( bên trái) ở bản Chiếng xã Hạnh Dịch đã chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Anh KL.jpg
Sau khi ổn định kinh tế anh Vi Văn Hải ( bên trái) ở bản Chiếng, xã Hạnh Dịch đã chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ảnh: Khánh Ly

Trong đơn anh Vi Văn Hải trình bày rất mộc mạc “mặc dù gia đình vẫn thuộc diện khó khăn ở bản nhưng bản thân tôi thấy không thể cứ mãi trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước mà phải cố gắng lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, làm gương cho con cháu sau này”.

Ông Hà Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hạnh Dịch, cho hay: “Viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đồng nghĩa với việc các hộ sẽ không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Nhưng một số hộ vẫn mạnh dạn xin thoát nghèo vì lòng tự trọng, vì ý thức tự lực vươn lên, thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Những lá đơn xin thoát nghèo từ các thôn bản là làn gió mới, hứa hẹn mang đến tương lai tươi sáng hơn cho công cuộc giảm nghèo ở địa phương”.

bna_1.jpg
Cán bộ biên phòng, lãnh đạo Đảng uỷ xã Hạnh Dịch và Chi bộ ban quản lý Bản Chiếng thăm gia đình anh Lữ Văn Hoàng - 1 trong 3 hộ viết đơn xin thoát nghèo năm 2023. Ảnh: Khánh Ly

Tương tự, tại xã Tiền Phong - cửa ngõ của huyện Quế Phong, nơi có 12 thôn, bản với dân số 10.076 người thuộc 4 dân tộc (Thái, Kinh, Khơ Mú, Thổ). Phong trào hỗ trợ nhau thoát nghèo cũng đang được nhân rộng. Đơn cử như ở bản Na Cày, sau sáp nhập có 242 hộ, 1.117 khẩu; đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

nhung-con-duong-ntm-rong-rai-khang-trang-o-ban-na-cay-xa-tien-phong-anh-dinh-tuyen1-6566.jpg
Những con đường nông thôn mới khang trang ở bản Na Cày, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Trước thực tế đó, Chi bộ, Ban Quản lý bản Na Cày đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng, phát triển chăn nuôi trâu, bò. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn tìm hướng phát triển kinh tế và thoát nghèo. Trong năm 2023, bản có tới 7 hộ chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Anh Lương Văn Ngâu, người dân bản Na Cày, cho hay: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, nay kinh tế đã tạm ổn nên tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nhường sự hỗ trợ lại cho các hộ khác khó khăn hơn”.

z4972818597717_f513c81c9d60c81db2059965fca572cd.jpg
Một trong những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của người dân bản Na Cày, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Ảnh: Khánh Ly

Theo ông Lữ Văn Quý - Bí thư Chi bộ bản Na Cày, thì quyết tâm vươn lên, tự nguyện xin thoát nghèo của người dân có ý nghĩa lớn đối với công tác giảm nghèo của bản. Bởi người này sẽ học tập người kia, hộ này nhìn theo hộ kia để có động lực bứt phá, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn, tự chủ hơn.

Nhân lên ý chí thoát nghèo

Nhận thức rõ ý chí tự lực, tự cường của người nghèo có vai trò then chốt trong hành trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn mới, bên cạnh công tác tuyên truyền, khích lệ khát vọng thoát nghèo của người dân; cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Quế Phong đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn, nhu cầu của hộ nghèo.

Như tại xã Hạnh Dịch đã quy hoạch 3 vùng sản xuất, chăn nuôi theo lợi thế của từng thôn bản, ngoài ra còn có vùng bảo tồn, phát triển các loài dược liệu như mú từn, bon bo, chè hoa vàng ở các bản Quang Vinh, Hạnh Tiến, Long Tiến; phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch cộng đồng khu vực thác 7 tầng, làng Thái cổ Long Thắng.

bna_thac_7_tang_anh_sach_nguyen5941599_28112021.jpg
Thác 7 tầng ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Hiện đã có 5 hộ làm homestay phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, xã Hạnh Dịch đã vận dụng sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ, đầu tư của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị để duy trì và phát triển 23 mô hình kinh tế hiệu quả.

Điển hình như mô hình trồng cây bon bo với diện tích 10 ha quy mô 4.000 gốc do UBND huyện hỗ trợ; mô hình chăn nuôi trâu cái sinh sản do Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 hỗ trợ cho 32 hộ nghèo, cận nghèo bản Vinh Tiến trong năm 2022; và hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ thêm 30 con trâu, 49 con bò, 80 con Lợn và 4.000 con gia cầm; mô hình trồng khoai sọ tại bản các Long Thắng, Quang Vinh…

bna-chien-binh-10-6063.jpg
Khu vực sản xuất lúa của người dân xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Nhờ vậy, trong năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã biên giới Hạnh Dịch đạt 5,17 %, có 32 hộ thoát nghèo. Còn ở xã biên giới Tri Lễ, nơi có 16 thôn bản với 2.161 hộ với 11.398 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh, trong đó có 5 bản Mông sát biên giới.

Ông Lỳ Nỏ Pó ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, một trong những hộ chăn nuôi giỏi trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh Đặng Cường.JPG
Ông Lỳ Nỏ Pó ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, một trong những hộ chăn nuôi giỏi trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh: Đặng Cường.

Để đẩy mạnh công cuộc xoá đói, giảm nghèo, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo hệ thống chính trị phối hợp với các lực lượng đóng chân trên địa bàn “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn nhân dân phát triển các mô hình kinh tế như mô hình trồng khoai sọ, măng đắng tại bản Pà Khốm, chăn nuôi gà đen, gà sao tại bản Lam Hợp, Tam Hợp; chăn nuôi lợn đen tại bản Na Lạnh; mô hình trồng lúa khâu Cày Nọi ở các bản Mông. Qua đó, nhiều hộ gia đình ở Tri Lễ đã vươn lên phát triển kinh tế hộ mang lại thu nhập ổn định.

Điển hình như hộ Và Bá Và, hộ Xồng Gia Pó ở bản Pà Khốm với mô hình trồng dưa nại; hộ Hà Văn Xuân, hộ Ngân Văn Hoạt ở bản Na Lạnh với mô hình nuôi lợn đen; hộ Thò Bá Chúng, hộ Thò Lia Xa bản Huồi Xái với mô hình trồng đào trên núi đá.

bna-cho-phien-14-4712.jpg
Hàng nông sản địa phương được bày bán ở chợ phiên Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Trên địa bàn toàn huyện, bám sát chiến lược chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Cấp uỷ, chính quyền huyện Quế Phong đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, từ đó tạo đòn bẩy cho kinh tế hộ gia đình và vùng sản xuất tập trung. Tính đến 11/9/2023, việc triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 được các cơ quan chủ trì thực hiện khá khẩn trương. Tổng tỷ lệ giải ngân vốn đã cấp theo dự toán là 55,46%.

bna_12_anh_pv3626227_28112021.jpg
Lãnh đạo huyện Quế Phong khảo sát để tiến tới kêu gọi đầu tư xây dựng tour trải nghiệm trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Nhiều mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi đã phát huy hiệu quả trong đời sống của nhân dân như: trồng, chế biến các loại dược liệu, chăn nuôi gia súc, đại gia cầm; nuôi cá lòng hồ... Qua đó phát huy tính tích cực, chủ động thoát nghèo của người nghèo, hạn chế sự hỗ trợ theo hình thức “cho không”.

Nhờ nỗ lực của các hộ gia đình và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, năm 2022, toàn huyện có 473 hộ thoát nghèo, trong đó có gần 40 hộ chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Đầu năm 2023, huyện Quế Phong đã tổ chức hội nghị biểu dương 34 hộ gia đình có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây là dịp để các hộ chia sẻ cách làm, kinh nghiệm thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá, giàu.

Lãnh đạo huyện Quế Phong trao giấy khen cho các hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Anh tư lieu thuy hang.jpg
Lãnh đạo huyện Quế Phong trao Giấy khen cho các hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh tư liệu: Thuý Hằng

Trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Quế Phong ước giảm xuống còn 35,40% tương đương mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm là 4,71% (giảm 759 hộ nghèo).

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các cấp ngành rà soát để tiếp tục tổ chức biểu dương, trao giấy chứng nhận thoát nghèo cho các hộ gia đình đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo trong nhân dân.

Tin mới